10 hoang tin về virus Corona khiến nhiều người sợ hãi

(PLVN) -
 

Mạng xã hội là nơi kết nối người dùng và truyền tin một cách nhanh nhất, nhưng cũng chính mạng xã hội là nơi tin giả, hoang tin tràn ngập, nhất là khi có những sự kiện nóng như dịch bệnh Covid-19 gây ra bởi virus Corona.

Dưới đây là 10 hoang tin tràn ngập trên mạng trong thời gian qua mà mọi người cần cảnh giác

10 hoang tin trên mạng về virus Corona khiến nhiều người sợ hãi - ảnh 1

Trên phương tiện truyền thông xã hội, một số người nêu ra giả thuyết rằng dịch bệnh Covid-19 có nguyên nhân hoặc có liên quan đến việc triển khai 5G tại Vũ Hán. Họ cho rằng sóng 5G có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch và làm cho cảm cúm thông thường trở nên độc hại hơn. Thậm chí một số người còn tung tin rằng chính sóng 5G hấp thụ ôxy trong phổi khiến người bệnh khó thở, giống hệt triệu chứng của những người mắc Covid-19 hiện nay.

Hoang tin này đã được tổ chức Full Fact – một đối tác kiểm chứng thông tin của Facebook gắn cờ báo sai phạm. Thực tế thì không có bằng chứng nào cho thấy 5G có tác động đến hệ thống miễn dịch hay liên quan đến virus Corona.

10 hoang tin trên mạng về virus Corona khiến nhiều người sợ hãi - ảnh 2

Trên phương tiện truyền thông xã hội, một số người đã đưa ra thông tin rằng Trung Quốc đã xin phép tòa án tối cao của nước này để giết những người bị nhiễm Covid-19. Tất nhiên, rõ ràng đây là một tin đồn thất thiệt và công cụ kiểm tra thực tế Snope đã xác định thông tin này là sai.

Một số tài khoản mạng xã hội khác lại nói rằng việc đốt xác người quá nhiều tạo ra lượng sulfur dioxide (SO2) trên bầu trời Vũ Hán vượt gấp nhiều lần mức cho phép, và chúng được biểu thị qua hình ảnh vệ tinh. Thực tế thì không có bằng chứng nào cho thấy điều này là đúng. Nhà khí tượng học Arlindo da Silva làm việc tại NASA nói rằng sử dụng dữ liệu vệ tinh trong trường hợp này là không chính xác.

10 hoang tin trên mạng về virus Corona khiến nhiều người sợ hãi - ảnh 3

Một giả thuyết nổi bật trong những ngày vừa qua là dơi là vật trung gian truyền virus Corona. Tờ BuzzFeed từng đưa tin về một video tiếng Hindi có 13 triệu lượt xem với nội dung nói rằng món ăn từ dơi đã gây ra dịch Covid-19.

Một giả thuyết khác cũng lan truyền là người Trung Quốc thích ăn súp dơi và chợ hải sản Vũ Hán là nơi bán thịt dơi – cũng là khởi nguồn cho virus Corona phát tán. Tuy nhiên, theo ông Jonathan Epstein – một bác sĩ thú y đồng thời là một chuyên gia dịch tễ học tại EcoHealth Alliance thì chưa có đủ căn cứ để xác định loài dơi là vật lây truyền virus Corona, cũng như chợ hải sản Vũ Hán là nơi phát tán nguồn bệnh.

Những giả thuyết nói trên đã làm dấy lên sự phân biệt chủng tộc đối với người Trung Quốc và người gốc Á trên toàn thế giới.

10 hoang tin trên mạng về virus Corona khiến nhiều người sợ hãi - ảnh 4

Vào tháng 10 năm 2019, Trung tâm An ninh Y tế thuộc Đại học Johns Hopkins đã thực hiện mô phỏng trên máy tính nhằm tính toán mức thiệt hại trên toàn cầu đối với một dịch bệnh tiềm tàng. Nhiều người đã lấy kết quả nghiên cứu này để tung hoang tin rằng Covid-19 có thể giết chết 65 triệu người trên toàn cầu. Một số tweet, thậm chí có 1 video được 140.000 lượt thích trên YouTube. Thực tế thì nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins không liên quan gì đến virus Corona, mặc dù kịch bản nghiên cứu có vẻ tương tự nhau. Chính đại diện của Trung tâm An ninh Y tế đã lên tiếng rằng kết quả mà họ đưa ra không phải là dự đoán về dịch Covid-19.

10 hoang tin trên mạng về virus Corona khiến nhiều người sợ hãi - ảnh 5

Cho đến hiện tại người ta vẫn không rõ virus Corona bắt nguồn từ đâu. Tuy nhiên trên mạng xã hội Facebook người ta nói rằng sự bùng phát của virus có thể bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm sinh học cấp 4 đặt tại Vũ Hán. Bài đăng trên Facebook này được chia sẻ hơn 4.000 lần và người ta chỉ đích danh Viện virus học Vũ Hán là nơi dịch bệnh phát tán.

Giả thuyết này dường như dựa vào ý kiến của một cựu sĩ quan quân đội Israel đăng trên tờ Washington Times. Hồi tháng 1, Jim Banks – nghị sĩ đảng Cộng hòa thuộc bang Indiana cũng đã có một tweet đến bài báo của Washington Times. Tweet của ông đã được chia sẻ 1.000 lần. Trong tháng 3 này, thượng nghị sĩ Tom Cotton cũng nói những điều tương tự.

10 hoang tin trên mạng về virus Corona khiến nhiều người sợ hãi - ảnh 6

Nhiều chuyên gia nói rằng không có bằng chứng nào cho thấy có phòng thí nghiệm vũ khí sinh học. Đại diện Viện virus học Vũ Hán cũng tuyên bố rằng những thông tin sai lệch “đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nhà nghiên cứu của chúng tôi, những người đã tận tâm làm việc trên tuyến đầu, và làm gián đoạn các nghiên cứu khẩn cấp mà chúng tôi đang thực hiện trong thời kỳ dịch bệnh”.

10 hoang tin trên mạng về virus Corona khiến nhiều người sợ hãi - ảnh 7

Lại tiếp tục là một hoang tin từ mạng xã hội. Một số bài đăng trên Facebook nói rằng virus Corona được tìm thấy ở Vũ Hán đã được nhập lậu từ một phòng thí nghiệm ở Canada, nó là một phần của chương trình vũ khí sinh học bí mật của Trung Quốc. Đây là một giả thuyết có liên quan đến phòng thí nghiệm virus ở Vũ Hán. Nghị sĩ đảng Cộng hòa Solomon Yue cũng có một tweet nói rằng virus đã bị gián điệp Trung Quốc đánh cắp từ Canada và gửi về Vũ Hán để nghiên cứu vũ khí sinh học để tiêu diệt quân đội nước ngoài.

Theo Politifact, mặc dù một nhà nghiên cứu người Trung Quốc làm việc tại Canada đang bị điều tra vì nghi ngờ xâm nhập trái phép sau khi cô này được mời đến phòng thí nghiệm Vũ Hán hai lần mỗi năm trong hai năm, nhưng chưa có bằng chứng khẳng định cô này đã đánh cắp virus và mang về Vũ Hán để tạo ra vũ khí sinh học.

10 hoang tin trên mạng về virus Corona khiến nhiều người sợ hãi - ảnh 8

Một tin tức không đúng sự thực khác là người ta đã chế ra vắc xin điều trị Covid-19, thậm chí loại vắc xin này đã được cấp bằng sáng chế trước đó. Trong khi các nhà nghiên cứu ở một số quốc gia đang ngày đêm thử nghiệm để tìm ra một loại vắc xin có thể tiêu diệt virus Corona, thì theo FactCheck.org và Politifact, hiện vẫn chưa có loại vắc xin nào trị được bệnh dịch do virus Corona chủng mới gây ra. Nhưng điều này không ngăn được mọi người lên mạng tung hoang tin.

Một bài đăng trên Facebook gần đây nói rằng virus Corona được hãng dược phẩm tung ra để bán vắc xin. Thậm chí người ta còn đưa một ảnh chụp màn hình về bằng sáng chế được cấp cho loại vắc xin mới. Tính năng kiểm tra thực tế của Facebook đã xác minh đây là thông tin sai lệch. Nếu người dùng cố tình chia sẻ bài viết đó, Facebook sẽ đưa ra cảnh báo rằng hành vi của họ là lan truyền thông tin giả mạo.

Trên Twitter có một tweet với 2000 lượt thích nói rằng Viện Pirbright đã sản xuất thành công vắc xin trị virus Corona. Đây là một viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm của Anh tập trung vào động vật nuôi trong trang trại. Viện Pirbright sau đó đã tuyên bố rằng các nhà khoa học của họ không nghiên cứu vắc xin cho người, và bằng sáng chế của họ không liên quan đến virus Corona.

10 hoang tin trên mạng về virus Corona khiến nhiều người sợ hãi - ảnh 9

Tính đến ngày 4 tháng 3 đã có gần 95.000 trường hợp nhiễm Covid-19, nhưng hồi tháng 1 con số đó chưa đến 10.000 người. Vậy mà trên mạng xã hội người ta đã thổi phồng số người nhiễm virus lên con số 100.000.

Đó chính là một lời nhắc nhở cho bạn rằng, khi muốn tìm kiếm thông tin về quy mô lây lan của virus, hãy truy cập vào những nguồn tin chính thức, có uy tín như trang web của Tổ chức Y tế Thế giới hay trung tâm SSE của Đại học Johns Hopkins.

Đúng là vào ngày 26 tháng 1 một chuyên gia y tế công cộng đã nói với tờ Guardian rằng chắc chắn có hàng chục nghìn người bị nhiễm bệnh. Ông nói thêm: “hiện tại, dự đoán của tôi có lẽ là 100.000 trường hợp”. Nhưng con số đáng sợ đó có thể gây hiểu lầm bởi vì đó chỉ là phỏng đoán và chưa được xác nhận.

10 hoang tin trên mạng về virus Corona khiến nhiều người sợ hãi - ảnh 10

Trên YouTube ngày 25 tháng 1 cũng đăng tải một video có nội dung một người tự xưng là y tá ở Vũ Hán. Cô này nói rằng có tới 90.000 bị nhiễm Covid-19 vào thời điểm đó. Tương tự, vào cuối tháng 1 trên Twitter có một tài khoản ngụy trang dưới dạng một tờ báo chia sẻ một clip nói rằng có 100.000 người đã nhiễm bệnh.

Người ta nghi ngờ chính phủ Trung Quốc không minh bạch trong việc cung cấp thông tin về số lượng người nhiễm bệnh. Nhưng ít nhất 8 người đã bị chính phủ Trung Quốc bắt giữ vì tội đưa tin sai sự thật.

Nói chung, con số chính xác những người bị nhiễm virus Corona vẫn chưa được xác định.

10 hoang tin trên mạng về virus Corona khiến nhiều người sợ hãi - ảnh 11

Trên Tik Tok, một số thanh thiếu niên đã giả vờ bị nhiễm virus. Một sinh viên ở Vancouver đã đăng tải một video giả mạo rằng bạn anh ta là trường hợp đầu tiên ở Canada được xác định nhiễm Covid-19. Đoạn video cho thấy một thiếu niên nôn mửa trong thùng rác của trường và đeo khẩu trang quanh khuôn viên trường. Trong một cuộc phỏng vấn với Daily Beast, người phát ngôn của Bộ Y tế bang British Columbia (Canada) đã xác nhận rằng video này là giả mạo. Vào thời điểm đó, trường hợp xác nhận duy nhất về coronavirus ở British Columbia là một người đàn ông 40 tuổi.

TikTok dường như đã xóa video đó sau khi nó đạt được hơn 4,1 triệu lượt xem, nhưng một video tương tự, được đăng bởi cùng một người dùng, có nội dung một bạn cùng lớp đã nhiễm virus vẫn tồn tại đến ngày 20 tháng 2. Sáng hôm đó, Tik Tok cho biết họ đã bổ sung một tính năng hướng người dùng đến các nguồn thông tin đáng tin cậy như WHO.

10 hoang tin trên mạng về virus Corona khiến nhiều người sợ hãi - ảnh 12

Điều đáng chú ý là các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đã lan truyền thông tin sai lệch. Như BuzzFeed News lần đầu tiên chỉ ra, hai cơ quan truyền thông nhà nước - Global Times (Thời báo Hoàn cầu) và People Daily (Nhân Dân nhật báo) - đã lưu hành một hình ảnh của một tòa nhà mới được xây dựng và tuyên bố đó là một bệnh viện ở Vũ Hán được xây dựng chỉ trong 16 giờ. Trên thực tế, đây là hình ảnh của một chung cư xây dựng cách đó hơn 600 dặm.