Theo báo cáo tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 689 đến năm 2020 và những năm tiếp theo theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại điểm cầu Sở Chỉ huy Bộ Quốc phòng (BQP), qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 689, công tác PCKPHQTT,TH,CHCN trong toàn quân đã có những đổi mới toàn diện, mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) được nâng lên rõ rệt, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện nhiệm vụ về công tác này trong tình hình mới.
Hệ thống tổ chức chỉ huy, điều hành từng bước được kiện toàn; lực lượng chuyên trách bước đầu được củng cố theo hướng chuyên môn hóa trong từng lĩnh vực; lực lượng kiêm nhiệm được tổ chức rộng khắp trong toàn quân. Công tác đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ PCKPHQTT,TH,CHCN đã được quan tâm hơn; công tác huấn luyện, diễn tập có nhiều chuyển biến tích cực, sát thực tế và đặc điểm từng vùng miền. Sự phối hợp giữa các đơn vị Quân đội với các Bộ, ngành địa phương ngày càng chặt chẽ, sát phương châm “4 tại chỗ”, tạo nên sức mạnh tổng hợp rộng lớn.
Chủ trì Hội nghị, Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng BQP yêu cầu các cơ quan, đơn vị toàn quân cần nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình trong bối cảnh mới, coi nhiệm vụ PCKPHQTT,TH,CHCN là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, luôn sẵn sàng trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào để bảo vệ sự an toàn của người dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
Cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự; phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, lực lượng, chủ động trao đổi, kịp thời cung cấp thông tin về sự cố, thảm họa để chủ động phòng ngừa, giải quyết hậu quả. Chủ động, làm tốt công tác tham mưu với các cấp ban hành hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách về công tác phòng thủ dân sự, nhất là tham mưu ban hành cơ chế, chính sách huy động để sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao và các nguồn lực xã hội khác theo đúng phương châm “4 tại chỗ”; đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia hoạt động phòng thủ dân sự.
Đại tướng Nguyễn Tân Cương yêu cầu các cơ quan, đơn vị chú trọng đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành về phòng thủ dân sự; phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương nơi đóng quân rà soát quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sự gắn kết giữa phát triển kinh tế với tăng cường quốc phòng, an ninh và nâng cao khả năng chống chịu thiên tai, sự cố. Thường xuyên rà soát những địa bàn trọng điểm có nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh để kịp thời xây dựng, điều chỉnh phương án ứng phó, khắc phục hậu quả sát với điều kiện, tình hình thực tế, bảo đảm tính khả thi, không để bị động, bất ngờ.
Đại tướng Nguyễn Tân Cương yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung xây dựng lực lượng chuyên trách bảo đảm số lượng, chất lượng, phù hợp từng đơn vị. Tiếp tục trang bị phương tiện, dụng cụ phù hợp để bảo đảm an toàn cho bộ đội trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; phát huy tốt vai trò nòng cốt của lực lượng dân quân tự vệ khi có tình huống xảy ra.
Ngoài ra, cần thường xuyên đổi mới nội dung, chương trình huấn luyện, hoàn thiện phương án ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, môi trường. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động phòng thủ dân sự. Tăng cường trao đổi kinh nghiệm, xây dựng các cơ chế, quy chế phối hợp về phòng thủ dân sự, ứng phó thành công khi các sự cố xảy ra.