Yêu cầu tự thân của cơ quan hành chính nhà nước các cấp

(PLO) - Giảm tải thời gian, nâng cao chất lượng báo cáo hành chính là yêu cầu cần thiết, giúp Chính phủ và các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước phát triển theo hướng hiện đại, hiệu lực và hiệu quả. Với mục tiêu quan trọng này, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ ngày 11/8/2015, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (khi đó đang là Phó Thủ tướng Chính phủ) đã giao Bộ Tư pháp nghiên cứu, xây dựng Đề án về chế độ báo cáo trong các cơ quan hành chính nhà nước (Thông báo số 273/TB-VPCP).
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

“Gánh nặng” của các cơ quan hành chính nhà nước

Công tác báo cáo hành chính đang diễn ra hết sức tùy tiện, thiếu ổn định và thiếu tính thống nhất, làm mất rất nhiều thời gian xử lý, thực hiện của các cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước, đồng thời cũng là tác nhân làm giảm sút tính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước. 

Chế độ báo cáo hành chính được quy định tản mát trong rất nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Không chỉ được quy định ở văn bản quy phạm pháp luật mà phần lớn, chế độ báo cáo được ghi nhận ở các văn bản hành chính thông thường. Ngoại trừ chế độ báo cáo thống kê đã được quy định thống nhất tại Luật Thống kê và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Thống kê; còn lại, các chế độ báo cáo khác đang phụ thuộc phần lớn vào cơ chế quản lý hành chính và quy chế làm việc của cơ quan hành chính nhà nước cũng như tính chất nhiệm vụ, yêu cầu quản lý của mỗi ngành, lĩnh vực.  

Mặt khác, khó có thể thống kê được chính xác số lượng báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước trong từng năm, bởi mỗi cấp, mỗi cơ quan hành chính từ Trung ương đến cơ sở phải thực hiện hàng loạt báo cáo (từ báo cáo tuần, quý, tháng, năm, đến rất nhiều báo cáo đột xuất khác). Bên cạnh đó, quy trình xây dựng, gửi - nhận báo cáo hiện nay hầu như đang thực hiện theo phương tiện truyền thống nên mất khá nhiều thời gian, tác động không tốt đến tiến độ và chất lượng báo cáo...

Trên cơ sở kết quả tổng hợp tình hình thực hiện báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, ước tính trong năm 2015, cơ quan hành chính nhà nước các cấp phải thực hiện tới 2.054.776 báo cáo, với 5.361.311 bản in, dẫn tới khá tốn kém chi phí in ấn báo cáo. Thời gian trung bình làm báo cáo của các bộ, ngành Trung ương chiếm 25,04% tổng thời gian thực hiện nhiệm vụ (nhiều nhất là Bộ Giao thông Vận tải, chiếm khoảng 50%); của chính quyền địa phương các cấp chiếm 26,12% tổng thời gian thực hiện nhiệm vụ (nhiều nhất là tỉnh Bình Dương, chiếm khoảng 70%). 

Cải cách để nền hành chính phát triển hiện đại, hiệu quả

Cải cách chế độ báo cáo là yêu cầu tự thân của chính các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước. Cải cách phải đảm bảo thiết lập được cơ sở khoa học và thực tiễn cho đổi mới chế độ báo cáo, giúp hình thành phương thức điều hành và hiện đại hóa nền hành chính trong điều kiện mới. Đơn giản hóa chế độ báo cáo phải đảm bảo tiết kiệm tối đa thời gian, nhân lực thực hiện, tiến tới loại bỏ các báo cáo không thực sự cần thiết, cắt giảm tối thiểu 15 - 20% số lượng báo cáo và tần suất báo cáo trong cơ quan hành chính nhà nước. 

Để thực hiện được mục tiêu, yêu cầu nói trên, ngoài việc kế thừa những kết quả tích cực đã đạt được từ chế độ báo cáo hiện nay, thiết nghĩ đầu tiên cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng, thống nhất về chế độ báo cáo, đặc biệt là thống nhất về loại, hình thức, thời hạn, quy trình, thủ tục báo cáo. Khung pháp lý quy định thống nhất về chế độ báo cáo dùng để điều chỉnh những vấn đề liên quan đến hình thức, quy trình để thực hiện báo cáo, còn nội dung cụ thể của báo cáo sẽ được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.  

Giải pháp mang tính đột phá nhất, quyết định cho sự thành công của việc đơn giản hóa chế độ báo cáo chính là hiện thực hóa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động báo cáo; thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu báo cáo giữa các cơ quan hành chính nhà nước. Tuy nhiên, nội dung này trước hết liên quan đến việc thiết lập phần mềm ứng dụng để thực hiện báo cáo điện tử phù hợp với các tính năng của Chính phủ điện tử. Ứng dụng đó phải được thiết kế bảo đảm thống nhất, thông suốt giữa các các cấp chính quyền, từ Trung ương đến địa phương. Với điều kiện thực tiễn hiện nay, cần thiết phải có lộ trình, bước đi phù hợp, đảm bảo khả thi.

Dự kiến xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia với nền tảng quan trọng là ứng dụng phương tiện điện tử trong hoạt động báo cáo là một trong những giải pháp, nội dung quan trọng của Đề án Đơn giản hóa chế độ báo cáo trong các cơ quan hành chính nhà nước. Ước tính khi thiết lập xong Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, tổng lợi ích đem lại của giải pháp này lên tới 725 tỷ đồng/năm. Thực hiện đơn giản hóa chế độ báo cáo sẽ góp phần thiết thực vào việc xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân.

Đọc thêm