Chiều 13/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST).
Tham gia thảo luận, Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) nêu quan điểm, phát triển KHCN và ĐMST đòi hỏi sự tham gia của Nhà nước, thị trường và xã hội. Trong đó, Nhà nước cung cấp khung pháp lý, đầu tư hạ tầng và nguồn lực ban đầu. Thị trường chuyển đổi các kết quả thành sản phẩm và dịch vụ có giá trị. Xã hội định hình nhu cầu, cung cấp tri thức và giám sát để bảo đảm tính bền vững.
Đối với Nhà nước, dự thảo Luật đã thể hiện vai trò này thông qua các quy định về định hướng chiến lược tại Điều 11 và Điều 13; tạo điều kiện tài chính thông qua cơ chế Quỹ tại Điều 38 và 63, ưu đãi thuế (Điều 67, 68) và xây dựng hạ tầng, đầu tư cơ sở vật chất tại các Điều 56, 57 và 59.
Tuy nhiên, các quy định trong dự thảo chưa tạo ra một cơ chế liên kết chặt chẽ giữa ba bên, dễ dẫn đến tình trạng “việc ai đấy làm”. Vì vậy, Đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định nhằm xác lập cơ chế đối thoại và phối hợp với sự tham gia của đại diện Chính phủ, doanh nghiệp (DN), cơ sở nghiên cứu và tổ chức xã hội. Cơ chế này sẽ xác định các nhiệm vụ ưu tiên, đánh giá hiệu quả chính sách và đề xuất chiến lược, định hướng trong phát triển KHCN và ĐMST.
Đối với thị trường, dự thảo đã nhấn mạnh vai trò của DN thông qua các quy định như: Điều 33 thúc đẩy hệ thống ĐMST lấy DN làm trung tâm; Điều 66 khuyến khích mua sắm sản phẩm KHCN trong nước; Điều 36 và Điều 39 hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo.
Tuy nhiên, Đại biểu đề nghị bổ sung vào Điều 66 các ưu đãi cụ thể như: Miễn lãi suất vay vốn trong 3-5 năm đầu; Bảo lãnh tín dụng. Bổ sung cơ chế “voucher ĐMST” vào Điều 68. Theo đó, cho phép các DN, nhất là DN nhỏ và vừa, sử dụng các voucher này để chi trả cho dịch vụ nghiên cứu, tư vấn, hoặc công nghệ từ các viện nghiên cứu và trường đại học. Đây là cơ chế đã được nhiều quốc gia áp dụng thành công.
Đối với xã hội, dự thảo đã đề cập đến vai trò của xã hội qua các quy định tại Điều 10, 51, 52.
Tuy nhiên, Đại biểu đề nghị bổ sung quy định về truyền thông và giáo dục KHCN và ĐMST; quy định khuyến khích các sáng kiến từ cộng đồng. Ví dụ, có thể xem xét bổ sung vào Điều 5 quy định về Cuộc thi ĐMST Quốc gia hướng tới kỷ niệm Ngày KHCN và ĐMST Việt Nam.
Về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox), theo Đại biểu Nghĩa, tiêu chí lựa chọn dự án thử nghiệm là hết sức quan trọng, phải được xác định rõ trong Luật. Do đó, Đại biểu đề nghị bổ sung khoản 5 vào Điều 20 các tiêu chí lựa chọn dự án thử nghiệm như: Có tính ĐMST cao, ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ số, hoặc công nghệ xanh; Có tiềm năng tác động kinh tế - xã hội đáng kể và Có kế hoạch quản lý rủi ro rõ ràng, đảm bảo an toàn cho người tham gia và môi trường.
Bên cạnh đó, điểm c khoản 1 Điều 21 dự thảo Luật quy định miễn trách nhiệm hình sự; điểm c khoản 2 Điều này cho phép sử dụng trách nhiệm dân sự thay thế cho trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo Đại biểu Nghĩa, dự thảo lại không có quy định cụ thể về tiêu chí, thẩm quyền quyết định việc miễn trừ.
Do đó, vị Đại biểu Đoàn Lạng Sơn đề nghị bổ sung; đồng thời, sửa đổi quy định tương ứng trong Bộ luật Hình sự để một mặt khuyến khích ĐMST hợp pháp, mặt khác, không bỏ lọt tội phạm và tránh tình trạng thử nghiệm tràn lan, gây nguy hại cho xã hội.
Cùng quan tâm đến các cơ chế, chính sách, Đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn Quảng Nam) đề nghị xem xét bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích đồng tài trợ giữa DN và cơ sở giáo dục đại học trong thực hiện nhiệm vụ KHCN. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu có quy định khuyến khích thu hút nguồn lực từ xã hội, nguồn lực hợp pháp khác để xây dựng quỹ KHCN, quỹ đầu tư/quỹ đầu tư mạo hiểm tại các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, tổ chức KHCN theo quan điểm “toàn dân và toàn xã hội tham gia phát triển KHCN và ĐMST”. Hiện dự thảo Luật mới đề cập đến quỹ KHCN quốc gia và địa phương.
Về quy định hỗ trợ lãi suất tại Điều 66, ngoài hỗ trợ cho tổ chức, theo Đại biểu Thắng cần nghiên cứu hỗ trợ lãi suất cho cả cá nhân, nhằm thúc đẩy tối đa các hoạt động nghiên cứu khoa học trong toàn xã hội.