Phiên sơ thẩm vụ cháy quán karaoke An Phú (Bình Dương): VKS đề nghị mức án cao nhất đến 8 năm tù

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 25/10, phiên tòa xét xử vụ án Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) xảy ra tại quán karaoke An Phú (Bình Dương) kết thúc phần tranh luận.
Bị cáo Hồng cho rằng “bị oan”. (Ảnh: Xuân An)
Bị cáo Hồng cho rằng “bị oan”. (Ảnh: Xuân An)

VKS: “Đủ cơ sở xác định Hồng sai phạm như cáo trạng nêu”

Trình bày quan điểm, đại diện VKS cho biết, kết quả giám định kết luận vụ cháy xảy ra do hệ thống điện, PCCC của cơ sở không đảm bảo an toàn. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của các bị cáo xâm hại đến quản lý nhà nước về PCCC, gây thiệt hại tính mạng của nhiều người, hoang mang dư luận và an ninh trật tự tại địa phương.

Bị cáo Lê Anh Xuân là chủ quán nhưng không kiểm tra định kỳ, không phát hiện hệ thống PCCC tự động không hoạt động; cơ sở không có lực lượng PCCC tại chỗ... dẫn đến đám cháy lây lan gây hậu quả nghiêm trọng.

Đối với bị cáo Phạm Quốc Hùng, Vũ Trường Sơn (cùng là cựu cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Bình Dương), Nguyễn Văn Võ (cựu Đại úy, cán bộ Đội Cảnh sát PCCC Công an TP Thuận An) là các cán bộ quản lý phụ trách nghiệm thu, kiểm tra, nhưng đã chủ quan không làm hết nhiệm vụ, để quán hoạt động khi không đủ điều kiện dẫn đến vụ cháy nghiêm trọng. Đặc biệt bị cáo Võ chưa từng thực hiện kiểm tra là một trong những nguyên nhân xảy ra cháy.

Còn bị cáo Phạm Thị Hồng (cựu cảnh sát PCCC Bình Dương), vì lợi ích kinh tế, lợi dụng mối quan hệ đồng nghiệp và xã hội đã nhận thi công hệ thống PCCC cho quán karaoke khi không có đủ điều kiện. Bị cáo Hồng không thừa nhận hành vi của mình. Tuy nhiên, căn cứ vào hồ sơ và lời khai của các bị cáo Xuân, Hùng, Luân và 2 người làm chứng, đủ cơ sở xác định Hồng sai phạm như cáo trạng nêu.

Từ đó, VKS đề nghị HĐXX xử lý nghiêm với các bị cáo, tuyên Hồng 7 - 8 năm tù; Xuân, Hùng, Sơn mức án 5 - 6 năm; bị cáo Luân 3 - 4 năm tù về tội Vi phạm quy định PCCC. Bị cáo Võ bị đề nghị 3 - 4 năm tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Hai nhân chứng “khẳng định nhận xây dựng công trình từ Hồng”

Trước khi HĐXX vào nghị án, là người đầu tiên trình bày, bị cáo Xuân gửi lời xin lỗi thân nhân 32 nạn nhân tử vong và các nạn nhân khác “vì lỗi của mình mà gây ra mất mát quá lớn với mọi người”. Xuân cũng xin HĐXX xem xét kỹ hồ sơ để có nhận định và mức án phù hợp.

Tương tự, các bị cáo Hùng, Sơn, Võ, Nguyễn Thành Luân (Giám đốc Cty TNHH MTV Thái Bình) cũng gửi lời xin lỗi đến gia đình các bị hại; xin HĐXX xem xét và khoan hồng.

Riêng bị cáo Hồng “xin tòa minh oan”. Hồng nói: “Bị cáo không sợ phải ngồi tù, nếu có tội thì sẽ nhận vì sự việc xảy ra quá thương tâm” và cho rằng không thầu thi công hệ thống PCCC của quán karaoke An Phú, không nhờ Hùng nghiệm thu sai lệch mà chỉ là nghiệm thu sớm, không nhận tiền thi công từ Xuân, không đưa hồ sơ cho Luân ký khống. “Nếu chỉ dựa trên những lời khai ấy mà buộc tội bị cáo thì không đúng”, Hồng nói.

Trước đó, bào chữa cho bị cáo Hồng, luật sư cũng đưa ra lập luận cho rằng việc buộc tội thân chủ là “thiếu căn cứ”; dẫn chứng các bút lục cho rằng lời khai của bị cáo Xuân, Luân là mâu thuẫn.

Tuy nhiên, đối đáp lại, đại diện VKS cho rằng, lời khai của các bị cáo không mâu thuẫn với Hồng mà đều phù hợp với nhau và phù hợp với sự thật khách quan. Do đó, VKS có đủ cơ sở buộc tội Hồng chính là người thi công, mua thiết bị, can thiệp vào việc nghiệm thu hệ thống PCCC của quán dẫn đến hậu quả sau này. “Vật chứng chính là biên bản nghiệm thu do Hồng nhờ Hùng làm”, đại diện VKS nói.

Trước đó, HĐXX thẩm vấn thêm 2 nhân chứng là người trực tiếp thi công cho quán karaoke An Phú. Họ đều khẳng định nhận xây dựng công trình từ Hồng với giá 100 - 120 triệu đồng. Ngoài quán An Phú, những người này còn thi công một số quán khác cho Hồng.

HĐXX ghi nhận các ý kiến bào chữa, quan điểm tranh luận của các bên, cho biết do vụ án có nhiều tình tiết phức tạp cần nghiên cứu kỹ hồ sơ nên sẽ nghị án kéo dài. TAND tỉnh Bình Dương dự kiến sẽ đưa ra phán quyết vào ngày 30/10.

Theo cáo trạng, tối 6/9/2022, dây dẫn điện lắp đặt trên trần la phông tầng 2 quán karaoke An Phú bị chập. Lửa cháy sang các vật liệu xung quanh rồi nhanh chóng lan ra toàn bộ quán. Lúc này trong karaoke có khoảng 60 người gồm khách và nhân viên. Khi lửa bùng lên dữ dội, một số khách và nhân viên chạy lên sân thượng, số còn lại chờ cứu nạn.

Sau gần một ngày chữa cháy, cảnh sát khống chế được hỏa hoạn, song 32 người đã chết. Những người còn lại may mắn chạy thoát hoặc được cứu, trong đó có 17 nạn nhân bị thương.

Tại phiên xử, thân nhân các bị hại đòi bồi thường chi phí mai táng, cấp dưỡng... tổng cộng khoảng 28 tỷ đồng, được tòa ghi nhận. Họ cho biết, sau khi vụ cháy xảy ra đã nhận được 130 triệu đồng hỗ trợ từ gia đình bị cáo Xuân, chủ quán karaoke An Phú. Ngoài ra, một số gia đình nhận được tiền hỗ trợ từ Vũ Trường Sơn và Phạm Quốc Hùng số tiền 5 - 20 triệu đồng.

Tất cả đại diện người bị hại đều xin HĐXX giảm án cho Xuân vì cho rằng bị cáo cũng chịu nhiều hậu quả nặng nề sau hỏa hoạn.

Trả lời tòa về trách nhiệm của mình trong việc bồi thường cho gia đình các nạn nhân, hầu hết các bị cáo là cựu cảnh sát PCCC đều đồng ý bồi thường theo quy định của pháp luật; riêng Hồng không đồng ý.

Đọc thêm