'Từ khi nhận bệnh nhân 91, chúng tôi không còn định nghĩa thời gian'

(PLVN) -
 

Từng trải qua nhiều trận dịch nguy hiểm, nhưng lần này, bác sĩ Phong không khỏi lo lắng. Bởi chúng ta đang đối mặt với “kẻ thù” quá mới, quá nguy hiểm.

Từ những ngày giáp Tết Nguyên đán đến nay, BSCKII Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, hầu như không ngủ trước 0h bởi những cuộc họp, hội chẩn liên tiếp.

Trước khi TP.HCM xuất hiện ca bệnh, ông hồi hộp theo dõi từng diễn biến của dịch trên thế giới. Linh cảm của một bác sĩ truyền nhiễm khiến ông xác định virus này chắc chắn sẽ xâm nhập vào Việt Nam.

Tuy nhiên, cầm trên tay kết quả xét nghiệm dương tính của bệnh nhân đầu tiên, bác sĩ Phong như rơi vào khoảng trống. Trải qua nhiều trận dịch nguy hiểm, nhưng lần này, ông không khỏi lo lắng khi “kẻ thù” còn quá mới.

Zing có cuộc trao đổi với bác sĩ Phong trong những ngày khoa Nhiễm D cùng toàn thể y bác sĩ đang căng mình điều trị cho bệnh nhân số 91 - ca bệnh có diễn tiến nặng và đáng lo ngại nhất hiện nay.

- Thời điểm trước khi tiếp nhận ca đầu tiên mắc Covid-19, ông và các nhân viên khoa Nhiễm D đã chuẩn bị gì?

- Thời điểm dịch SARS-CoV-2 bắt đầu bùng phát ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, qua nhiều thông tin cập nhật và đánh giá được mức độ phức tạp và lây lan của bệnh dịch lần này là rất lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM chúng tôi đã bắt đầu có những bước chuẩn bị rất sớm. Chúng tôi luôn nhắc nhở nhau không chủ quan ngay từ những ngày đầu dịch chưa bùng phát tại Việt Nam.

Khoa Nhiễm D cũng được chỉ định là nơi tiếp nhận và điều trị chính cho những bệnh nhân nhiễm và cách ly người nghi nhiễm tại TP.HCM.

Sắp ra chiến trường với một “kẻ thù” chưa biết mặt, chúng tôi phải đảm bảo tự trang bị kiến thức lẫn tinh thần. Bắt đầu từ những buổi tập huấn cập nhật tình hình dịch bệnh đến việc học hỏi kinh nghiệm điều trị sơ khởi ban đầu từ các nước xung quanh đã áp dụng.

Ngay sau đó, tại khoa, tôi tiến hành xây dựng quy trình tiếp nhận người nghi nhiễm, các phòng được sắp xếp theo hướng cách ly một chiều. Tất cả bệnh nhân tại khoa đang điều trị được chuyển sang các khoa khác. Phòng cách ly áp lực âm được vận hành để trên tinh thần luôn sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân nhiễm bệnh.

- Đã bao lâu ông chưa về nhà?

Là người trực tiếp chăm sóc và điều trị bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2, tôi và các đồng nghiệp đã tự giác cách ly mình, hạn chế việc tiếp xúc với người xung quanh. Ngay cả những người thân trong gia đình.

Tôi nhớ từ khi bắt đầu nhận bệnh nhân số 91 đến giờ thì không còn định nghĩa thời gian nữa vì công việc cứ tấp nập, liên tục... Hơn nửa tháng qua, tôi không trở về nhà, tất cả mối liên hệ từ người thân đến bạn bè đều thực hiện thông qua điện thoại.

Được lãnh đạo Sở Y tế và bệnh viện quan tâm, tôi và các anh chị em trong khoa được bố trí một khách sạn đạt tiêu chuẩn có khoảng 52 phòng để nghỉ ngơi sau giờ làm việc và cũng là để tự cách ly với với gia đình, người thân và mọi người xung quanh.

Tình hình phi công người Anh hiện tại như thế nào? Ông có chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất xảy ra với bệnh nhân này?

Bệnh nhân 91 là phi công người Anh, 43 tuổi, có diễn tiến nặng, suy đa tạng đã được thở máy, lọc máu liên tục, chạy ECMO với sự hỗ trợ can thiệp từ kíp bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy.

Chúng tôi có một group chat gồm tất cả chuyên gia hàng đầu về hồi sức, truyền nhiễm, cấp cứu, hô hấp, huyết học… cập nhật liên tục tình hình bệnh nhân 24/24. Bất cứ diễn tiến nào của bệnh nhân cũng được cập nhật lên và được chúng tôi xử lý kịp thời.

Hiện tại, bệnh nhân điều trị tại phòng cách ly áp lực âm của khoa Nhiễm D. Bệnh viện đã bố trí đội ngũ bác sĩ chuyên khoa hồi sức gồm 4 người, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng điều động 2 bác sĩ, thay phiên nhau trực 24/24 tại khoa để theo dõi sát từng diễn tiến của bệnh nhân.

Ngoài ra, chúng tôi còn bố trí đội ngũ điều dưỡng trên 15 người tham gia để điều trị cho bệnh nhân này. Tất cả đều được bố trí thời gian hợp lý để lúc nào cũng có 1-2 bác sĩ và 2-3 điều dưỡng túc trực trong phòng áp lực âm để chăm sóc cho bệnh nhân.

Nam phi công không có bệnh lý nền, song quá trình bệnh nhân mắc bệnh chuyển biến nặng có thể phụ thuộc vào yếu tố như độc lực của virus, phản ứng của cơ thể và hệ thống miễn dịch. Ngoài ra, hiện tượng virus tồn tại kéo dài có thể góp phần khiến tình trạng bệnh nhân tăng nặng thêm. Nguyên nhân là khi còn sự hiện diện của virus thì còn tạo ra phản ứng viêm, phản ứng miễn dịch trong cơ thể người bệnh.

Đội ngũ y bác sĩ chúng tôi vẫn đang cố gắng nỗ lực hết sức, huy động toàn lực gồm tất cả trang thiết bị hiện đại nhất và thuốc tốt nhất cùng sự phối hợp hội đồng chuyên môn từ các chuyên gia đầu ngành để điều trị bệnh nhân, mong giành lại sự sống cho ông ấy.

Kỷ niệm nào khiến ông nhớ nhất trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân Covid-19?

Trường hợp đầu tiên tôi tiếp nhận điều trị là Việt kiều Mỹ Tạ Kiến Hòa, bệnh nhân số 7. Quá trình điều trị và chăm sóc ông ấy là kỷ niệm khiến tập thể khoa chúng tôi nhớ nhiều nhất.

Trở về quê hương thăm chị gái cũng đã lớn tuổi, ông ấy bất ngờ mắc bệnh chỉ sau 2 giờ quá cảnh. Chăm sóc một người lớn tuổi, lại gần như đơn độc là điều không dễ dàng.

Ngoài giờ thăm khám, chúng tôi dành thời gian trò chuyện, lắng nghe ông tâm sự và mua cho ông những món ông thèm. Anh chị em trong khoa xem ông ấy như một người thân trong gia đình.

Nhờ tâm lý tốt, bệnh tình của ông Hòa tiến triển ngày càng khả quan và nhanh chóng khỏi bệnh. Trước khi ông ấy xuất viện thì phát hiện không có thắt lưng, tôi đã lấy thắt lưng của mình và đeo cho ông ấy như một món quà kỷ niệm chúc mừng ông.

'Tu khi nhan benh nhan 91, chung toi khong con dinh nghia thoi gian' hinh anh 1 Quote_2_1_1.jpg

- Điều gì khiến ông hạnh phúc nhất sau mỗi ca bệnh?

Mới đây, chúng tôi vừa điều trị khỏi cho bệnh nhân số 150. Bệnh nhân này xét nghiệm lần đầu âm tính, nhưng lại dương tính trong lần xét nghiệm tiếp theo. Một phần có lẽ vì điều này khiến ông ấy có tâm lý không tốt.

Ngày xuất viện, ông ấy cảm động nói lời cảm ơn các bác sĩ và nắm chặt tay tôi. Ông ấy nói rằng cảm thấy may mắn khi trở về Việt Nam và hứa sau ít ngày nữa sẽ quay trở lại cảm ơn khoa.

Tôi nói nếu thăm chúng tôi thì đợi sau 14 ngày nữa rồi vào bệnh viện. Ông cười, bảo là phải làm luôn cho nóng. Ông ấy rất xúc động, mắt đọng nước như sắp khóc. Với tôi, chỉ cần bệnh nhân khỏi bệnh, vui mừng trở về nhà, một cái nắm tay cảm ơn thôi là đủ khiến tôi hạnh phúc.

Đa số bệnh nhân mắc Covid-19 có tâm lý rất hoang mang, thậm chí nhiều trường hợp bất hợp tác. Ông và các nhân viên làm thế nào để điều trị cho họ?

Khi bệnh nhân vào viện và nhận kết quả dương tính, tâm lý hầu hết là hoang mang và lo sợ nên không an tâm để điều trị. Điều này cũng dễ hiểu vì con virus này quá mới, lại nguy hiểm và không ai biết chúng là ai cả.

Do đó, ngoài giờ thăm khám, các nhân viên y tế tại khoa nhiều lần dành giờ rảnh của mình để tâm sự, giải tỏa sự lo lắng của bệnh nhân.

Tôi cũng từng gặp những trường hợp như thế. Khi đó, chúng tôi giải thích rõ hơn về tình hình bệnh hiện tại để họ an tâm và hợp tác với mình hơn.

- Chắc hẳn, mỗi ca bệnh nặng là một bài học quý giá cho các bác sĩ?

- Đối với tôi, trong mọi tình huống, chúng ta không được lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống dịch bởi diễn tiến dịch lần này rất phức tạp và khó lường. Trong điều trị, chúng tôi vẫn đang áp dụng theo phác đồ của Bộ Y tế ban hành.

Tôi luôn luôn nhắc nhở nhân viên phải tuân thủ nghiêm ngặt phòng hộ cá nhân, thực hiện đúng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, sẵn sàng đối phó mọi tình huống có thể xảy ra.

Ngoài ra chúng tôi luôn trấn an, động viên, giải thích rõ ràng, chu đáo cho bệnh nhân để tâm lý họ tốt hơn. Qua đó, bệnh nhân hợp tác với chúng tôi để điều trị có kết quả tốt nhất. Việc giải tỏa tâm lý, giúp bệnh nhân có tinh thần tốt hơn, lạc quan hơn chính là phương pháp hữu hiệu giúp việc điều trị có hiệu quả.

-Hiện tại, ông đánh giá như thế nào về phương pháp phòng chống dịch của chúng ta?

Dưới góc độ là một bác sĩ điều trị, tôi đánh giá cao những nỗ lực và những biện pháp cứng rắn như khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc” mà nhà nước, ngành y tế cũng như mọi người dân Việt Nam đã thực hiện trong thời gian qua.

Chúng tôi đã có số ca nhiễm thấp hơn nhiều so với các nước khác, và đặc biệt đến thời điểm hiện tại chúng ta chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong tại Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện tại, dịch bệnh còn tiềm ẩn những yếu tố khó lường, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng vẫn còn hiện hữu, nhất là những người chưa có biểu hiện, triệu chứng. Theo tôi, muốn kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, việc giãn cách xã hội là quan trọng và phù hợp với thực tế. Quan trọng hơn vẫn là ý thức của mỗi người dân.

Trong thời gian sắp tới, tình hình có thể còn diễn biến phức tạp, không lường trước được. Tuy nhiên, tôi tin tưởng nếu đoàn kết, mọi người cùng tuân thủ quy định phòng dịch và giãn cách xã hội, dịch bệnh có thể được đẩy lùi.