Bản chính kết hôn không phù hợp với giấy tờ khác, xử lý thế nào?

(PLO) - Nghị định 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đăng ký và quản lý hộ tịch (hết hiệu lực 01/01/2016) có quy định về  điều chỉnh hộ tịch được áp dụng trong trường hợp điều chỉnh nội dung trong các giấy tờ, sổ hộ tịch mà không phải là Sổ đăng ký khai sinh và bản chính giấy khai sinh...
Bản chính kết hôn không phù hợp với giấy tờ khác, xử lý thế nào?

...Quy định này đã giúp công dân điều chỉnh các giấy tờ như bản chính giấy chứng nhận kết hôn khi nội dung trong giấy chứng nhận kết hôn không phù hợp với các giấy tờ như chứng minh nhân dân, hộ khẩu có sự thay đổi theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, đến Luật Hộ tịch thì quy định về điều chỉnh hộ tịch đã không còn mà chỉ còn thay đổi, cải chính hộ tịch.

Tại khoản 10 Điều 4 Luật Hộ tịch thì: Thay đổi hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thay đổi những thông tin hộ tịch của cá nhân khi có lý do chính đáng theo quy định của pháp luật dân sự hoặc thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký theo quy định của pháp luật. Và tại Điều 26 Luật Hộ tịch thì phạm vi thay đổi hộ tịch gồm: Thay đổi họ, chữ đệm và tên của cá nhân trong nội dung khai sinh đã đăng ký khi có căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự. Thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký sau khi được nhận làm con nuôi theo quy định của Luật Nuôi con nuôi. Như vậy, việc thay đổi hộ tịch chỉ áp dụng đối với Sổ khai sinh và bản chính giấy khai sinh.

Theo tinh thần của Luật Hộ tịch và Nghị định hướng dẫn thi hành thì cải chính hộ tịch chỉ thực hiện khi có sai sót và cải chính được áp dụng cho tất cả các giấy tờ hộ tịch (khai sinh, khai tử, kết hôn…, rộng hơn so với Nghị định 158 chỉ quy định sổ khai sinh và bản chính giấy khai sinh).

Căn cứ vào các quy định nêu trên của Luật Hộ tịch thì khi cá nhân có các giấy tờ hộ tịch bị sai sót thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cải chính; trường hợp nội dung khai sinh có sự thay đổi theo các giấy tờ mới thì có quyền yêu cầu thay đổi hộ tịch. Còn đối với trường hợp các giấy tờ khác không phải là giấy khai sinh khi thực hiện đăng ký không có sai sót nhưng các giấy tờ như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu có sự thay đổi dẫn đến nội dung giấy tờ hộ tịch (không phải giấy khai sinh) không còn phù hợp thì Luật chưa quy định.

Ví dụ: Ông Nguyễn A kết hôn với bà Nguyễn Thị B vào năm 2016. Lúc đó giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của ông A là Nguyễn A nhưng đầu năm 2017 ông A điều chỉnh chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu thành Nguyễn Văn A. Đối chiếu với giấy chứng nhận kết hôn thì không phù hợp, ông A tới cơ quan có thẩm quyền đề nghị sửa lại giấy chứng nhận kết hôn từ Nguyễn A thành Nguyễn Văn A. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ không biết xử lý thế nào cho phù hợp?

Có ý kiến cho rằng không thể thực hiện theo yêu cầu của công dân do khi đăng ký kết hôn, nội dung giấy chứng nhận kết hôn ghi đúng theo các giấy tờ anh A xuất trình nên giấy chứng nhận kết hôn không có sai sót, không thuộc trường hợp cải chính. Và do nội dung công dân yêu cầu là sửa giấy chứng nhận kết hôn chứ không phải giấy khai sinh nên cũng không thuộc trường hợp thay đổi hộ tịch. Bổ sung hộ tịch cũng không được do mục họ tên đã đầy đủ, không thiếu nên không thể bổ sung theo khoản 2 Điều 29 Luật Hộ tịch (Trường hợp bổ sung hộ tịch vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung bổ sung vào mục tương ứng và đóng dấu vào nội dung bổ sung). Tuy nhiên, cũng có địa phương linh hoạt thực hiện cải chính hộ tịch cho công dân.

Để có cơ sở pháp lý giải quyết yêu cầu của cá nhân khi các giấy tờ hộ tịch (không phải là giấy khai sinh) lúc đăng ký ban đầu đúng nhưng do công dân có sự thay đổi các giấy tờ khác dẫn đến các giấy tờ hộ tịch ban đầu không trùng khớp với các giấy tờ cấp sau, gây khó khăn cho quá trình thực hiện các giao dịch, đề nghị cơ quan có thẩm quyền bổ sung quy định điều chỉnh hộ tịch hoặc bổ sung thay đổi hộ tịch gồm cả thay đổi các giấy tờ hộ tịch khác chứ không nhất thiết chỉ là giấy khai sinh.