Hội nghị trao đổi về công tác bảo đảm quyền con người theo Công ước ICCPR

(PLO) - Sáng 10/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trao đổi về công tác bảo đảm quyền con người theo công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR) trong một số lĩnh vực của Bộ Tư pháp nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày nhân quyền thế giới (10/12/1948 – 10/12/2018).
Hội nghị trao đổi về công tác bảo đảm quyền con người theo Công ước ICCPR

Tham dự và chủ trì Hội nghị có Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế Nguyễn Linh Kha cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan có liên quan. 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Nguyễn Linh Kha cho biết Việt Nam đã tham gia 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về con người và một số Nghị định thư của các Công ước này. 

Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, thường được gọi tắt là Công ước ICCPR – là một trong những điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người đã được Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua năm 1966 và có hiệu lực năm 1976. Đây cũng là Công ước có phạm vi điều chỉnh rộng, bao trùm tất cả các quyền dân sự và chính trị của mỗi cá nhân. 

Hiện tại có khoảng 170 nước tham gia Công ước này. Việt Nam là thành viên của Công ước ICCPR từ năm 1982 và đã hai lần bảo vệ Báo cáo quốc gia thực thi công ước này. 

Bên cạnh đó, Việt Nam còn tham gia nhiều Công ước quốc tế khác có nội dung liên quan đến việc ghi nhận, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị ICCPR có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội và pháp lý của Việt Nam. Các quy định của Công ước được tuyên truyền, phổ biến đến người dân; được nghiên cứu, giảng dạy tại các cơ sở nghiên cứu, đào tạo; đồng thời được nội luật hóa vào hệ thống pháp luật Việt Nam.

 Theo bà Linh Kha, Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối quốc gia của Việt Nam đối với Công ước ICCPR, với mục tiêu gắn chặt hơn việc tham gia Công ước này với việc xây dựng và và hoàn thiện pháp luật Việt Nam, Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm xây dựng mục tiêu này. 

Tại Hội nghị, đại diện Vụ Pháp luật quốc tế đã chia sẻ những kết quả đạt được và những khó khăn, thách thức trong công tác đảm bảo quyền con người theo Công ước ICCPR. Các đại biểu tham dự cũng tập trung trao đổi, thảo luận một số nội dung liên quan đến bảo đảm quyền dân sự, chính trị trong các lĩnh vực như pháp luật hình sự, trợ giúp pháp lý, bồi thường nhà nước công tác và phổ biến giáo dục pháp luật. 

Đặc biệt là thời gian qua, Bộ Tư pháp đã thực hiện phổ biến các quyền dân sự, quyền chính trị trên Báo Pháp luật Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam dưới dạng các tin, bài, câu hỏi đáp và Chương trình đối thoại trực tuyến trên Báo Pháp luật Việt Nam điện tử xung quanh nội dung Công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị. 

Đọc thêm