Củng cố địa vị pháp lý cho Quản lý thị trường

(PLO) - Bộ Công Thương  vừa đưa ra đề xuất củng cố địa vị pháp lý cho lực lượng quản lý thị trường. Đề xuất này thể hiện trong Dự thảo Pháp lệnh Quản lý thị trường mà Bộ này đang chủ trì soạn thảo.
Bộ Công Thương cho rằng cần củng cố địa vị pháp lý cho lực lượng quản lý thị trường
Bộ Công Thương cho rằng cần củng cố địa vị pháp lý cho lực lượng quản lý thị trường
Quản lý thị trường là lực lượng chuyên trách được tổ chức từ Trung ương đến địa phương, có chức năng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và đấu tranh chống các vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường.
Gian lận thương mại lan tràn và có khuynh hướng gia tăng
Theo Bộ Công Thương, giai đoạn 2010 - 2012, số lượng các vụ việc xử lý vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực thương mại của lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) hàng năm luôn ở vị trí dẫn đầu, chiếm khoảng từ 30 đến 40% tổng số vụ việc xử lý VPHC. 
Năm 2013, sau khi Luật Xử lý VPHC có hiệu lực, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 161.239 vụ việc, xử lý 84.493 vụ. Năm 2014 kiểm tra 168.837 vụ việc, xử lý 93.278 trường hợp vi phạm; 6 tháng đầu năm 2015 kiểm tra 91.458 vụ việc, xử lý 55.234 trường hợp vi phạm. 
Bộ Công Thương nhận định, tuy số lượng vụ việc xử lý của QLTT không ngừng tăng lên qua các năm nhưng những con số này chưa phản ánh đúng tình hình vi phạm pháp luật về thương mại đã và đang diễn ra trong thực tế. Tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng hóa không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại lan tràn và có khuynh hướng gia tăng cả về mức độ, quy mô ở thị trường trong nước cho thấy những hạn chế nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát và xử lý VPHC của lực lượng QLTT. 
Những hạn chế, bất cập cơ bản trong tổ chức và hoạt động của lực lượng QLTT được thể hiện ở những điểm cơ bản như về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của QLTT vẫn chủ yếu được quy định bởi các văn bản pháp quy mà trong đó phần lớn là các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Trong khi đó quy định kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm pháp luật chưa bảo đảm cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động của QLTT. 
Mô hình tổ chức của QLTT hiện còn rất nhiều vướng mắc trong việc thống nhất chỉ đạo, điều hành, quản lý hoạt động này. Mặt khác, do mô hình tổ chức chưa phù hợp và địa vị pháp lý chưa tương xứng nên hiệu quả công tác phối hợp trong chỉ đạo, điều hành kiểm tra, kiểm soát thị trường và đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật thương mại giữa QLTT và các lực lượng chức năng còn nhiều hạn chế.
Xuất phát từ thực tế này, Bộ Công Thương cho rằng việc luật hóa địa vị, tổ chức, quyền hạn của QLTT, sắp xếp lại lực lượng này hiện nay là yêu cầu tất yếu khách quan. 
Quy định mở về mô hình tổ chức của Quản lý thị trường?
Vấn đề đặt ra là nếu được củng cố địa vị pháp lý bằng một Pháp lệnh thì mô hình tổ chức của QLTT sẽ được thiết kế theo phương án nào. Hiện có 2 phương án đang được đưa ra. Phương án 1: Giữ nguyên mô hình tổ chức như hiện tại hoặc quy định rõ tổ chức của QLTT theo hướng tập trung, thống nhất. 
Phương án 2: Dự thảo Pháp lệnh không quy định cụ thể về mô hình tổ chức của QLTT mà chỉ quy định khái quát là QLTT được tổ chức thống nhất từ Trung ương đến địa phương, bao gồm cơ quan QLTT Trung ương, cơ quan QLTT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan QLTT huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Trên cơ sở quy định đó, Chính phủ quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan QLTT các cấp. 
Bộ Công Thương đang nghiêng về Phương án 2 do cho rằng quy định mở về mô hình tổ chức của QLTT sẽ phù hợp, không có sự quá khác biệt với mô hình tổ chức hiện tại và thuận lợi cho việc thay đổi tổ chức QLTT sau này. 
Trước đó, năm 2014 Bộ Công Thương cũng đã xây dựng, trình Chính phủ Đề án Tổng cục QLTT tổ chức theo mô hình tập trung, thống nhất. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ này tiếp tục hoàn thiện Đề án, trình Chính phủ khóa tiếp theo. 

Đọc thêm