Khát vọng làm giàu từ nến của ông bố đơn thân

“Bố mẹ tôi càng ngăn cản tôi càng làm, bởi tôi muốn chứng minh cho mọi người và 2 con của tôi thấy, tôi làm được để 3 bố con không phải ăn cơm với rau dại, trứng rán qua ngày”. Đến hôm nay, mục tiêu ấy anh không chỉ vượt qua mà còn vượt xa ngoài mong đợi, anh là Dương Hoàng Thông, ông bố đơn thân đổi đời từ nến với 2 bàn tay trắng.  

Gặp anh Thông trong tiết trời se lạnh của một sáng cuối năm, tất bật với công việc sản xuất nến phục vụ cho nhu cầu dịp tết của khách hàng, nhưng anh Thông vẫn dành khoảng thời gian vàng ngọc của mình để trò chuyện với tôi, nhớ lại hành trình làm giàu từ nến khó quên của mình.

Nếu coi hành trình khởi nghiệp từ nến của anh Dương Hoàng Thông như một thước phim, hẳn đó sẽ là một thước phim trọn vẹn với nhiều cung bậc cảm xúc, từ hạnh phúc lâng lâng khi khởi nghiệp thành công ở tuổi 19, đến bàng hoàng hay tin sản xuất đèn nến bị ăn cắp bản quyền, có cả sự nhụt chí vì mất niềm tin ở khách hàng xen lẫn day dứt vì luôn cảm thấy có lỗi với con trong ngày ra tòa ly hôn vợ.

Dù diễn biến thước phim ấy lúc lên bổng, khi lại xuống trầm, nhưng cái kết lại quá đỗi ngọt ngào cho người có ý chí, hiện nay xưởng nến của anh Thông đã có chỗ đứng trên thị trường, cung cấp nhiều sản phẩm nến tâm linh đặc sắc, đặc biệt là đôi chú lợn Đông Hồ chào đón tết Kỷ Hợi.

Anh Dương Hoàng Thông, 38 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội
Anh Dương Hoàng Thông, 38 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội
 

Tiếp xúc với sáp nến mẹ thường dùng để nhóm lò từ những ngày bé xíu, sáp nến đã trở thành món đồ chơi do anh tự sáng tạo mỗi dịp trung thu về. Niềm đam mê với nến từ nhỏ anh mang theo ngay khi đã đỗ vào khoa Thiết kế thời trang, Viện Đại học Mở Hà Nội.
19 tuổi, anh Thông đã trở thành một “lái buôn”. Sau giờ học, anh bắt đầu với những chuyến hàng quà tặng được làm bằng gốm sứ cất buôn từ Bát Tràng đem ra cung cấp cho các quán bán quà lưu niệm ở Hà Nội. Thời điểm đó là năm 2000, anh Thông đi buôn bằng xe đạp.

Năm 21 tuổi anh có ý định sản xuất nến, anh đạp xe ra các lò gạch gần nhà lấy đất sét về nhào nặn thành một khối tròn, 7 ngày mới được một sản phẩm mẫu đem đi nung, nhưng cứ nung nó lại nổ, liên tục như vậy trong 6 lần. Nhưng may mắn đã mỉm cười với những người có ý chí và sự quyết tâm, lần thứ 7 anh nung thành công và tạo ra những chiếc đèn nến của riêng mình.

Chuyên tâm đầu tư về mặt thời gian cùng niềm đam mê cháy bỏng, khi đưa sản phẩm ra thị trường anh được mọi người đón nhận bởi sự mới lạ của những chiếc đèn nến. Anh cung cấp sản phẩm cho các cửa hàng trên chợ Đồng Xuân và nhiều quán bán lẻ ở Hà Nội.

Anh đầu tư toàn bộ thời gian sản xuất nến để tạo cho mình một chỗ đứng trên thương trường
Anh đầu tư toàn bộ thời gian sản xuất nến để tạo cho mình một chỗ đứng trên thương trường

Sự nghiệp đang lên như “diều gặp gió”, anh phát hiện quy trình làm nến của mình đã bị người anh họ làm cùng ăn cắp bản quyền. “Anh ấy sử dụng chính quy trình sản xuất đèn nến của tôi, bán ra thị trường với số lượng lớn mà không hề nói với tôi, đau hơn anh còn đổ buôn cho các chủ cửa hàng đang là khách quen của tôi ở chợ Đồng Xuân với giá rẻ hơn 3000 đồng/1 sản phẩm”, Anh Thông nhớ lại.

Sau cú dội nước lạnh năm đó, anh mất trắng từ công nghệ sản xuất, uy tín và đặc biệt là niềm tin của khách hàng. Khuôn mặt anh như ngắn lại, giọng trầm ngâm, đôi mắt ngấn lệ khi nhớ lại những giây phút đó: “Tôi như người bị rơi xuống vực, khách hàng cho rằng mình lừa dối họ, đem trả lại hết hàng”.

Sự nghiệp mất trắng, sự học cũng kết lại với việc anh không có tấm bằng nào. 3 tháng sau cú ngã đó, anh quyết định quay lại với nến, lần này không phải là đèn nến mà nến chữ, cái duyên với nghề đeo bám, vì thế mà nến chữ của anh sản xuất ra đến đâu hết đến đó, đặc biệt cơn sốt nến chữ “happy birthday”.

 

Tin tưởng giao toàn bộ tài sản cho vợ quản lý nhưng lãi đâu không thấy chỉ thấy ngày một nhiều người gọi điện cho anh đòi nợ, họ cho hay vợ anh vay tiền để kinh doanh nhưng anh không hề biết. Tình cảm rạn nứt và không thể hàn gắn lại , anh Thông quyết định viết đơn ly hôn để làm lại từ đầu, khi đó vợ anh đang có bầu 7 tháng với một người đàn ông khác.

Anh Thông làm bố đơn thân khi con trai lớn được 5 tuổi rưỡi nhưng bị tự kỷ và con gái nhỏ mới 2 tuổi. Ngẫm lại từng ấy năm ra thương trường, anh nhận thấy, thứ mình biết nhiều nhất là nến, không phải mất tới 3 tháng suy nghĩ như cú ngã lần trước, anh đứng dậy bắt tay ngay vào sản xuất những sản phẩm nến sáng tạo và độc đáo hơn: nến vặn tay, nến trong suốt…

Để có tiền nuôi con, hè năm 2011 anh còn bán thực phẩm chức năng, có những ngày đi ship hàng cho khách, anh phải buộc thêm đứa lớn đằng sau và ôm đứa bé ngồi phía trước: “Tôi nhớ nhất một lần đi đến giữa cầu Vĩnh Tuy 2 đứa con đều ngủ gật, tôi phải cởi áo để buộc đứa lớn, một tay ôm đứa bé, tay còn lại lái xe. Ba bố con đi lên cầu Vĩnh Tuy dốc cao, gió to, cảm giác chênh vênh, mong manh lặp đi lặp lại trong đầu khiến lần tiên trong đời tôi mới biết thế nào là sợ”.

Khó khăn dần qua đi, xưởng sản xuất nến của anh ngày một “ăn nên làm ra”. Năm 2014 anh bắt đầu sản xuất thêm sản phẩm nến tâm linh, khởi đầu bằng nến sen, nến hình quả phật thủ. Có lương duyên với nghề nên các sản phẩm được khách hàng ủng hộ rất cao, sản xuất ra không đủ nhu cầu, vào những tháng cuối năm, trung bình anh sản xuất 1 vạn sản phẩm/1 tháng.

 

Anh ví cuộc đời mình chẳng khác gì cây nến, nến dễ sản xuất, vốn đầu tư thấp, làm hỏng vẫn có thể nung chảy để làm lại. Đặc biệt, ý nghĩa của ngọn nến thì vô cùng đẹp đẽ, nến mang lại niềm tin, tình yêu và hi vọng cho mọi người. Ánh sáng nến không quá chói chang, cũng không mờ đục mà tinh khiết. Cũng chính vì thế mà nến được coi là một vật quan trọng trong tất cả những nghi thức tâm linh của hầu hết các quốc gia trên Thế giới.

Anh Thông luôn tâm niệm: “Đối với tôi, nến là ước mơ, niềm tin và hi vọng”
Anh Thông luôn tâm niệm: “Đối với tôi, nến là ước mơ, niềm tin và hi vọng”

Khát vọng đổi đời từ nến đã thành hiện thực, cuộc sống của 3 bố con anh Thông đã bước sang một trang mới trong căn nhà khang trang với những bữa cơm đủ đầy. Con trai lớn được tham gia các lớp học dành riêng cho trẻ tự kỷ, anh còn mở thêm quán “cafe Nến” để khách hàng biết đến nghề làm nến nhiều hơn. Một vài năm trở lại đây, anh Thông tạo dựng được thương hiệu trên thị trường, thu nhập từ nến lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm và đem đến cơ hội việc làm cho nhiều sinh viên và người dân địa phương.

Chia tay anh Thông và xưởng sản xuất nến thơm trên con phố Keo, Gia Lâm, Hà Nội khi đồng hồ đã điểm sang đầu giờ chiều. Anh tiễn tôi ra xe và không quên nhắc lại câu nói, từng là kim chỉ nam đã dẫn anh đến với thành công: “Cuộc sống này rất hay, đóng cửa này sẽ còn cửa khác, chỉ cần có niềm tin ta còn hy vọng và chắc chắn sẽ thành công”.