Yêu thương - liều thuốc kỳ diệu của gia đình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Yêu thương là khởi điểm, là nền tảng cho gia đình, mà cũng chính là liều thuốc kỳ diệu chữa lành những tổn thương, đem lại ấm no và hạnh phúc cho các gia đình hiện đại.
Tình yêu thương có thể lấp mọi khiếm khuyết, chữa lành tổn thương, đem đến ấm no và hạnh phúc cho gia đình hiện đại, dẫu là gia đình không đầy đủ. (Ảnh minh họa)

Tình yêu thương có thể lấp mọi khiếm khuyết, chữa lành tổn thương, đem đến ấm no và hạnh phúc cho gia đình hiện đại, dẫu là gia đình không đầy đủ. (Ảnh minh họa)

Yêu thương là nền tảng xây dựng gia đình

Phải luôn nhìn nhận một điều, trong mọi hình thái gia đình, dù là trước đây hay hiện nay thì tình yêu thương vẫn luôn đóng vai trò là yếu tố khởi điểm để kiến tạo nên một gia đình. Nói cách khác, xuất phát điểm của một gia đình, bao giờ cũng phải là tình yêu thương. Vì yêu thương mà người ta đến với nhau, gắn kết với nhau trong hôn nhân. Khi con cái ra đời, yêu thương sẽ chuyển thành một hình thái khác. Yêu thương không chỉ còn là câu chuyện riêng giữa hai vợ chồng mà mở rộng ra thành tình yêu dành cho con cái – những kết tinh của tình yêu đôi lứa.

Trong quá trình đồng hành cùng nhau, ngoài yêu thương, sẽ còn có nhiều yếu tố khác, nhưng yêu thương vẫn luôn giữ vai trò chủ chốt cho một gia đình duy trì và phát triển. Tình yêu thương là chất kết dính diệu kỳ của mỗi gia đình. Là “gia tài” quý giá sẵn có của mọi gia đình, không cần phải vay mượn từ đâu. Tình yêu thương cũng là cội nguồn cho sức mạnh tình cảm sâu nặng và lòng thủy chung bền chặt keo sơn cho mỗi thành viên trong gia đình. Là sức mạnh giúp người ta vượt qua những thử thách cam go, những sóng gió, cạm bẫy của cuộc đời.

Yêu thương không phải là cái gì đó xa lạ, là một khái niệm chung chung. Tình yêu thương được biểu hiện bằng những cử chỉ thân ái, săn sóc, chở che... Một gia đình giàu yêu thương sẽ tạo nên một không gian đầm ấm và ngọt ngào, tạo ra sự dễ chịu và cảm giác hạnh phúc, vui vẻ cho mỗi một thành viên trong gia đình. Dù các thành viên trong gia đình có đi xa đến đâu, chính tình yêu thương vừa là chiếc neo, neo “người nhà” lại với nhau và cũng là động lực để mỗi người nỗ lực hơn để đạt được thành tựu trong đời sống. Yêu thương chính vì vậy cũng chính là bệ phóng cho mỗi người có thể vươn xa trên bước đường tương lai.

Lẽ dĩ nhiên, yêu thương không phải là “đặc quyền” trong mối quan hệ gói gọn của nam nữ hay một gia đình nhỏ với cha mẹ và con cái. Yêu thương là tài sản chung của mọi thành viên trong gia đình ở mọi quy mô gia đình lớn nhỏ.

Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành cũng đề cao vai trò của yêu thương và coi đó là “hạt giống” cho mọi tiêu chí ứng xử trong gia đình. Bộ tiêu chí đã đưa ra tiêu chí ứng xử chung trong gia đình gồm 4 tiêu chí, trong đó có “yêu thương”: “Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ”.

Trong tiêu chí về các mối quan hệ trong gia đình, Bộ tiêu chí đặt ra các tiêu chí đưa ra tiêu chí cụ thể như giữa vợ, chồng phải chung thủy, tình nghĩa. Vợ chồng cùng nhau xây dựng hôn nhân bền vững, không vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng. Yêu thương, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ công việc trong gia đình, cùng có trách nhiệm nuôi dạy con, làm việc nhà, đóng góp tài chính. Tạo điều kiện giúp đỡ nhau lựa chọn nghề nghiệp, học tập, nâng cao trình độ, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội...

Trong tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu theo nguyên tắc “Gương mẫu, yêu thương”. Cha mẹ, ông bà làm gương tốt cho con, cháu trong cử chỉ, hành động, lời nói. Trao truyền các giá trị truyền thống, kinh nghiệm sống cho con, cháu, giáo dục, động viên con cháu thực hiện lối sống văn hóa, ý thức công dân, giữ gìn nền nếp, gia phong… Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Kính trọng, lễ phép, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; yêu thương, quan tâm, chia sẻ tình cảm, nguyện vọng với cha mẹ và các thành viên trong gia đình. Học tập, rèn luyện, giữ gìn nền nếp gia đình… Anh chị em trong gia đình phải hòa thuận, chia sẻ. Anh chị em tôn trọng, bảo nhau điều hay lẽ phải. Cùng chia sẻ với nhau công việc chung trong gia đình, giúp đỡ nhau khi khó khăn, hoạn nạn…

Yêu thương tạo nên niềm hạnh phúc của tuổi thơ. (Ảnh minh họa)

Yêu thương tạo nên niềm hạnh phúc của tuổi thơ. (Ảnh minh họa)

Khi yêu thương đủ lớn

Gia đình truyền thống với từ 3 thế hệ trở lên là một nét đẹp của văn hóa gia đình Việt. Trong mỗi một gia đình truyền thống, các thành viên trong gia đình có điều kiện quan tâm, chia sẻ, chăm sóc tới nhau nhiều hơn và vì thế yêu thương cũng tỏa lan, đong đầy.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, mô hình gia đình hiện đại đã khác đi nhiều. Chủ yếu của gia đình hiện đại là gia đình hạt nhân, chỉ có hai thế hệ là cha mẹ và con cái, bởi ra riêng sau khi kết hôn là xu thế của hầu hết các cặp vợ chồng trong thời đại coi trọng sự tự do cá nhân ngày nay. Nhưng mô hình thay đổi không có nghĩa là yêu thương giảm sút. Gia đình hai thế hệ vẫn có thể dành cho nhau sự trọn vẹn yêu thương, chăm sóc, quan tâm, xây dựng được một mái ấm ấm áp và tròn đầy. Cạnh đó, ông bà dẫu sống riêng với con cháu, nhưng tình yêu thương không có khoảng cách, mỗi người đều có thể gửi tình yêu thương đến nhau bằng sự quan tâm, giúp đỡ, san sẻ, có mặt bên nhau lúc cần.

Mô hình hiện đại không chỉ có gia đình hạt nhân. Thời đại ngày nay, con người có thêm nhiều lựa chọn cách sống cho mình. Những hoàn cảnh đa dạng đã tạo ra nhiều hình thức gia đình hiện đại mới, không “lý tưởng” như hình mẫu mái ấm trọn vẹn cả cha mẹ và con cái. Đó có thể là gia đình đơn thân, khuyết đi cha hoặc mẹ, là gia đình “rổ rá cạp lại” với cha mẹ tái hôn và những đứa trẻ không cùng máu mủ ruột rà hoặc chỉ có nửa dòng máu. Thậm chí, đó có thể là gia đình mà cả cha và mẹ đều cùng một giới tính và đứa trẻ là kết tinh của một kiểu tình yêu và hôn nhân đặc biệt: Hôn nhân đồng giới.

Và, dẫu cho không phải là một gia đình trọn vẹn ở mặt hình thức thì không có nghĩa là yêu thương không xuất hiện, không tròn đầy ở những gia đình hiện đại “đặc biệt”. Ở một chiều ngược lại, chính những gia đình không hoàn hảo ấy, lại càng cần đến tình yêu thương để làm liều thuốc chữa lành tổn thương cho mọi thành viên trong gia đình, đem lại cảm giác ấm cúng và hạnh phúc, lấp đầy các chỗ “khuyết”.

Với những gia đình đơn thân, việc cha hoặc mẹ cùng một lúc phụ trách cả hai vai trò, lại phải chịu trên vai gánh nặng kinh tế để duy trì đời sống gia đình không tránh khỏi sẽ phải mệt mỏi, vất vả hơn. Nhưng, chỉ cần tình yêu đủ lớn, họ sẽ đủ sức mạnh để mạnh mẽ bước tiếp, đương đầu với mọi khó khăn. Dẫu thế giới nhỏ chỉ có cha - con hay mẹ - con thì nụ cười vẫn có thể tươi rói, hạnh phúc vẫn có thể ngập tràn. Và thực tế là rất nhiều ông bố, bà mẹ đủ mạnh mẽ, yêu thương đủ lớn, có thể gần như bù đắp cho con được sự thiếu thốn “một nửa tình thương”, khiến cho con vẫn lớn lên trong tình cảm ấm áp đủ đầy.

Với những gia đình “đặc biệt” được ghép từ những mảnh vỡ khác nhau, hay gia đình của những người đồng tính cũng thế. Một khi có đủ yêu thương, tôn trọng, sẻ chia, cùng nhau vun đắp giá trị gia đình thì những khoảng trống cũng được lấp đầy, những tổn thương sẽ được xoa dịu và mỗi thành viên trong gia đình, dẫu có chung huyết thống với nhau hay không, vẫn gắn kết với nhau sâu sắc bởi tình yêu thương.

Khi tình yêu đủ lớn, dẫu gia đình nhỏ hay to, lý tưởng hay không vẹn toàn, mỗi thành viên đều cảm nhận trọn vẹn được sự ấm áp, hạnh phúc, cùng nhau hướng đến một tương lai tốt đẹp cho “cả nhà”.

Có thể thấy, từ trong cuộc sống hằng ngày hay tại các tiêu chí được khái quát bởi Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang lan tỏa sâu rộng trong đời sống người dân thì yêu thương vẫn luôn là yếu tố chính yếu, là tiêu chí lớn nhất, chung nhất cho mọi mối quan hệ trong gia đình, là nền tảng để xây dựng gia đình vững chắc và phát triển, nền tảng cho ấm no và hạnh phúc.

Đọc thêm