101 người “sập bẫy lừa” xuất khẩu lao động tại TP Hồ Chí Minh: Tòa án kiến nghị Cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ vai trò một số người

(PLVN) - TAND TP HCM vừa tuyên Nguyễn Việt Vương (34 tuổi, quê Hà Nội) bản án 15 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của 101 người muốn đi xuất khẩu lao động.
l Bị cáo Vương bị phạt 15 năm tù vì lừa tiền của 101 nạn nhân. (Ảnh: Sơn Văn)

Theo cáo trạng, năm 2014, Vương thành lập Văn phòng đại diện miền Nam của Cty CP Alantic THP tại huyện Củ Chi, hoạt động trong lĩnh vực tư vấn du học, môi giới lao động. Vương tự ý hợp tác với Giám đốc một Trung tâm Đào tạo & Phát triển nguồn nhân lực, cơ sở 2 tại Thủ Đức, để đưa người đi lao động tại nước ngoài.

Vương thông báo tuyển dụng và giao cho nhân viên thu tiền của những người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động tại Nhật. Ngoài chi phí đào tạo tiếng Nhật là 12 triệu đồng, Vương còn thu tiền cọc của mỗi người 2.800 - 3.500 USD tùy lĩnh vực. Các học viên được hứa hẹn làm việc trong ngành xây dựng, ván ép hoặc may mặc. Vương đã thu của 101 khách hàng tổng cộng hơn 7 tỷ đồng (gần 5,6 tỷ đồng và hơn 76.000 USD).

Sau thời gian dài chờ đợi, khách hàng không được đưa ra nước ngoài làm việc như hứa hẹn. Vương cam kết với một số người sẽ trả lại tiền nhưng không thực hiện, bỏ trốn. Sau thời gian dài không đòi lại được tiền đã nộp, các bị hại tố giác. Đến tháng 7/2021, Vương bị bắt giam.

Cáo trạng xác định, văn phòng của Vương không có chức năng đưa người đi xuất khẩu lao động nhưng đã tuyển dụng, thu tiền cọc hơn 7,2 tỷ đồng của 101 người, chiếm đoạt hơn 5,3 tỷ đồng.

Làm việc với CQĐT, vị Giám đốc Trung tâm Đào tạo & Phát triển nguồn nhân lực, cơ sở 2, khai có hợp tác với văn phòng của Vương để tìm kiếm người lao động cho trung tâm của mình. Theo thỏa thuận, chỉ khi nào người lao động được đưa đi xuất khẩu thì trung tâm của ông sẽ trả cho Vương 1.000 USD/người. Quá trình hợp tác, ông có nhờ Vương thu hộ số tiền 12 triệu đồng/người là chi phí học tiếng Nhật. Việc Vương tự ý thu số tiền đặt cọc từ 2.800 - 3.500 USD, ông không chịu trách nhiệm.

Tham dự phiên tòa, một phụ nữ cho biết từ 3h sáng chạy xe máy từ nhà ở Tây Ninh đến TP HCM dự tòa. Gần chục năm trước, vợ chồng chị làm nhân viên bán hàng, thu nhập thấp, cuộc sống vất vả. Vì muốn tìm kiếm cơ hội mới nên khi được người quen giới thiệu đi xuất khẩu lao động, vợ chồng gom hết tiền tiết kiệm, vay mượn thêm để nộp cho Vương. Sau 6 tháng đi học tiếng Nhật, vợ chồng chị chờ mãi vẫn không được đi làm. Chị nhiều lần đòi lại tiền nhưng không được.

Một nam nạn nhân (31 tuổi, quê Tiền Giang) đã nộp cho Vương hơn 3.000 USD. Anh cho hay vay mượn tiền với hy vọng kiếm được việc ở nước ngoài thay cho nghề phụ xe, ngờ đâu bị lừa mất hết. Bao nhiêu năm nay anh làm việc để trả nợ, vẫn chưa hết.

Tại phiên xử, Vương thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố. Bị cáo cho rằng sau khi thu được tiền của khách, chỉ giữ lại khoảng 2,5 tỷ đồng để chi trả lương nhân viên, tiêu xài, còn lại chuyển vào tài khoản cá nhân và “đưa tiền mặt cho một số người để đặt cọc cho khách hàng”.

Sau khi nghị án, HĐXX tuyên phạt Vương 15 năm tù. Bị cáo có trách nhiệm trả lại cho các bị hại 5,3 tỷ đồng đã chiếm đoạt. Tòa xác định có căn cứ bị cáo đã chuyển cho vị Giám đốc Trung tâm Đào tạo & Phát triển nguồn nhân lực, cơ sở 2 gần 1,9 tỷ đồng nên cần truy thu để khắc phục hậu quả cho bị hại.

Ngoài ra, tòa kiến nghị CQĐT tiếp tục làm rõ vai trò của một số người liên quan trong vụ án, nếu có dấu hiệu sai phạm thì xử lý theo quy định.

Đọc thêm