Tàu ngầm nguyên tử Kursk hạ thủy năm 1994, được biên chế vào Hạm đội Phương Bắc năm 1995. Kursk là một trong những tàu tối tân và hiện đại nhất của Hải quân Nga thời bấy giờ. Tàu dài 154 mét, cao 4 tầng, rộng 18,2 mét, trọng tải 23.860 tấn; tốc độ chạy dưới nước tối đa 28 hải lý, chạy trên mặt nước 32 hải lý, lặn sâu tối đa 500m và có thể hoạt động độc lập 120 ngày.
Kursk là loại tàu ngầm lớn thứ 3 của thế giới. Tàu được trang bị 24 tên lửa Granit siêu âm có cánh dùng để tiêu diệt tàu sân bay và tàu chiến trên mặt nước, có hiệu quả trong khoảng cách 500km. Ngoài ra, Kursk còn được trang bị 24 tên lửa chống tàu ngầm và ngư lôi đa năng có thể tự tiêu diệt mục tiêu đối phương trong khoảng 50-80km; hai máy phóng ngư lôi cỡ 650mm và bốn máy phóng cỡ 533mm dùng để phóng ngư lôi chống ngầm hoặc tên lửa diệt hạm tầm ngắn như RPK-2 Viyuga hay RPK-7 Vorobei với tầm bắn từ 45km đến 120km.
Nhiệm vụ chính của Kursk là theo dõi các tàu sân bay của đối phương ngoài đại dương. Chiếc tàu này từng có thành tích theo dõi, giám sát thành công Hạm đội 6 của Mỹ tại biển Địa Trung Hải trong chiến tranh Nam Tư năm 1997. Vậy vì sao một trong những con tàu ngầm hiện đại này lại bị tai nạn. Vụ nổ được cho là một trong những tai nạn thảm khốc nhất đối với lực lượng hải quân Nga.
Thảm họa diễn ra vào ngày 12/8/2000 khi tàu tham gia cuộc tập trận của Hạm đội Phương Bắc và bị đắm ở độ sâu 108m dưới đáy biển Baren. Mọi công tác cứu hộ đều không đem lại kết quả, 118 thuỷ thủ và sĩ quan trên tàu Kursk đều thiệt mạng.
Có rất nhiều giả thuyết khác nhau về tai nạn của chiếc tàu ngầm hạt nhân tối tân Kursk như việc quả ngư lôi phát nổ là do có lỗi trong phần thiết kế hay Nga đã vi phạm những quy định bảo dưỡng và cất giữ vũ khí...
Tuy nhiên, theo kết luận cuối cùng của Ủy ban Điều tra của Chính phủ Nga, nguyên nhân của vụ chìm tàu là do một vụ nổ xảy ra trong khi tàu đang chuẩn bị phóng thủy lôi. Vụ nổ đầu tiên đã tạo ra sức nóng kích hoạt các đầu đạn trên thủy lôi khiến một loạt các vụ nổ lớn khác xảy ra sau đó, đánh đắm con tàu.
Các nhà điều tra khẳng định vụ nổ thứ nhất xảy ra do hợp chất hyđrô rò rỉ từ những vết nứt nhỏ bên ngoài vỏ quả ngư lôi. Vụ nổ tương đương 100 - 200kg thuốc nổ TNT, tạo ra chấn động 2,2 độ richter. Ngay lập tức, tàu Kursk chìm xuống độ sâu 108 mét. Sau 135 giây, tiếp tục có loạt vụ nổ thứ hai tương đương 3 - 7 tấn thuốc nổ TNT, chấn động đo được là 3,5 - 4,4 độ richter. Và tàu Kursk đã bị hư hại nặng sau loạt vụ nổ này.
Ngày 22/8/2000, Tổng thống Nga V. Putin đã ra Sắc lệnh tuyên bố ngày 23 tháng 8 là ngày Quốc tang của Nga để tưởng nhớ 118 sĩ quan và thủy thủ đã hy sinh trên tàu ngầm nguyên tử Kursk. Theo Sắc lệnh của Tổng thống, ngày 23/8, trên toàn lãnh thổ Liên bang Nga sẽ treo cờ rủ, các cơ quan văn hóa và các hãng truyền hình ngừng mọi hoạt động và chương trình vui chơi giải trí.
Cả thế giới cùng chia sẻ tổn thất quá lớn này với đất nước, với người thân của thủy thủ đoàn. Có thể nhìn thấy chân dung các thủy thủ Kursk trên tường những ngôi nhà ở Venezia (Italia). Một nhà thơ Trung Quốc cũng đã viết bản trường thi “Khúc ai điếu Kursk”. Ở Hà Lan đã dựng vở kịch, trong đó nêu danh tính toàn thể các thủy thủ Nga đã hy sinh. Tại London, một tác phẩm sân khấu ca ngợi lòng can đảm của các chiến sĩ Nga cũng đã được dàn dựng.
Kể từ thảm họa Kursk, quan điểm của Chính phủ Nga đối với Hải quân đã thay đổi. Chính phủ Nga đã tăng đầu tư cho lực lượng Hải quân và nâng cấp cho lực lượng này, trong đó có hạm đội tàu ngầm. Tàu ngầm hạt nhân được coi là một trong những vũ khí sắc bén nhất của lực lượng quốc phòng Nga.
Cho đến nay, vẫn có nhiều giả thuyết mới được nêu ra về nguyên nhân tai nạn. Chỉ có một điều chắc chắn rằng, những thủy thủ trên con tàu ngầm đã hoàn thành nhiệm vụ đến giây phút cuối cùng. 14 năm đã trôi qua, nhưng người dân Nga vẫn nhớ đến họ như những vị anh hùng của Tổ quốc.