Yoga - hành trình tìm về giá trị bình dị của những cô gái trẻ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Khủng hoảng tuổi 20 đến với những cô gái trẻ nơi đô thị ồn ã. Bước qua lứa tuổi ngây thơ, vô lo, vô nghĩ, giờ đây giống như sực tỉnh sau một con mê, họ tự hỏi mình đang là ai? Mình đang làm gì đối với cuộc sống này?
Yoga - hành trình tìm về giá trị bình dị của những cô gái trẻ

Như một chú chuột nhỏ hoảng loạn trước thế giới, họ bắt đầu vội vàng đi tìm giá trị bản thân. Mỗi cô gái, mỗi câu chuyện, nhưng đó đều là những người đã dũng cảm bỏ lại sau lưng vùng an toàn, đến với yoga như một bến đỗ bình yên cho tâm hồn…

“Mình không muốn phải sống như thế này mãi…”

Bước vào lớp học yoga, vừa gặp Tú Anh, một cô gái nhỏ bé cao 1m49, mái tóc nhuộm màu bạch kim và làn da trắng hồng. Cô vừa thông báo mình đã nghỉ tất cả các công việc học thêm để tập trung vào học khóa HLV yoga tại một trung tâm yoga fitness. Tú Anh hiện là sinh viên năm 3 khoa tiếng Hàn, Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN, thu nhập mỗi tháng từ việc dạy thêm của cô gái nhỏ dao động từ 6 – 10 triệu đồng, có những lúc đỉnh điểm thì việc kiếm hai chục triệu mỗi tháng cũng không khó. Mỗi ngày, Tú Anh đều nghĩ về tương lai của mình, mình sẽ ở đâu? Là ai trong năm, mười năm nữa? Điều này thúc đẩy Tú Anh mỗi ngày đều cùng bạn bè hoàn thành chương trình ở trường đến 3-4h sáng. Sau đó chạy đến các lớp dạy thêm để có kinh nghiệm về biên dịch tiếng Hàn, dạy học tiếng Hàn. Hậu quả là cô được thông báo mắc một loạt những bệnh về đường tiêu hóa, phế quản.

Tú Anh thường mang vác lỉnh kỉnh cả đống thuốc bắc, thuốc nam, thuốc tây mà mẹ cô gửi lên. Thân hình nhỏ bé luôn “dặt dẹo” cảm tưởng như gió thổi cũng có thể ngã oạch xuống đất. Cuộc sống là như vậy, nhưng khi được hỏi có thích ngành mình đang theo không, cô cũng chỉ đáp: “Lúc em thi đại học, em hoàn toàn chẳng biết mình thích gì, mẹ em bảo vào đây ổn định thì em làm thôi”. Sau đó, Tú Anh lại nói thêm: “Ngành biên dịch này cũng tồn tại ngắn ngủi, rồi sẽ lại có người trẻ trung hơn lên thay thế em, rồi em sẽ phải sống như thế nào? Em không muốn sống cuộc đời như thế này mãi!”.

Khủng hoảng trong lứa tuổi 20 hiện nay đang tồn tại âm ỉ trong cuộc sống của những người trẻ. Theo Meredith Goldstein của tờ Boston Globe, khủng hoảng một phần từ cuộc đời (diễn ra đầu đời), thường xuất hiện ở những người từ lứa tuổi 21-22 khi họ đang có quá nhiều phân vân với cuộc đời này. Giống như việc “Khủng hoảng danh tính” đã được nhà nghiên cứu tâm lý học người Do Thái Erik Erikson đề cập đến, ở một độ tuổi nào đó, con người băn khoăn với những câu hỏi đam mê của tôi là gì? Tôi là ai? Tôi tồn tại trên thế giới này nhằm mục đích gì?

Ngọc Thúy, 26 tuổi, giáo viên yoga tại Hà Nội, cũng đã từng chia sẻ về những năm tháng khủng hoảng đi tìm danh tính của bản thân. Tốt nghiệp Trường Đại học Thăng Long, là một cô gái năng động, hoạt bát, có nhiều rất thành tích trong trường. Cô đã từng làm một Content Marketing, môi trường công sở, đồng nghiệp dễ tính, bản thân Thúy cũng là người vui vẻ, hòa đồng, nên cuộc sống diễn ra rất bình ổn. Nhưng Thúy chẳng bao giờ thích nghề nghiệp cô đang làm, mỗi ngày đến, rồi về, ăn xong rồi nằm ngủ hoặc ngồi một chỗ trước màn hình máy tính cả ngày. Thúy từ một cô gái nhỏ nhắn 45kg đã tăng lên gần 60kg, khuôn mặt béo đến mức không ai nhận ra. Thúy từng chia sẻ rằng cô sống như không phải là chính mình suốt những thời gian đó, đến rồi đi, về rồi lại đi chơi để “giết” thời gian và làm mình vui vẻ. Trong những mơ ước thầm kín của Thúy, đó là cô được sống như mình mong muốn, đến với thế giới tự do, học tiếng Anh, làm một công việc mình yêu thích, được đi du lịch, khám phá thế giới này.

Ngọc Thúy và yoga.

Ngọc Thúy và yoga.

Trong một Báo cáo nghiên cứu Thế hệ trẻ Việt Nam của Bristish Council vào năm 2020, có đến hai phần ba người trẻ (68%) cho rằng những người cùng trang lứa với họ đang gặp khó khăn trong tìm việc làm đúng ngành học và đúng mong đợi. Cũng theo tổ chức này, phần lớn người trẻ giờ đây sử dụng công nghệ mạng xã hội từ rất sớm, họ bị chi phối bởi thành công, những “cuộc sống ảo” của những người trên mạng xã hội và tự trói buộc bản thân mình vào những điều đó.

Cố vấn Sức khỏe Tâm thần được cấp phép Janine Halloran tác giả quyển sách về tâm lý dành cho trẻ con như “Coping Skills for Teens Workbook”, hiện bà cũng đang sở hữu một trang web cùng tên. Bà Halloran chia sẻ: “Nếu họ cảm thấy mình giống như một con nai bị bắt vào đèn pha, như thể họ không thể đưa ra quyết định và họ cảm thấy tê liệt trước những gì đang diễn ra xung quanh mình thì đó là lúc quá nhiều”.

Thúy Hiền, 29 tuổi, vừa nghỉ làm tại một công ty buôn bán vật liệu xây dựng, bỏ lại 6 năm kinh nghiệm bươn chải trên con đường mưu sinh. Hiền từng chia sẻ rằng khi mới ra trường, cô chỉ mong mình có thể đi làm luôn để kiếm được tiền, tận hưởng cuộc sống của một người trưởng thành. Đối với Hiền, công việc tại công ty như một thói quen sinh hoạt thường ngày, không có gì thay đổi. Rất nhiều lần Hiền định nghỉ việc vì thật sự chẳng hiểu mình đang làm gì, cô “ì ạch” tại chỗ, chẳng nâng cao được bất cứ kiến thức nào sau 6 năm làm việc. Thậm chí cô còn từng nói: “Trước đây khi gặp gỡ với mấy đứa em họ, mình còn có quan điểm để chia sẻ. Giờ đây chỉ biết ngồi nghe bọn nó nói, mình chẳng có lập luận nào đúng đắn”. Thậm chí, Hiền từng chia sẻ với đồng nghiệp về ý định xin thôi việc để học tập hoặc thay đổi môi trường làm việc đòi hỏi chuyên môn cao hơn. Khi được hỏi: “Em có thấy chán nản với môi trường của công ty, bức bối hay khó chịu không?”. Hiền chẳng thể nói được gì, nhưng mỗi ngày cô lại càng chán ghét cuộc sống vật vờ giống một con rối, sáng đến sớm, chiều đi về, tháng nhận đủ lương. Cuộc sống vô cảm, trầm lặng đến mức cô gái 29 tuổi ngồi xem những bộ phim kinh dị mà không còn thấy sợ hãi, kinh hoàng nữa, cô chỉ ngồi đó như một bức tượng vô hồn.

Đi tìm về với lớp vỏ tinh thần của mình

Cô Bobby Bessey – người hướng dẫn khóa đào tạo giáo viên yoga 200hr đã từng định nghĩa yoga “Yoga là việc bạn đi vào bên trong và điều khiển tâm trí mình”. Trong yoga, có một phương pháp thiền gọi là “Thiền Kosha”, có nghĩa là thiền đi vào năm lớp bên trong cơ thể mỗi con người. Lớp đầu tiên sẽ là lớp vỏ vật chất Annamaya Kosha, lớp hơi thở là Pranamayana Kosha, lớp Manoma Kosha là lớp ý thức thấp, Vijnamaya Kosha là lớp tinh thần cao thấu hiểu, trí tuệ, Anandamayna Kosha là bậc cao nhất nối giữa vụ trũ và con người.

Thúy Hiền, 29 tuổi, như đã bước ra khỏi trang cũ của cuốn sách. Đối với cô, cuộc sống hiện giờ là sự chia sẻ, quan tâm với mọi người. Cô gái chia sẻ: “Chị nghĩ, chị đã dần hiểu hơn về Vijnamaya Kosha, khi mỗi người chị nói chuyện, tiếp xúc, bất kể là ai cũng đều là người thầy của chị. Mỗi góc nhìn mới, hiểu biết mới sẽ cho chị thêm kiến thức mà không sách vở nào có thể làm được trọn vẹn”.

Hiền không còn tách mình với thế giới, cô ở lại nói chuyện cùng học viên, tham gia khóa đào tạo yoga, cởi mở và vui vẻ hơn trước. Hiện nay, Hiền đang làm hỗ trợ lễ tân cho một phòng tập yoga ở Hưng Yên, đối với cô gái, cuộc sống được thoải mái về tinh thần, được ngủ đủ mỗi giấc vào buổi tối thật là tuyệt vời. Cô bạn dành thời gian rảnh đi tập yoga trên núi cùng bạn bè, học thêm tiếng Anh qua app để tiết kiệm những khoản chi phí. Cô cũng bắt đầu cho mình có những khoảng thời gian được đọc sách, học thêm về yoga, trò chuyện, phiên dịch giúp các học viên trong phòng tập. Có lẽ, đối với Hiền, đây là khoảng thời gian an bình, được sống lại như một đứa trẻ sau 6 năm miệt mài trên thương trường.

Bỏ lại đằng sau lưng công việc dạy thêm tiếng Hàn giúp Tú Anh có thu nhập đến vài chục triệu mỗi tháng. Mỗi ngày Tú Anh đều thức dậy lúc 5h sáng bắt xe bus đi đến trung tâm dạy yoga với mơ ước sẽ được đứng lớp để tạo ra những giá trị tốt hơn cho cuộc sống này của mình. Cô cũng cười nhiều hơn, không còn khuôn mặt u ám, trầm lặng vì ngập tràn trong đống bài tập. Tú Anh dần cởi mở, kết bạn với các HLV yoga người Ấn Độ, chia sẻ, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm từ họ. Tú Anh nói rằng: “Thật sự em rất vui vì đây là lần đầu tiên em có thể dũng cảm theo đuổi ước mơ từ ngày còn nhỏ của mình”.

Khác với Tú Anh, hiện tại, Ngọc Thúy đã và đang là giáo viên yoga chia sẻ rằng: “Hiện tại, mỗi ngày, mình đều sống lành mạnh và khỏe khoắn hơn. Thời gian làm việc không còn căng thẳng nữa, mình có nhiều thời gian cho gia đình và bạn bè”. Thúy cũng thực hiện được mơ ước của mình, cô đã có cả một năm 2021 thực hiện những chuyến đi du lịch bụi xuyên Việt với người bạn trai của mình, cả hai đã ở tại Huế, Hội An, Đà Nẵng, “bon bon” trên những chiếc xe máy, hết mình vì tuổi trẻ. Vào đầu năm 2022, Thúy cũng đã đi dạy yoga rất nhiều nơi, cô có 2 tháng vào TP Hồ Chí Minh dạy yoga bay, một tháng vào Hội An dạy yoga cho người nước ngoài. Hiện tại, Ngọc Thúy trở lại Hà Nội và tiếp tục công việc của mình. Cô cũng dần tìm thấy được giá trị của cuộc sống, đó chính là “tận hưởng và hài lòng với mọi thứ mình đang có, chứ không phải sống và cố gắng trở thành hình mẫu mà xã hội hướng tới”. Cô cũng làm quen được với rất nhiều người cùng chí hướng với mình, trò chuyện, học tập với những người nước ngoài. Hiện nay, nếu ai gặp lại, sẽ không khỏi ngỡ ngàng vì cơ thể săn chắc, khỏe mạnh của Thúy khác hẳn với cô nhân viên 60kg trước kia.

Và có lẽ, yoga là vậy, khi bạn tìm về được với chính bản thân mình, nơi bạn được tự do, không còn ràng buộc của đau khổ, sợ hãi. Giống như Janice Liou, một yogi nổi tiếng với hàng ngàn follow trên instagram có chia sẻ vào lúc 17 tuổi, cô đã bật khóc sau khi thực hành xong lớp học yoga. Bởi đó là khi Janice không còn dằn vặt, hành hạ bản thân bởi chế độ ăn kiêng hà khắc hay những quy tắc khô cứng của xã hội.