13 nghìn ô tô “xin khoan hồng” trước giờ chịu “án tử”

(PLO) - Chỉ còn hơn một tháng nữa, 13.387 xe ô tô sẽ đến ngày “thi hành án”. Đây là những xe “hết đát” bị cấm lưu hành theo quy định tại Nghị định 95/2009/NĐ-CP.
Con số này được thống kê bởi Cục Đăng kiểm Việt Nam. Trong  13.387 xe ôtô này, có 2.545 xe chở người và 10.842 xe chở hàng. Tất cả sẽ bị “khai tử” khỏi lưu thông đường bộ kể từ ngày 1/1/2014.
Hơn 13 nghìn ô tô sẽ bị cấm tham gia giao thông từ ngày 1/1/2014 vì quá niên hạn sử dụng
 Hơn 13 nghìn ô tô sẽ bị cấm tham gia giao thông từ ngày
1/1/2014 vì quá niên hạn sử dụng
Ông Trịnh Ngọc Giao - Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, Nghị định 95 sẽ giúp giảm thanh lọc số lượng phương tiện quá niên hạn nhưng vẫn tham gia giao thông, loại bỏ những phương tiện cũ nát, gây mất an toàn giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do khí thải từ những phương tiện này.
Đã đành chủ trương cấm xe cũ nát lưu hành về lâu dài là đúng, nhưng  trước giờ “tử”, hầu hết các “bị án” đều viện nhiều lý do xin “cứu xét”.
Những câu hỏi được đặt ra là: Đời sống của hàng vạn người hành nghề bằng phương tiện này sẽ ra sao và phải mất bao nhiêu thời gian để họ có thể chuyển đổi sang ngành nghề khác? Có nhất thiết loại bỏ hoàn toàn các loại xe hết niên hạn sử dụng hay không, và rồi thời hạn sử dụng của xe khách và xe tải quy định theo Nghị định 95 là đã hợp lý hay chưa?... Tất cả gần như vẫn chưa được các cơ quan chức năng giải đáp thỏa đáng. 
Là người trong cuộc, ông Võ Tiến Minh - Phó Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ Vận tải hàng hóa Tam Sơn (Gia Lâm, Hà Nội) trần tình: Hiện công ty của ông đang kinh doanh dịch vụ vận chuyện hành khách và hàng hóa với những quãng đường vừa, ngắn và có những tuyến đưa đón cố định. Hiện đội xe của ông có 79 chiếc, nếu thực hiện theo Nghị định 95 thì có đến 31 xe sẽ không còn được lưu hành. 
Việc đầu tư xe mới với công ty ông dường như là không thể vì không có đủ vốn, thứ hai là nếu có đầu tư phương tiện mới thì với giá thành vận chuyển cạnh tranh, chưa biết bao giờ mới có thể đủ khấu hao đầu tư. Thêm nguyên nhân nữa là các phương tiện của công ty tuy có nhiều tuổi nhưng được chăm sóc, bảo dưỡng tốt nên vẫn có thể vận hành tốt và an toàn, cấm lưu hành là rất lãng phí.
Dư luận trong ngành băn khoăn, Nghị định 95 ra đời cách đây đã 4 năm, nhưng hỏi rằng trong 4 năm qua đã có những biện pháp tuyên truyền, hỗ trợ ra sao đối với các đối tượng đang sở hữu những phương tiện - mà có thể là kế sinh nhai cho cả gia đình họ - sắp phải trở thành... phế liệu.
Xem ra, quả bóng trách nhiệm một lần nữa lại được đá ngược về phía người dân. Thay vì phải kiểm soát chặt chẽ những tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn để cấp lưu hành cho các loại xe cũ thì các nhà quản lý chỉ việc đưa ra mệnh lệnh... cấm. Lâu nay thường thấy có không ít qui định “trên trời” không đi được vào cuộc sống. Có những qui định ban hành từ “bàn giấy”, bất biết sẽ tác động như thế nào đến đời sống người dân. 
Rõ là xe mới thì an toàn hơn xe “hết đát”, nhưng trong cái lý cũng có cái tình. Nói như ông Lê Minh Quân - Giám đốc Công ty sửa chữa ô tô Đông Dương: Việc đưa ra niên hạn lưu hành của ô tô dựa vào năm sản xuất của chiếc xe là chưa thực tế và công bằng. Ông Quân lý giải, có những chiếc xe đã được sản xuất rất lâu rồi nhưng được người chủ xe săn sóc, bảo hành định kỳ và thay thế phụ tùng tốt thì việc lưu hành của nó còn tốt và an toàn gấp nhiều lần những chiếc xe mới mà vận hành ẩu và không được kiểm tra, khắc phục những hỏng hóc kịp thời.
Thiết nghĩ, khi những chiếc ô tô già nua “xin khoan hồng” thì đó cũng là nguyện vọng chính đáng cần quan tâm xem xét. Một lộ trình phù hợp là điều đang được chờ đợi. Lộ trình đó không đơn giản là qui định thời gian mà là lộ trình kinh tế - kỹ thuật. Muốn rút ngắn thời gian thì Nhà nước phải tăng cường hỗ trợ người dân thay vì chỉ đưa ra những mệnh lệnh hành chính. Kể như trên thế giới, thậm chí còn có nơi “lì xì” khi dân đổi xe cũ lấy xe mới.

Đọc thêm