Sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động, nhận thức của NTD trên địa bàn TP được đánh giá đã có chuyển biến tích cực, nhìn nhận đúng đắn hơn về khả năng sản xuất, kinh doanh của DN Việt Nam và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt.
Theo kết quả điều tra dư luận xã hội của Ban chỉ đạo Cuộc vận động năm 2019, tỷ lệ ưu tiên lựa chọn, mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt đạt 72,9%; cán bộ đảng viên thường xuyên vận động khuyên người thân trong gia đình, bạn bè mua hàng Việt Nam đạt 51%; trước đây có thói quen thường mua hàng có nguồn gốc xuất xứ ở nước ngoài, nay đã dừng hoặc ít mua hơn thay bằng mua hàng Việt.
Ông Huỳnh Trung Trứ, Phó Giám đốc Sở Công thương TP cho biết: “Từ năm 2009 đến nay, Sở phối hợp với các đơn vị liên quan đã tổ chức trên 44 phiên chợ về nông thôn, khu dân cư và khu công nghiệp phục vụ nhu cầu mua sắm, đạt doanh thu trên 16,375 tỷ đồng; mặt khác triển khai thực hiện tốt quy hoạch, phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng thương mại bán buôn, bán lẻ.
Đến nay TP có 107 chợ truyền thống, 19 siêu thị, trung tâm thương mại hoạt động hiệu quả và trên 75 cửa hàng tiện ích thuộc nhiều công ty, tập đoàn… góp phần không để thiếu hàng, không để giá tăng đột biến”.
Nhờ những giải pháp tuyên truyền hiệu quả của chính quyền địa phương và các ngành chức năng, đã giúp các DN trên địa bàn không ngừng cải tiến, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng có sức cạnh tranh trên thị trường. Từ đó, góp phần đáp ứng nhu cầu và thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng hiện nay.
Bà Châu Bảo Uyên, đại diện Công ty TNHH MTV Coopmart Cần Thơ cho biết, trong 23 năm hoạt động, Coopmart đã phát triển chiến lược “nội địa hóa” nhằm hỗ trợ các DN Việt trong việc quảng bá và phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng trong nước.
Riêng Coopmart Cần Thơ đã ưu tiên các DN Việt trong chính sách mua hàng; ưu tiên vị trí, diện tích trưng bày trong siêu thị; hỗ trợ quảng bá sản phẩm mới. “Bằng việc bền bỉ với chiến lược “nội địa hóa”, đến nay hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đã chiếm tỷ trọng trên 90% trong cơ cấu hàng hóa bày bán tại siêu thị Coopmart”, bà Uyên cho biết.
Về những khó khăn, có thể kể đến việc Cần Thơ tuy không có đường biên giới, nhưng tình hình buôn lậu, buôn bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa vẫn diễn biến phức tạp. Hàng hóa vi phạm rất đa dạng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi khiến NTD khó phân biệt được đâu là hàng thật, hàng giả, chưa nói đến việc hàng Việt hay hàng nước ngoài.
Đặc biệt, với sự phát triển mạnh của mạng xã hội khiến việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực kiểm soát gian lận thương mại gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tình trạng một số DN kinh doanh vì lợi nhuận trước mắt mua bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng gắn mác hàng Việt đã gây ảnh hưởng đến uy tín của các nhà sản xuất chân chính và thiệt hại đến quyền lợi chính đáng của NTD.
Qua thống kê 10 năm thực hiện Cuộc vận động, Cục Quản lý thị trường TP cho biết đã kiểm tra 17.546 vụ, trong đó số vụ vi phạm là 13.569 vụ trên các lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, kém chất lượng… Những vụ việc như vậy khiến NTD có thể hoài nghi về chất lượng hàng hóa của DN cung ứng.
Bên cạnh đó, các sản phẩm sản xuất trong nước còn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của hàng ngoại cùng chủng loại, có chất lượng, giá cả cạnh tranh và được hậu thuẫn về quảng bá chuyên nghiệp của các công ty nước ngoài.