10 hộ dân bỗng dưng… mất đất

Hơn 10 hộ gia đình ở xã Tây Phú, huyện Tây Sơn (Bình Định) tá hỏa khi phát hiện diện tích đất trong Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ - sổ đỏ) mới ít hơn so với GCN QSDĐ cũ nên đề nghị cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.

Hơn 10 hộ gia đình ở xã Tây Phú, huyện Tây Sơn (Bình Định) tá hỏa khi phát hiện diện tích đất trong Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ - sổ đỏ) mới ít hơn so với GCN QSDĐ cũ nên đề nghị cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.

Theo thống kê của UBND xã Tây Phú, hiện địa phương có 17 hộ gia đình ở thôn Phú Hiệp và Phú Thịnh rơi vào trường hợp diện tích đất trong GCN QSDĐ mới ít hơn so với diện tích đất trong GCN QSDĐ cũ; tổng diện tích đất bị chênh lệch khoảng 3.800 m2.

Giải thích cho tình trạng này, ông Lê Văn Bình, cán bộ địa chính xã Tây Phú, cho biết: Khoảng năm 1992-1993, ngành điện kéo hệ thống đường dây điện cao áp chạy ngang qua khu vực thôn Phú Hiệp và Phú Thịnh. Lúc đó, nhiều hộ dân có diện tích đất bị ảnh hưởng bởi phạm vi hành lang an toàn lưới điện. Hầu hết diện tích đất có nguồn gốc do tổ tiên, ông bà của các chủ sử dụng để lại và đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận QSDĐ.

Ngoài ra, một số diện tích đất có nguồn gốc do người dân mua đấu giá trước thời điểm năm 1993 để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà ở. Khi người dân chưa kịp xây dựng nhà thì ngành điện kéo hệ thống đường dây điện cao áp đi qua. Năm 2009, quá trình đo đạc để thực hiện cấp đổi GCN QSDĐ, các đơn vị chức năng loại bỏ diện tích đất nằm trong phạm vi hành lang an toàn lưới điện ra ngoài khỏi số liệu thống kê.

Trong khi đó, thời điểm triển khai lưới điện cao áp tại xã Tây Phú, ngành điện chỉ bồi thường đối với những hộ gia đình có xây dựng vật kiến trúc và trồng cây trên diện tích đất bị ảnh hưởng. Những trường hợp có đất bị ảnh hưởng nhưng người dân không xây dựng hay canh tác trên đó thì không được nhận bất cứ khoản đền bù nào.

Điển hình cho trường hợp này là hộ gia đình ông Trần Kim Anh ở thôn Phú Thịnh. Cụ thể, trước năm 1993, gia đình ông mua đấu giá 4 lô đất (180 m2/lô) tại thôn Phú Thịnh để xây dựng nhà ở. Khi ngành điện triển khai lưới điện cao áp, 3 trong 4 lô đất của gia đình ông nằm trong phạm vi hành lang an toàn lưới điện. Do đó, gia đình ông Anh chỉ được phép xây dựng nhà trên 1 lô, 3 lô còn lại đành bỏ trống hơn 20 năm qua.

Do 3 lô đất nằm trong phạm vi hành lang an toàn lưới điện nên gia đình ông Anh không thể xây dựng nhà ở

Anh Chương, trú thôn Phú Thịnh - một trường hợp có đất bị ảnh hưởng bởi đường dây điện cao áp, bức xúc cho biết: “Ngành điện xây dựng hệ thống lưới điện cao áp khiến diện tích đất của người dân chúng tôi bị ảnh hưởng, không thể trồng trọt, xây dựng nhà ở.

Trước kia, ngành điện chỉ chấp nhận bồi thường cho các trường hợp có vật kiến trúc hay cây trồng trên đất, còn những trường hợp để đất trống thì chẳng được gì. Gần đây, khi đổi sổ đỏ, đơn vị chức năng lại tự động loại bỏ phần diện tích đất nằm trong phạm vi hành lang an toàn lưới điện. Như vậy, người dân chúng tôi bị mất đất mà chẳng nhận được bất kỳ quyền lợi gì; điều này quá bất công đối với chúng tôi”.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Tây Phú - cho biết: “Chúng tôi đã và đang thống kê, tổng hợp các trường hợp có diện tích đất nhưng không thể xây dựng nhà do ảnh hưởng đường dây điện cao áp và các trường hợp có diện tích đất trong GCN QSDĐ mới ít hơn so với diện tích đất trong GCN QSDĐ cũ để báo cáo cho huyện UBND Tây Sơn, cũng như các ngành chức năng liên quan xem xét, giải quyết theo đúng các quy định pháp luật hiện hành”.

Trong khi đó, vào ngày 25/7 vừa qua, trong phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI, ông Huỳnh Ngọc Việt - Giám đốc Công ty Điện lực Bình Định cho biết sắp tới sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra lại những phản ảnh, bức xúc của người dân tại xã Tây Phú.

Hy vọng, UBND huyện Tây Sơn và các ngành chức năng liên quan sớm kiểm tra, xử lý dứt điểm vụ việc nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân.

C.Minh

Đọc thêm