Yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển con người

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Giáo dục mầm non (GDMN) có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, phát triển con người Việt Nam. Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đổi mới GD&ĐT, khi chủ trì phiên họp của Ủy ban về đổi mới phát triển GDMN đến 2030, tầm nhìn 2045, được tổ chức mới đây.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo số liệu báo cáo, đến nay mạng lưới cơ sở GDMN phát triển rộng khắp, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đưa trẻ đến trường. Hằng năm, có trên 5,3 triệu trẻ mầm non được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại hơn 15.000 trường mầm non và gần 16.000 cơ sở độc lập; toàn quốc có 56,9% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, tỉ lệ phòng học kiên cố đạt 82,2%...

Việc thực hiện thành công mục tiêu phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đã tạo cơ chế, động lực thúc đẩy GDMN phát triển, từng bước đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Việc đầu tư cơ sở vật chất trường lớp và đội ngũ giáo viên mầm non, cán bộ quản lý GDMN ngày càng được quan tâm; tăng cả về số lượng, chất lượng. Các chính sách như hỗ trợ tổ chức nấu ăn, hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo vùng khó khăn, hỗ trợ giáo viên dạy lớp ghép và tăng cường tiếng Việt, hỗ trợ trẻ mầm non là con em công nhân... đã góp phần nâng cao chất lượng GDMN.

Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng thiếu trường lớp, thiếu giáo viên, thiếu trang thiết bị dạy học. Trước nhu cầu phát triển đất nước thời kỳ mới, GDMN cần được đổi mới để đáp ứng yêu cầu. Trong đó, mục tiêu là tiến tới phổ cập GDMN cho trẻ từ 3 - 5 tuổi; đổi mới nội dung chương trình GDMN; có cơ chế huy động nguồn lực và các điều kiện để thực hiện đổi mới, phát triển GDMN…

Tại cuộc họp, nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, Thủ tướng nhấn mạnh GDMN có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, phát triển con người Việt Nam. GDMN là bậc học dành cho lứa tuổi nhỏ nhất trong tiến trình phát triển của con người. Xây dựng, phát triển con người cần phải được đặt nền móng từ những năm đầu đời. Phải tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, trong đó có GDMN.

Quan điểm của Lãnh đạo Chính phủ như vậy đã rất rõ ràng. Vấn đề tiếp theo, là nhận diện những “điểm nghẽn”, hạn chế của GDMN về nhân lực; cơ sở vật chất; tiếp cận chưa bình đẳng về GDMN, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; để rà soát, có cơ chế chính sách huy động mọi nguồn lực cho GDMN, nhất là về thuế, tiếp cận đất đai, tín dụng; vấn đề xã hội hoá, kêu gọi sự đóng góp của người dân; cơ chế, chính sách huy động nguồn lực con người và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong GDMN, biên chế giáo viên…

Với tinh thần “cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; cái gì chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn nhưng không nóng vội”; nhất định lĩnh vực GDMN sẽ ngày càng có những bước phát triển, “vì tương lai con em chúng ta”.

Đọc thêm