'Yêu em bằng mắt - giữ em bằng tim'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  “Yêu em bằng mắt, giữ em bằng tim” mang phong cách lãng mạn thường thấy trong các truyện dài của Dương Thụy. Câu chuyện đặt ra nhiều vấn đề khác nhau trong tình yêu tuổi trẻ, đặc biệt là quan điểm về “yêu” và “kết hôn”, hai phạm trù khác nhau với nhiều thách thức mà các cặp đôi phải vượt qua.

Tác giả Dương Thụy được biết đến như là “người kể chuyện tình xuyên biên giới” với nhiều tác phẩm ăn khách do NXB Trẻ ấn hành như “Oxford thương yêu”, “Nhắm mắt thấy Paris”, “Chờ em đến San Francisco”,… Tác phẩm gần nhất của Dương Thụy là tiểu thuyết “Em rắc thính, anh thả tình” (2020) được in tái bản tới lần thứ 3 để đáp ứng sự hâm mộ của độc giả.

Bộ đôi tác phẩm của Dương Thụy.

Bộ đôi tác phẩm của Dương Thụy.

Nhà văn Dương Thụy chia sẻ: “Cớ gì để ta yêu nhau? Người ta yêu nhau vì lẽ gì? Dù là người hay viết ra những câu chuyện tình, tôi vẫn luôn tự hỏi. Phụ nữ và đàn ông rơi vào lưới tình theo hai cách khác nhau, thường chúng ta hay nghe những lời đồn hoặc tranh luận, đại loại như: Gái ham tài - Trai mê sắc; Đàn ông yêu bằng mắt - Phụ nữ yêu bằng tai; Phụ nữ dùng tình dục để mưu cầu tình yêu - đàn ông nhử tình yêu để đạt được tình dục…

Khi mới bắt đầu yêu, hầu hết những đôi trai gái đến với nhau có thể theo những quy luật này. Nhưng trong những hoàn cảnh khắc nghiệt như mất liên lạc, bị chia cắt trong thời gian dài, chênh lệch về tài sản riêng, khi người thứ ba nổi trội hơn xuất hiện, gặp những vấn đề về sức khỏe ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân… thì để nuôi dưỡng tình yêu người ta cần điều gì?

“Yêu em bằng mắt - Giữ em bằng tim” là một cuốn sách mà tôi viết về hành trình yêu của cô gái trẻ từ lúc mới 18 tuổi đến khi trưởng thành và làm mẹ của hai đứa con. Hành trình yêu của cô không hề bằng phẳng dù luôn hiện hữu âm nhạc và hoa hồng. Chàng trai của cô đã làm gì để có thể giữ cô lại khi bản thân gặp rất nhiều bất lợi?

Tôi tin rằng sau “yêu nhau bằng mắt” thì “giữ em bằng tim” mới là câu trả lời cho mọi cặp yêu nhau, nhưng cụ thể giữ thế nào thì bạn đọc yêu quí có thể cảm nhận cho riêng mình sau khi thưởng thức tác phẩm”.

Đọc thêm