1001 lí do thanh toán bằng thẻ không mở rộng

(PLO) - Xu hướng quẹt thẻ đang lên ngôi trên thị trường Việt Nam khi ngày càng nhiều người dân sử dụng thẻ ATM, Visa.  Máy POS là phương tiện đắc lực cho cách thanh toán bằng thẻ. Nhưng đến nay, POS mới chỉ giới hạn ở các nhà hàng, siêu thị, tại sao Việt Nam vẫn chưa nhân rộng được mô hình thanh toán hóa đơn bằng máy này?
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Lợi ích lớn từ việc thanh toán bằng thẻ
POS là từ viết tắt tiếng Anh (Point of Sale), là một dạng thiết bị cầm tay chấp nhận thanh toán thẻ. Máy cà thẻ POS và máy rút tiền tự động ATM đều có một điểm chung là giao dịch được qua thẻ ATM. Sử dụng máy POS, chủ thẻ chỉ cần “quẹt” thẻ lên máy được đặt tại quầy tính tiền, nhập số PIN, nhập số tiền cần thanh toán, sau đó ký tên xác nhận lên biên lai, hoàn tất quá trình thanh toán.
Phương pháp thanh toán này đã rất phổ biến ở các nước phát triển. Người dân ở các nước Âu – Mỹ không mang nhiều tiền mặt trong ví, sử dụng thẻ thanh toán chiếm hơn 90% tổng số giao dịch hàng ngày. Còn ở Việt Nam cứ cuối tháng, người dân vẫn quen với cách thanh toán bằng tiền mặt. 
Hiện nay, nhiều nhà hàng, cửa hiệu, siêu thị đã có sẵn máy POS cho người dân thanh toán bằng thẻ ATM. Theo thống kê của Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam, đến cuối tháng 1/2015, lượng thẻ phát hành trên toàn quốc đã đạt gần 86 triệu thẻ. Trong đó, thẻ nội địa chiếm hơn 91%, thẻ trả trước chiếm hơn 4%, còn lại là thẻ tín dụng. 
Giao dịch bằng thẻ tăng đều mỗi năm. Trong đó, giao dịch như vé máy bay, quần áo, phụ kiện, giày dép... được người dân mua bán trực tuyến nhiều nhất. Điều đó cho thấy, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến đối với người tiêu dùng ở Việt Nam, thay đổi không ít đến thói quen chi trả của người dân. Nếu sử dụng máy POS để thu phí dịch vụ (điện, nước, internet) hàng tháng thì sao?
Hàng tháng, các nhân viên thu phí đến gõ cửa từng hộ, xuất hóa đơn và thu tiền, cách làm này đã để lại nhiều bất cập bấy lâu nay. Chị Hải (Lương Định Của, Hà Nội) cho biết: “Cả 2 vợ chồng tôi đều là giáo viên, ngoài giờ hành chính chúng tôi còn đi dạy ở trung tâm nên hiếm khi có mặt ở nhà vào buổi tối. Nhân viên thu tiền điện, nước đều phải lấy số điện thoại của tôi để hẹn ngày lấy hóa đơn. Ai làm quen rồi thì biết, nhưng người mới thì chờ 2, 3 lần không thu được tiền lại cắt dịch vụ của nhà tôi. Nhiều khi cũng thấy rất phiền phức khi cứ phải chờ từng người một đến thu tiền”. 
Chung nỗi niềm, chị Minh (Bát Đàn, Hà Nội) chia sẻ: “Lợi dụng việc thu tiền dịch vụ, có không ít trường hợp lừa đảo bắt gia đình tôi nộp phí vệ sinh, môi trường, cáp, điện thoại… Nếu ai cảnh giác xem kỹ thì không sao, nhà có người già, trẻ con không biết thường bị lừa mà đưa tiền cho chúng. Chưa kể, tôi và người thu phí có không ít lần tranh cãi vì nhập nhằng tiền điện, nước vượt trội bất hợp lý”. 
Nhiều người thừa nhận rằng, nếu thanh toán mọi chi phí dịch vụ bằng máy POS, họ sẽ không phải mất quá nhiều thời gian, không lo bị lừa đảo và quản lý các khoản chi, thu tốt hơn. Mô hình này ngày càng phổ biến ở nước ngoài, Việt Nam cũng không thể đi ngược lại sự tiện ích của công nghệ. 
Thời gian đầu, người dân sẽ cảm thấy khó khăn, nhất là đối với nhân viên ngành điện khi phải học và làm quen với cái mới. Tuy nhiên, khi đã quen dần họ sẽ thấy ổn định và thuận tiện hơn. Đặc biệt, với những hộ kinh doanh, việc tra cứu các chi phí dịch vụ trên máy tính, điện thoại sẽ dễ quản lý, không phải lo bảo quản hóa đơn như trước. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Về phía đơn vị cung cấp dịch vụ, việc tuyển dụng nhân viên thu phí luôn gặp khó khăn. Họ phải đăng tin tuyển dụng thường xuyên, chi phí thuê nhân sự cho công việc này cũng không nhỏ. So với việc chi trả tiền lương cho nhân viên, đầu tư máy POS rõ ràng tiết kiệm hơn. Việc lưu trữ hàng nghìn hóa đơn giấy mỗi tháng cũng không còn quá khó khăn khi các công ty thống kê trên máy tính. Nhìn nhận đến cái lợi, ai cũng thấy rằng công nghệ đang giúp chúng ta tiết kiệm được nhiều tiền bạc, công sức và thời gian.
Tại sao thanh toán trực tuyến vẫn “lỗi hẹn” với người tiêu dùng?
Mặc dù nhu cầu tăng cao nhưng thanh toán trực tuyến vẫn chưa phát triển trước những bất cập về hành lang pháp lý (người dùng ngại khai báo thông tin), đơn vị cung cấp dịch vụ chưa có phương pháp kích thích khách hàng sử dụng. Vì vậy đến nay, thanh toán online vẫn “lỗi hẹn” với người tiêu dùng. 
Hạn chế lớn nhất hiện nay là thói quen mua hàng của người Việt Nam dẫn đến tỷ lệ người dùng các loại thẻ ngân hàng có khả năng thanh toán quốc tế, trực tuyến chưa đại trà. Để “kéo” người dùng mua sắm trực tuyến và thanh toán trực tuyến, trước tiên các doanh nghiệp phải bảo đảm uy tín. Thực tế cho thấy, người tiêu dùng luôn lo ngại tiền của họ bị thất thoát. “Tiền trao, cháo múc”, tâm lý của người Việt là vậy, chỉ khi họ cầm trong tay hóa đơn hay sản phẩm, họ mới yên tâm chi trả phí. Đơn vị cung cấp dịch vụ cần có mô hình an toàn, dịch vụ chu đáo và cách truyền thông tốt mới có thể thu hút được người tiêu dùng sử dụng phương pháp mới. 
Ngoài ra, phía các cơ quan chức năng cũng cần có cơ chế kiểm soát cũng như tạo cơ chế thông thoáng cho hệ thống ngân hàng, công ty cung cấp dịch vụ sử dụng cách thanh toán này. Đồng thời, cần có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh và người tiêu dùng làm quen cũng như tiến tới hạn chế tới mức tối đa sử dụng tiền mặt./.

Đọc thêm