134 năm trào lưu người Việt chuộng xe Nhật

(PLO) - Đầu năm 1884 trú sứ Bonnal cho nhập từ Nhật 2 chiếc djinn rickshaw (xe kéo bằng tay), một chiếc dành cho Tổng Đốc (Nguyễn Hữu Độ), một chiếc để làm mẫu cho thợ ta bắt chước làm. Những chiếc xe kéo đầu tiên được chế tạo tại miền Bắc chưa được như mọi người mong muốn. Xe Nhật tiếp tục được nhập và được nhiều người ưa thích, lùng kiếm.
Hai chiếc xe kéo nhập Nhật đầu tiên tại Việt Nam
Hai chiếc xe kéo nhập Nhật đầu tiên tại Việt Nam

Lịch sử xe cộ của nước ta được Phan Huy Chú tóm tắt như sau: 

Năm 1045 đời Lý Thái Tông, chế thứ xe thái bình, dát vàng vào bồng la ngà, đóng cho voi kéo (...). Năm 1122 đời Lý Nhân Tông, mới chế ra dải bạc để dẫn đồ lỗ bộ. Năm 1124 chế thứ lọng che mưa cán cong. 

Năm 1437 đời Lê Thái Tông, Lương Đăng tâu xin định quy chế lỗ bộ. Xe kiệu đại giá của vua thì có xe đại lộ, xe voi, xe ngựa, kiệu cửu long, kiệu thất long, xe bộ (người kéo), xe bay (...). 

Năm 1595 đời Lê Thế Tông, tiết chế Trịnh Tùng chế ra thứ xe hai bánh, trang sức bằng châu ngọc và ngà voi, trên xe có mui sơn, hai bên xe có lan can bằng ngà voi, bốn vách xe sơn đen thếp vàng. Lại có bốn cái thang để trèo lên. Đằng trước xe có cái đòn ngang. Sai bốn người lực sĩ đẩy. Kiểu xe này bắt đầu từ Thái úy quốc công. 

Thực tế thì cho tới đời Minh Mạng nước ta không có xe chở người chạy ngoài đường. Ngày xưa, phương tiện di chuyển đường bộ của nước ta có voi, ngựa, kiệu, võng. Voi, ngựa, kiệu dành cho vua, quý tộc, quan văn, quan võ cấp cao. Dân thường chỉ dùng võng hay cáng. 

Đời Minh Mạng đặt ra lệ cho các ông tiến sĩ tân khoa cưỡi ngựa xem hoa, dạo phố, vinh quy bái tổ, "Ngựa chàng đi trước, võng nàng theo sau". 

Số người đi ngựa tuy không nhiều nhưng các nơi trang nghiêm như Văn Miếu (Hà Nội) thường được dựng bia "hạ mã", bắt các ông quan lớn muốn đi qua phải xuống ngựa. Bia "hạ mã" nghiêm hơn đèn đỏ, bảng cấm ngày nay. Quên xuống ngựa có thể bị nọc ra quất cho vài roi trước mặt mọi người. Còn mặt mũi nào để hò hét với đám dân đen. 

Dần dần những người giàu có cũng sắm ngựa, võng, hay cáng. 

***

Cảnh đường phố nhộn nhịp ngựa xe phải chờ đến thời Pháp thuộc mới thấy. Năm 1862, thực dân Pháp bắt đầu chương trình mở mang, xây dựng thành phố Sài Gòn. Con đường được trải đá (cho xe ngựa chạy) đầu tiên của Hòn ngọc Viễn Đông là đường Catinat (Đồng Khởi ngày nay). 

Người Pháp đã đưa các kiểu xe ngựa của Âu châu vào miền Nam. Dân ta bắt chước làm ra xe thổ mộ, xe kiếng chở người. 

Miền Trung và miền Bắc bị Pháp bảo hộ năm 1884.  Năm 1885 Hà Nội có xe khách công cộng do ngựa kéo. Cho tới năm 1886, Hà Nội chỉ có hai chiếc xe ngựa bốn bánh của tư nhân: Một chiếc kiểu Malabar de Colombo của hội Truyền Giáo dành cho giám mục Puginier; chiếc thứ hai kiểu Victoria của Henri Rivière. Rivière đã đi xe này ra trận Cầu Giấy và bị quân Cờ Đen chém chết ngày 19/3/1883. Chiếc xe Victoria của Rivière được đem ra bán đấu giá cho Coutel, nhà thầu khoán đầu tiên ở Hà Nội.

Đầu năm 1884 trú sứ Bonnal cho nhập từ Nhật 2 chiếc djinn rickshaw (xe kéo bằng tay), một chiếc dành cho Tổng Đốc (Nguyễn Hữu Độ), một chiếc để làm mẫu cho thợ ta bắt chước làm. Những chiếc xe kéo đầu tiên được chế tạo tại miền Bắc chưa được như mọi người mong muốn. Xe Nhật tiếp tục được nhập và được nhiều người ưa thích, lùng kiếm. 

Chiếc xe kéo bằng tay (gọi tắt là xe kéo, xe tay) của Nhật hình dáng ra sao? Bác sĩ Hocquard sang Việt Nam, vào ở trong thành Hà Nội ngày 1/3/1884. Ngày 5/3 ông được ông Garien đưa đến thăm Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ. Ngày 7/3, Hocquard đi Bắc Ninh... Hocquard có chụp 2 tấm ảnh trước toà trú sứ của Pháp ở phố Hàng Gai, Hà Nội. Hai tấm ảnh này được khắc in trong sách của Hocquard. Trong ảnh có mặt Hocquard, trú sứ Bonnal, chưởng ấn Aumoitte, ông Castera, ông Piglowski và... 2 chiếc xe kéo. 

Chúng ta có thể suy đoán rằng bác sĩ Hocquard đã đến chào trình diện trú sứ Bonnal tại phố Hàng Gai, trong khoảng từ ngày 1 – 7/3/1884. Trú sứ Bonnal cho nhập 2 chiếc xe kéo của Nhật vào đầu năm 1884, nghĩa là trước khi Hocquard đến Hà Nội độ một, hai tháng. Hai chiếc xe kéo này được Bonnal đem ra "khoe" mọi người, trước khi đưa tặng Tổng đốc và trao cho thợ làm mẫu. 

Ngày 15/7/1886, Hà Nội có đua ngựa và đua "người ngựa" (tiếng Pháp là homme-cheval, chỉ phu kéo xe). 

Năm 1889 xe kéo làm tại Bắc Kì được mang sang trưng bày tại Đấu xảo Paris

***

Hà Nội có công ty dịch vụ xe kéo từ năm nào. Dựa vào tranh Oger (khắc in năm 1908-1909) Cu li xe đổi quần vẽ hai người phu kéo xe đang thay đổi quần áo có dấu hiệu của một công ty, thì có thể khẳng định rằng Hà Nội có công tyxe kéo trễ nhất là từ năm 1908. 

Trong Nam, xe kéo không được chào đón như ngoài Bắc. Một phần vì bà con ưa xe ngựa (xe thổ mộ), xe kiếng hơn. Một phần vì người ta hay đem ra chế giễu hình ảnh "ông Tây thực dân" to béo ngồi trên xe để một cu li gầy ốm, mồ hôi nhễ nhại kéo. 

Tuy vậy, xe kéo vẫn được nhiều người thừa nhận là một phương tiện chuyên chở tiện lợi. Người Âu thì không thắc mắc gì cả, cứ thản nhiên ngồi xe kéo. 

Năm 1888, hội đồng thành phố Sài Gòn cho phép một người Pháp được độc quyền kinh doanh dịch vụ xe kéo. Năm 1900 Sài Gòn có 395 chiếc xe kéo.

Cuối thế kỉ 19, nước ta có xe bò chở hàng.  Đầu thế kỉ 20, Sài Gòn có xe lửa, ô-tô bưu điện chạy đường Sài Gòn Tây Ninh. Hà Nội có tàu điện, xe kéo bánh cao su. 

Năm 1916, vua Khải Định ban sắc quy định từ nay trở đi, các Hoàng thân, Vương công, Đại thần trong chính phủ khi đi xe vào triều thì phải dừng đỗ xe ở bên ngoài cổng Nhật Tinh và cổng Nguyệt Anh; còn đình thần từ các văn võ ấn quan thì được dừng đỗ xe ở phía trước nhà của lính Túc vệ. 

Vua ngự trên xe điện đi qua cây cầu sắt, dân chúng hai bên đường chen chúc nhốn nháo kéo tới xem rất lộn xộn, trong khi các viên quan dẹp đường của phủ Thừa Thiên không có ai ra đàn áp. Vua Khải Định cùng là một trong số những người Việt Nam đầu tiên có xe hơi. 

Vào khoảng năm 1920, xe cộ công cộng, xe tư nhân bắt đầu nhộn nhịp. Thường dân ai sắm được chiếc xe đạp "bờ-rô" (Peugeot) đã là hạng khá. Có thể đi lấy le, đi vây với hàng xóm được rồi. Xe hơi thì chỉ có mấy ông quan lớn làm việc cho Pháp hay các điền chủ có ruộng cò bay mỏi cánh mới dám mơ tưởng. 

Ai cần đi đâu thì có xe ngựa, xe kéo. Xe kéo thuận lợi nhưng xã hội lại coi phu kéo xe là hạng người cực khổ, bị bóc lột sức lao động. Phóng sự Tôi kéo xe (1932) của Tam Lang đã gây tiếng vang lớn. Người đọc bất ngờ khám phá ra khía cạnh tối tăm, "bùn lầy nước đọng" của Hà Nội. 

Xe kéo "sống" đến năm nào? Năm 1952 Hà Nội còn lác đác xe kéo không hợp lẽ trời sinh. Đồng thời, Hà Nội lại có xích lô. Năm 1953, xe kéo Hà Nội rút lui, nhường chỗ cho xích lô. 

Gốc gác của xích lô là xe Triporteur ra đời năm 1906, là xe ba bánh có hòm để chở hàng. Xe triporteur người đạp ngồi đằng sau, được ta cải tiến thành xe ba bánh chở hàng và xe xích lô chở người. Cả hai loại xe này vẫn còn chạy cho đến tận ngày nay. 

Một thời Sài Gòn có thêm xích lô máy. Máy nổ, khói phun. Ít khách. Xích lô là biến âm của cycle (hay cyclo-pousse?). 

Có một thuyết khác về xe xích lô. Bàn về Xe cộ và thuyền bè Phan Cẩm Thượng cho biết:  “Khi xe đạp phương Tây xuất hiện ở phương Đông, người phương Đông đã dùng hai bánh xe đạp có lốp cao su chế thành loại xe kéo tay và xe đạp ba bánh (xích lô). 

(...) Loại xe ba bánh, ở Thượng Hải phổ biến loại xe lôi, mà người đạp ngồi phía trên, còn chỗ chở khách đặt phía sau. Loại xe này khi sang nước ta được cải tiến lại, người đạp ngồi phía sau, ghế khách đặt phía trước”.

Thế nhưng xe ba bánh người đạp ngồi đằng trước của Thượng Hải (và Ấn Độ ngày nay) có nguồn gốc khác xe xích lô người đạp ngồi đằng sau của Việt Nam. Xích lô không phải là xe ba bánh Thượng Hải được cải tiến. 

***

Thời mở cửa, kinh tế thị trường. 

Mấy thành phố lớn nước ta hăm hở bước vào sân chơi... ùn tắc giao thông. Đường phố nhỏ, hẹp. Ý thức giao thông còn... mới quá. Ngày nào cũng tái diễn cảnh xe đạp, xe máy, xe hơi chen nhau.  

Để giải quyết nạn kẹt xe có nơi cấm xe ba bánh, xích lô vì cồng kềnh, chậm chạp. Chỉ nương tay cho... xích lô du lịch thôi. Xích lô du lịch sạch sẽ, đẹp mắt hơn xích lô bình dân. Thật ra chẳng cần phải cấm, người ta quay sang lái xe ôm gần hết rồi. Xe ôm Honda, Yamaha, Suzuki đang nằm đầy trong đám kẹt xe kia kìa. 

Xe ôm thoải mái hơn xích lô. Người lái không mệt nhọc tay chân. Gặp đường dốc cũng không ngại. Xe ôm bình đẳng, thân thiện, không phân biệt giai cấp. Chủ và khách cùng ngồi ghế đệm, cùng hít thở khói xăng. Sang trọng hơn xe ôm thì có taxi có máy lạnh, sạch sẽ, kín đáo. 

Đọc thêm