Làm chủ cơ sở dữ liệu Lý lịch tư pháp: Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

(PLO) - Đó là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm tại cuộc họp thẩm định Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp (LLTP) diễn ra sáng qua (13/6).
Thứ trưởng Lê Tiến Châu chủ trì cuộc họp.
Thứ trưởng Lê Tiến Châu chủ trì cuộc họp.

Luật LLTP 2009 đã quy định cụ thể nguồn thông tin LLTP và nhiệm vụ của các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Công an, cơ quan có liên quan trong quân đội  cung cấp thông tin để xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, Luật Tổ chức TAND năm 2014, Luật Tổ chức VKSND năm 2014, Luật Thi hành án Hình sự năm 2010 được ban hành có một số thay đổi so với quy định của Luật LLTP.

Xóa bỏ cơ chế “xin – cho” trong cung cấp thông tin về LLTP

Do đó, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số văn bản, quyết định là nguồn thông tin LLTP như quyết định tổng hợp hình phạt; thông báo sửa chữa, bổ sung bản án hình sự; quyết định đình chỉ việc chấp hành án phạt tù; quyết định đình chỉ thi hành án; quyết định rút ngắn thời gian thử thách án treo; quyết định thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ.

Đồng thời Dự thảo quy định rõ nhiệm vụ của Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan Công an, cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng nhằm bảo đảm phù hợp với quy định của các văn bản pháp luật khác.

Theo TS. Tạ Thị Minh Lý, cơ sở dữ liệu về LLTP hiện nay là quá lớn nhưng việc quản lý vẫn chưa đảm bảo, vẫn còn cơ chế “xin – cho” gây ảnh hưởng đến thời hạn cấp Phiếu. Do đó, cần sớm xây dựng cơ sở dữ liệu để nâng tầm vị thế của công tác LLTP, thúc đẩy đầu tư, hòa nhập với thị trường việc làm trong và ngoài nước.

Còn Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Đặng Thanh Sơn cho rằng, muốn làm chủ được hệ thống cơ sở dữ liệu, cần đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời cần quy định rõ về cơ chế, phương thức phối hợp, trách nhiệm của các cơ quan liên quan để có giải pháp xử lý khi họ cung cấp không đúng, không đủ thông tin.

Đánh giá kho cơ sở dữ liệu hiện hành đang hoạt động tương đối ổn định, cơ bản giải quyết được các yêu cầu thực tế, Giám đốc Trung tâm LLTP quốc gia Hoàng Quốc Hùng cho rằng vẫn cần sớm điện tử hóa các dữ liệu như tài liệu cung cấp cho cơ quan liên quan và hồ sơ xin cấp Phiếu. Song, để việc xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ, đồng bộ thì cần lộ trình nhất định và sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, cơ quan liên quan.

Rút ngắn thời hạn cấp Phiếu LLTP

Nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu cấp Phiếu LLTP, dự thảo Luật đã bổ sung hình thức Phiếu LLTP dưới dạng văn bản giấy hoặc dữ liệu điện tử và bổ sung quy định về hình thức nộp hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP (trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính công ích, trực tuyến).

Ngoài ra, Dự thảo Luật còn quy định theo hướng mở thêm quyền lựa chọn cơ quan LLTP quốc gia cấp Phiếu LLTP cho người dân trong các trường hợp: Cá nhân không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú; đã cư trú nhiều nơi tại Việt Nam và bổ sung thêm các trường hợp: không có quốc tịch; phải xác minh án tích và điều kiện xóa án tích đương nhiên ở nhiều nơi, nhiều cấp và nhiều cơ quan khác nhau; đã nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp nhưng quá thời hạn không được cấp Phiếu LLTP hoặc có vướng mắc không giải quyết được. 

Về thời hạn cấp Phiếu LLTP, Điều 48 Luật LLTP quy định thời hạn cấp Phiếu LLTP không quá 10 ngày làm việc. Trường hợp công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài, trường hợp phải xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích, thì thời hạn không quá 15 ngày làm việc. Để phù hợp với việc cấp Phiếu LLTP và việc tra cứu thông tin của cơ quan LLTP quốc gia, Dự thảo Luật bổ sung thời hạn cấp Phiếu LLTP của trường hợp không xác định được nơi cư trú là không quá 15 ngày làm việc

Nhận định Dự thảo Luật cơ bản đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và đảm bảo tính khả thi, Thứ trưởng Lê Tiến Châu yêu cầu cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để sớm đưa vào cách thức xây dựng cơ sở dữ liệu, trong đó cần chắt lọc và loại bỏ thông tin không cần thiết. “Muốn vậy, phải tạo được cơ chế phối hợp chặt chẽ, trong đó xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan liên quan trong việc cung cấp thông tin. Đồng thời, cần nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng về vấn đề phân cấp thẩm quyền, phải tính toán tới sự lâu dài, các địa phương cũng cần vào cuộc một cách quyết liệt, không thể bao cấp mãi được”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đọc thêm