Phiên xử vụ cháy quán karaoke An Phú (Bình Dương): Màn đối chất căng thẳng giữa một số bị cáo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hôm qua (24/10), TAND tỉnh Bình Dương mở phiên xử Lê Anh Xuân (43 tuổi, chủ quán karaoke An Phú); Phạm Quốc Hùng, Phạm Thị Hồng, Vũ Trường Sơn (cùng là cựu cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Bình Dương); Nguyễn Thành Luân (Giám đốc Cty TNHH MTV Thái Bình) về tội Vi phạm quy định về PCCC.
HĐXX dự kiến sẽ tuyên án với các bị cáo vào hôm nay (25/10). (Ảnh: Quốc Định)
HĐXX dự kiến sẽ tuyên án với các bị cáo vào hôm nay (25/10). (Ảnh: Quốc Định)

Trong vụ án này, còn có Nguyễn Văn Võ (cựu Đại úy, cán bộ Đội Cảnh sát PCCC Công an Thuận An) bị xử về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Chủ quán thừa nhận bản thân có thiếu sót

Theo cáo trạng, tối 6/9/2022, lửa bất ngờ bùng lên tại lầu 2 karaoke An Phú rồi lan nhanh toàn bộ quán có khoảng 60 người gồm khách và nhân viên ở trong. Sau gần một ngày chữa cháy, cảnh sát tìm thấy 32 thi thể. Những người còn lại may mắn chạy thoát hoặc được cứu, trong đó 17 người bị thương.

Kết quả giám định kết luận nguyên nhân cháy do dây dẫn điện lắp đặt trên trần la phông tầng 2 bị chập, lửa cháy lan ra vật liệu xung quanh. Hệ thống điện, PCCC không đảm bảo an toàn. 31/32 nạn nhân trong máu có nồng độ cồn, trong đó 18 người có nồng độ cồn trong máu rất cao (86 - 299mg/100ml); 1 người dương tính với ma túy.

Tại phiên xử, bị cáo Xuân khai hôm xảy ra hỏa hoạn, đang ở nhà xem tivi thì vợ chạy về nói quán bị cháy, mới chạy đến hiện trường. Theo Xuân, cha bị cáo (đã chết) là người liên hệ đơn vị thi công và người có chức năng làm hồ sơ giấy phép hoạt động. Xuân cho rằng “chỉ ký vào các giấy tờ hồ sơ do cha đưa lại, không liên quan hay quen biết Hồng. Bị cáo chỉ gặp chị Hồng một lần vào buổi trưa, khi cha gọi nói mang 50 triệu đồng trả cho người này”.

Đến 2019, cha phải điều trị bệnh, nói bị cáo nghỉ việc Cty để quản lý quán. Xuân nói có làm việc với người quản lý và yêu cầu liên hệ cơ quan chức năng xem việc PCCC còn thiếu sót gì thì bổ sung.

“Bị cáo không nắm rõ việc kinh doanh karaoke phải có điều kiện gì, vì trước đó cha bị cáo làm hết”, bị cáo thừa nhận bản thân có thiếu sót, không kiểm tra lại các vấn đề khi hoạt động.

Bị cáo Sơn khai năm 2017, khi được phân công nhiệm vụ và tiếp nhận hồ sơ thiết kế của quán karaoke An Phú do bộ phận tiếp dân đưa qua, nhận thấy hồ sơ có một số vấn đề chưa đảm bảo quy chuẩn và đã tham mưu lãnh đạo yêu cầu chủ cơ sở bổ sung. Sau khi nhận lại hồ sơ, thấy đã đủ các điều kiện nên Sơn trình lên cấp trên duyệt. "Bị cáo chỉ thẩm duyệt hồ sơ trên giấy tờ", Sơn khai.

Một bị cáo đổ lỗi “do công việc quá nhiều”

Về phía Hồng, bị cho rằng khi công tác ở Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã nhận thi công cho quán, sau đó thuê ông Nguyễn Duy Linh (Đội trưởng Cảnh sát PCCC Công an Thuận An, đã chết) làm. Sau khi thi công xong, Hồng lợi dụng mối quan hệ với Phạm Quốc Hùng (cựu Thiếu tá, Phó Công an phường Định Hòa, TP Thủ Dầu Một) tác động nghiệm thu. Hùng không kiểm tra mà lập khống biên bản nghiệm thu nhằm hợp thức hóa hồ sơ.

Hồng sau đó đưa biên bản kiểm tra, nghiệm thu cho Luân là Giám đốc Cty có đủ chức năng thiết kế, thi công các hạng mục liên quan PCCC nhờ ký khống vào biên bản.

Tại tòa, Hồng phủ nhận các hành vi nêu trong cáo trạng, cho rằng không nhận thi công cho quán, không liên hệ cha của Xuân, không nhờ ông Linh thi công. "Bị cáo có liên hệ anh Hùng, nói anh Xuân muốn nghiệm thu sớm về thời gian, còn nghiệm thu như thế nào thì không quan tâm", Hồng khai và cho rằng chỉ là người giới thiệu.

Đối chất sau đó, bị cáo Xuân nói “không biết Luân là ai, ra tòa hôm nay mới gặp”. Về phía bị cáo Luân cũng cho rằng lời khai của Hồng là "sai sự thật". Luân thừa nhận dù không thi công tại quán nhưng khi được Hồng nhờ ký vào các giấy tờ đã đồng ý ký vì nể nang.

Về phần bị cáo Hùng, thừa nhận có sai phạm trong việc kiểm tra nghiệm thu hệ thống PCCC, song cho rằng không ký khống biên bản nghiệm thu. "Bị cáo đi mấy vòng kiểm tra bằng mắt thường và tin tưởng hồ sơ trên tỉnh chuyển về đầy đủ nên đề xuất cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động", Hùng nói và xác nhận do "nể nang chị Hồng nhờ" nên có ký duyệt biên bản nghiệm thu sớm, không đối chiếu bản thẩm duyệt thiết kế.

Trả lời tòa, bị cáo Nguyễn Văn Võ (cựu Đại úy, cán bộ Đội Cảnh sát PCCC Công an Thuận An) cho biết "do công việc quá nhiều" nên đã không kiểm tra, hướng dẫn công tác PCCC tại cơ sở An Phú, dẫn đến xảy ra hỏa hoạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Phiên tòa dự kiến kéo dài đến hôm nay (25/10).

Cáo trạng xác định Hùng và một số cán bộ cảnh sát PCCC đã có sai phạm trong việc thẩm duyệt hồ sơ thiết kế; kiểm tra, nghiệm thu hệ thống PCCC; không thực hiện công tác hướng dẫn, kiểm tra phát hiện các vi phạm trong PCCC của chủ quán.

Xuân là chủ quán nhưng quá trình xây dựng và hoạt động không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về PCCC&CNCH; đã thuê Hồng thi công và hoàn thiện hệ thống PCCC của quán. Hồng sau đó thuê ông Linh làm. Ông Linh thi công xong, Hồng lợi dụng mối quan hệ với Hùng tác động nghiệm thu hệ thống PCCC.

Hồng sau đó đưa biên bản kiểm tra, nghiệm thu cho Luân nhờ ký khống. Hùng tham mưu cho cấp trên ký nháy vào công văn xác nhận nghiệm thu hệ thống PCCC để đề xuất. Ngày 18/7/2017, Cảnh sát PCCC Bình Dương có văn bản về việc xác nhận nghiệm thu.

Sơn là người kiểm tra bản thuyết minh thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thiết kế về PCCC tại quán và lập bảng đối chiếu quy chuẩn nhưng không phát hiện hồ sơ thiết kế của cơ sở có một số nội dung chưa đảm bảo; vẫn xây dựng báo cáo trình cấp trên.

Từ 2020 đến tháng 9/2022, Võ là cán bộ được phân công nhiệm vụ hướng dẫn kiểm tra công tác PCCC tại karaoke An Phú nhưng đã không thực hiện, không phát hiện vi phạm của chủ cơ sở.

Gia đình Xuân đã bồi thường cho 31/32 gia đình nạn nhân tử vong và 3 người bị thương gần 3 tỷ đồng. Thân nhân 32 bị hại yêu cầu Xuân bồi thường thêm 27 tỷ đồng (tiền mai táng, tổn thất tinh thần, cấp dưỡng nuôi con, nuôi cha mẹ nạn nhân).

Đọc thêm