Lặng lẽ đêm cuối năm...

Một buổi tối của những ngày giáp Tết, dòng người qua lại trên các con đường của Thủ đô dường như cũng vội vã và hối hả hơn. Người thì mong nhanh trở về nhà để quây quần, sum họp bên gia đình. Người thì vội đi sắm sửa cho ngày Tết,… riêng với người lao công thì buổi tối nay vẫn vậy. Họ vẫn lặng lẽ đi làm công việc quen thuộc của mình như bao buổi tối thường nhật khác.

Cô Lê Thị Mão ( 44 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã có 8 năm gắn bó với danh xưng “cô lao công”. Một ngày làm việc của cô bắt đầu vào 4 giờ chiều và kết thúc vào 1 giờ sáng. Trong những ngày giáp Tết như thế này thì cô thường phải tăng ca vì lượng rác thải tăng lên nhiều lần so với ngày thường.

 

10 giờ đêm của một ngày giáp Tết, đường phố vẫn rất tấp nập. Nhiều người dập dìu đi chơi với gia đình, bạn bè vào dịp cuối năm. Nhiều người khác thì đang trên đường trở về nhà để nghỉ ngơi. Còn với cô Mão và các đồng nghiệp của cô thì ban đêm mới chính là thời điểm công việc của họ vất vả nhất.

 

Với bộ “đồ nghề” quen thuộc gồm xe rác, mo hót cùng chiếc chổi tre, cô Mão đi dọc tuyến đường Xuân Thủy (Cầu Giấy) và cần mẫn, lặng lẽ quét sạch rác thải trên con đường. 

 

Trong những ngõ ngách tối tăm và hôi hám nhất mà mọi người chỉ muốn tránh xa thì người lao công như cô vẫn phải tìm vào. 

 

Tâm sự về chặng đường 8 năm gắn bó với nghề quét rác, cô Mão cười xòa: “Thú thực thì chẳng có ai mơ ước làm lao công đâu. Vì tôi “ngắn” chữ nên mới chọn nghề này. Nhưng mà chọn nghề rồi thì phải biết yêu nghề. Không yêu nghề thì không làm được đâu”.

 

Trong không khí nhộn nhịp của ngày giáp Tết, cô lao công dường như lặng lẽ hơn và tách biệt ra khỏi nhịp hối hả ấy. Đã nhiều năm rồi cô không được đón một cái Tết trọn vẹn bên gia đình. Việc đón giao thừa khi đang đứng trên đường phố và trên tay vẫn là cây chổi, trên người vẫn là bộ đồ lao công đối với cô đã trở nên quen thuộc.

 

Dù rất khao khát một ngày Tết thảnh thơi như bao người nhưng cô Mão cũng không lấy làm buồn phiền nhiều. Càng trong ngày lễ thì Thủ đô càng cần phải sạch đẹp. Vì thế việc làm của các cô lại càng thêm ý nghĩa.

 

Những cuộc mua bán của ngày cuối năm khiến khu chợ Sinh viên hôm nay nhiều rác hơn ngày thường. Vì thế nên cô Mão vẫn chưa thể kết thúc ngày làm việc của mình dù giờ này mọi hôm là cô đã trở về khu tập kết rác. 

 

Gần 1 giờ đêm, trong cái rét “cắt da cắt thịt” của mùa đông Hà Nội, khi trên đường phố đã chẳng còn bóng người, cô lao công vẫn cần mẫn làm công việc của mình.

“Tôi đứng trông/ Trên đường lặng ngắt/ Chị lao công/ Như sắt/ Như đồng/ Chị lao công/ Đêm đông/ Quét rác...”(Tiếng chổi tre - Tố Hữu)
“Tôi đứng trông/ Trên đường lặng ngắt/ Chị lao công/ Như sắt/ Như đồng/ Chị lao công/ Đêm đông/ Quét rác...”(Tiếng chổi tre - Tố Hữu)

Khi âm thanh xào xạc của chiếc chổi tre không còn vang lên trong đêm khuya tĩnh mịch cũng là lúc cô lao công kết thúc một ngày làm việc. Cả thành phố đã ngủ say và chẳng ai hay trên đường phốvẫn còn cô lao công đang khom lưng đẩy chiếc xe rác cao quá đầu người đi lầm lũi trong đêm...