10 năm nuôi dưỡng hy vọng cho những cặp vợ chồng hiếm muộn

(PLO) - Cách đây 10 năm, hai em bé thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên đã chào đời khỏe mạnh tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, là dấu mốc của những ngày tháng gieo hy vọng cho nhiều gia đình hiếm muộn, làm thay đổi cuộc sống của nhiều cặp vợ chồng bởi nếu không có kỹ thuật này thì chắc chắn họ không bao giờ có con.
 10 năm nuôi dưỡng hy vọng cho những cặp vợ chồng hiếm muộn

Những ngày đầu gian khó…

Hơn 10 năm trước, Hải Phòng là thành phố có gần 2 triệu dân với hơn 300 nghìn cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ. Tỷ lệ vô sinh ở các cặp vợ chồng chiếm khoảng 13%, với hàng chục nghìn cặp vợ chồng cần can thiệp điều trị. Chỉ cần 1 % trong số này phải thực hiện kỹ thuật Thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) thì mỗi năm cũng cần phải tiến hành 800 chu kỳ điều trị. Con số này cho thấy nhu cầu điều trị vô sinh nói chung và áp dụng kỹ thuật TTTON của người dân Hải Phòng không nhỏ. Chính điều này là mấu chốt để ngành Y tế Hải Phòng quyết tâm triển khai thành công kỹ thuật TTTON để chăm sóc sức khỏe sinh sản toàn diện cho người dân. 

Cán bộ, nhân viên của Khoa hỗ trợ sinh sản
Cán bộ, nhân viên của Khoa hỗ trợ sinh sản

Được thành lập từ năm 2003, Khoa hỗ trợ sinh sản (HTSS) – Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng (BV) có nhiệm vụ khám, điều trị vô sinh và triển khai kỹ thuật TTTON cho nhân dân Hải Phòng. Đây là thời điểm kinh tế khó khăn nhưng BV đã được Thành uỷ, UBND TP, Sở Y tế đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng với diện tích gần 500m2, gồm 12 phòng làm việc đồng thời phê duyệt dự án mua sắm trang thiết bị máy móc cho kỹ thuật TTTON bằng nguồn vốn vay 4 tỷ đồng. 

Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập, các bác sỹ công tác tại khoa không giấu nổi sự nghẹn ngào và xúc động. Một nhiệm vụ mới với bộn bề khó khăn vì chưa có trang thiết bị, chưa có tủ cấy ghép, nguồn nhân lực vẻn vẹn có 12 người. Ban đầu, khoa HTSS chỉ mới triển khai khám và điều trị vô sinh hiếm muộn với các kỹ thuật đơn giản tạm thời như: kích thích buồng trứng, nội soi vô sinh, thụ tinh nhân tạo trong buồng tử cung. 

Đến nay, sau hơn 10 năm phát triển và trưởng thành, khoa HTSS đã có 19 nhân viên với 8 bác  sỹ, 01 tiến sỹ, 02 bác sỹ chuyên khoa 2, 2 nghiên  cứu sinh, 1 thạc sỹ, 1 bác sỹ chuyên khoa 1. Khoa có 6 cử nhân ĐD, 4ĐD, 1 y công. 

Để hoàn thành sứ mệnh được giao phó, BV xác định chỉ có phát triển, nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng chuyên môn mới có thể triển khai tốt kỹ thuật TTTON. Từ năm 1999, những cán bộ đầu tiên đã được gửi đi đào tạo tại Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh). Kế tiếp, tất cả các nhân viên của khoa lần lượt được đào tạo ở các trung tâm HTSS trong và ngoài nước, đảm bảo thuận lợi cho sự tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật. 

Song song với đào tạo nhân lực, Bệnh viên cũng từng bước hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, lắp đặt các trang thiết bị cho labo HTSS. Tuy rằng máy móc, tủ cấy chưa nhiều, các thông số kỹ thuật cũng chưa rõ ràng, hoàn chỉnh để xem xét, lựa chọn nhưng bệnh viện đã xây dựng thành công một đơn vị HTSS phù hợp với điều kiện của TP Hải Phòng.

Niềm vui vỡ òa

Quá trình chuyển giao kỹ thuật TTTON được thực hiện từ tháng 7/2005. Với tất cả trách nhiệm, lương tâm, tình cảm của người thấy thuốc, suốt một năm liền, anh chị em khoa HTSS, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, đặc biệt là GS – TS Nguyễn Viết Tiến, đã không quản ngại vất vả khó khăn, chuyển tải những kinh nghiệm, kỹ năng quý giá. Có thể nói đây là một giai đoạn vô cùng gian nan của những bác sỹ, y tá tại hai bệnh viện chuyên khoa trên. Dù không phải hy sinh bằng xương máu nhưng đó là một sự hy sinh thầm lặng, cao độ. 

Em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện phụ sản Hải Phòng
Em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện phụ sản Hải Phòng

Ngày 30/7/2005, bốn bệnh nhân TTTON đầu tiên đã được hút noãn, chuyển phôi an toàn và ngày 7/4/2006, hai cháu bé TTTON đầu tiên của TP Hải Phòng đã chào đời khỏe mạnh, niềm vui vô bờ bến của gia đình người bệnh, đánh giá một bước đột phá mới của bệnh viện Phụ sản Hải Phòng trong lĩnh vực Chăm sóc sức khỏe sinh sản. Điều này một lần nữa khẳng định năng lực chuyên ngành của Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, một bệnh viện chuyên khoa khu vực đồng bằng Bắc bộ. 

Tuy nhiên, kỹ thuật TTTON cổ điển cũng đã chỉ ra một vài tình huống rất đáng tiếc, hạn chế cần được cải thiện hoàn chỉnh hơn: một số trường hợp noãn không thụ tinh hoặc tỷ lệ thụ tinh thấp, nhiều trường hợp vô sinh do thiểu năng tinh trùng quá nặng, vô sinh nam do bế tắc hoặc bất sản ống sinh tinh có xu hướng ngày càng tăng… 

Để giải tỏa những hạn chế ấy, năm 2009 với sự giúp đỡ và chuyển giao kỹ thuật của Công ty tư vấn trợ sinh–ART (TP Hồ Chí Minh), khoa HTSS đã triển khai thành công kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI).

Ông Vũ Văn Tâm, Giám đốc BV chia sẻ, hiện nay ICSI đang được thực hiện thường quy thay thế cho kỹ thuật IVF cổ điển tại bệnh viện. Khoa HTSS thường xuyên cập nhật các kỹ thuật mới nhằm nâng cao hiệu quả điều trị như: PESA - ICSI, TESE – ICSI, giảm thai, trữ lạnh phôi, trữ lạnh tinh trùng, trữ mô tinh hoàn, sử dụng đa dạng các phác đồ KTBT, hỗ trợ hoàng thể, phôi thoát màng… nhằm không ngừng nâng cao cơ hội được làm mẹ cho người bệnh.

Ngoài nhiệm vụ ngày càng hoàn thiện hơn các quy trình kỹ thuật hiện có, trong những năm tới, khoa HTSS dự kiến sẽ triển khai tiếp kỹ thuật nuôi cấy trứng non (IVM), phôi thoát màng bằng laser, nuôi cấy phôi nang, chẩn đoán di truyền trước làm tổ PGD/PGS, phát triển một trung tâm Nam khoa có chất lượng cao... 

Với số lượng 520 trẻ ra đời bằng phương pháp TTTON, bà Phạm Thu Xanh, Giám đốc Sở Y tế TP Hải Phòng khẳng định, cho tới thời điểm này, khoa HTSS của BV đã vững vàng làm chủ các kỹ thuật, đạt tỷ lệ thành công 35-40%, tương đương với một số trung tâm HTSS phát triển ổn định của Việt Nam. Với lĩnh vực mang tính nhân văn cao như vậy, ngành Y tế Hải Phòng tiếp tục đề nghị TP đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm sơ sinh, đầu tư trang thiết bị chuyên sâu, nâng cao tỷ lệ thành công TTTON để nhân dân trong khu vực được hưởng những dịch vụ tốt nhất.

Đọc thêm