14 đội thi tranh tài tại Hội thi Hoà giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV

(PLVN) - Ngày 8/11, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TW đã tổ chức Vòng thi toàn quốc, Hội thi Hoà giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV .

Hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong đời sống

Phát biểu khai mạc Hội thi, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TW nhấn mạnh, hoà giải ở cơ sở là phương thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp thông qua việc hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được sự thoả thuận, tự nguyện chấm dứt hành vi vi phạm, là hoạt động có ý nghĩa hết sức thiết thực trong đời sống. Thực tiễn thi hành Luật Hoà giải ở cơ sở cho thấy, ở những địa phương làm tốt công tác hoà giải thì tình hình an ninh, trật tự được giữ vững, hàng năm số vụ phạm pháp hình sự được kéo giảm.

Hoà giải ở cơ sở không chỉ là phương thức giải quyết tranh chấp có hiệu quả, triệt tiêu mầm mống dẫn đến tội phạm và những bất ổn xã hội mà còn là một phương thức an dân, vận động nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, nâng cao niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, góp phần giữ gìn kỷ cương xã hội, tạo lập môi trường thuận lợi để xây dựng đất nước, thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh”.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TW phát biểu khai mạc Hội thi.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TW phát biểu khai mạc Hội thi.

Để thực hiện chính sách khuyến khích các bên giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật bằng phương thức hòa giải ở cơ sở thì cần phải tiếp tục đổi mới và phát huy hiệu quả công tác này, gắn với việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò, ý nghĩa của hòa giải ở cơ sở và nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên.

Để Hội thi được tổ chức thành công, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị mỗi Đội thi thực hiện thật tốt phần thi của mình, thể hiện sự tinh thông kiến thức pháp luật và sử dụng nhuần nhuyễn kỹ năng hòa giải, dân vận khéo trong hóa giải những tình huống mâu thuẫn, tranh chấp trong cuộc sống. Đây chính là sự cổ vũ, động viên cho những đóng góp, cống hiến của đội ngũ hòa giải viên trong đời sống xã hội, góp phần xây dựng quê hương yên bình, đất nước giàu đẹp.

Đồng thời đề nghị Ban Giám khảo làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, thật sự khách quan và công tâm khi đánh giá, chấm điểm các phần thi để chọn những Đội thi xuất sắc nhất, tiêu biểu nhất để vinh danh, biểu dương.

Phát biểu chào mừng Hội thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn bày tỏ vinh dự khi thủ đô Hà Nội được chọn là nơi đăng cai tổ chức Vòng thi toàn quốc của Hội thi Hoà giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV. Đồng thời khẳng định, đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (09/11) – Ngày hội tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giá trị pháp quyền Việt Nam Xã hội chủ nghĩa và những người làm công tác pháp luật.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu chào mừng Hội thi.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu chào mừng Hội thi.

Ông Sơn cho biết, với gần 5.000 tổ hoà giải với hơn 32.000 hoà giải viên, trong 10 năm qua, các hoà giải viên trên địa bàn thành phố Hà Nội đã giải quyết được nhiều vụ việc, tranh chấp, mẫu thuẫn phát sinh trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội giữ gìn trật tự xã hội, hội nhập quốc tế, vì một thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Kết quả này có được là nhờ sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền; sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp từ cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đặc biệt là sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội, đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở.

Qua đó, ông Lê Hồng Sơn hy vọng, Hội thi Hoà giải viên toàn quốc lần thứ IV là dịp để biểu dương các hoà giải viên xuất sắc; là cơ hội để các hoà giải viên học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, kiến thức pháp lý, kỹ năng hoà giải; qua đó góp phần nâng cao nhận thức xã hội về vị trí, vai trò của công tác hoà giải ở cơ sở.

Khắc hoạ rõ nét vai trò của hòa giải viên trong giải quyết mâu thuẫn

Tại Hội thi, 14 đội thi xuất sắc gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Ninh Bình, Tây Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc lần lượt thực hiện các phần thi giới thiệu, lý thuyết và tiểu phẩm của mình.

Các đội thi đều thể hiện tinh thần phấn khởi, tươi vui và sự nhiệt huyết, nghiêm túc của mình. Ở phần thi giới thiệu, với thời lượng 5 phút, các đội thi đã giới thiệu cho Ban Giám khảo và khán giả công tác hoà giải ở cơ sở của địa phương cũng như những địa danh thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, phong tục tập quán truyền thống quê hương mình qua những câu ca, điệu hò, bài vè mượt mà, sâu lắng.

Ở phần thi hòa giải khéo, các đội đã nêu được quy định pháp luật đối với tranh chấp cần hòa giải, từ đó phân tích, nhận diện các mâu thuẫn, tranh chấp và nguyên nhân. Trên cơ sở dẫn chiếu các quy định của pháp luật, dựa vào kinh nghiệm sống, kiến thức, hiểu biết xã hội, các đội thi đã đưa ra phương án hòa giải đối với các tình huống của Ban Tổ chức.

Đặc biệt, trong phần thi tiểu phẩm, các đội thi đều thể hiện sự sáng tạo và mang đậm dấu ấn riêng với nhiều tiểu phẩm hấp dẫn, có chủ đề và thông điệp rõ ràng, phản ánh các mâu thuẫn, tranh chấp có thật thường nảy sinh trong cuộc sống. Đội Thanh Hoá đã thể hiện tình huống mâu thuẫn vợ chồng trong việc nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng mang tên “Sáng mãi niềm tin”. Nhờ có hòa giải viên đã hóa giải những mâu thuẫn của họ, qua đó góp phần hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công dự án đúng tiến độ được giao. Đội thi Tây Ninh gây ấn tượng bằng việc thể hiện vai trò của người làm hòa giải trong hóa giải mâu thuẫn giữa vợ chồng, cha và con gái trong việc có các hành vi bạo lực gia đình thông qua hình thức thơ ca, hò vè.

Đội Hà Nội đã khắc hoạ rõ nét tình huống về mâu thuẫn gia đình, từ đó đi vào chiều sâu tâm lý, nâng cao tinh thần hoà giải, đề cao tình anh em, gia đình thông qua tiểu phẩm “Anh em hoà thuận là nhà có phúc”. Câu chuyện kể về việc tranh chấp tài sản, di sản của bố mẹ để lại cho hai anh em trong gia đình. Anh trai và chị dâu hiện đang sống trong một ngôi nhà 100m2, còn cô em gái, do hoàn cảnh khó khăn nên muốn anh chị chia cho ngôi nhà 50m2 trong ngõ để ở, tuy nhiên chị dâu lại không đồng ý. Lời qua tiếng lại, mâu thuẫn ngày càng lên cao, các hoà giải viên đã kịp thời có mặt, vừa dùng lý lẽ, vừa dùng tình cảm để khuyên giải hai anh em, không nên vì thế mà đánh mất tình cảm máu mủ, ruột thịt. Dưới sự khuyên giải của hoà giải viên, nguồn cơn tranh cãi của chị dâu – em chồng bỗng chốc được hoá giải.

Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 31/12/2022 cả nước có 86.414 tổ hòa giải với 540.740 hòa giải viên. Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải trên cả nước tiến hành hòa giải trên 100.000 vụ, việc tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, đạt tỷ lệ hòa giải thành trên 80%. Với chủ trương tăng cường quyền làm chủ của người dân trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải ở cơ sở, yêu cầu công tác này cần phải được tiếp tục quan tâm, đổi mới và phát huy hiệu quả hơn nữa.

Đọc thêm