Ngày 28/12, trong điều kiện thời tiết bão lớn, phi công của chuyến bay QZ8501 đã yêu cầu được tăng độ cao nhưng không được cho phép ngay lập tức vì lưu lượng máy bay dày đặc tại khu vực. Chỉ ít lâu sau, chiếc máy bay biến mất khỏi màn hình radar. Tổng cộng 162 người đã bị rơi xuống biển cùng với chiếc Airbus A320-200. Cho đến nay mới tìm thấy 51 thi thể. Các hộp đen của máy bay cũng đã được trục vớt và các thợ lặn vẫn đang tìm cách tiếp cận phần thân chính của máy bay với hy vọng tìm được thêm nhiều nạn nhân nữa.
Trong những năm gần đây, lĩnh vực hàng không của khu vực Đông Nam Á có tốc độ tăng trưởng vào mức nhanh nhất thế giới, đặc biệt là ngành hàng không Indonesia, nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ về mặt kinh tế và nhóm người thuộc tầng lớp trung lưu đang tăng mạnh. Theo các nhà quan sát, hầu hết các hãng hàng không ở khu vực đã có những tiến bộ về an toàn. Song, việc thiếu các nhân viên được đào tạo bài bản cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng tử tế để đối phó với việc số máy bay lưu thông đang ngày càng tăng là một điều đáng lo ngại.
Ông Shukor Yusof – người sáng lập Công ty nghiên cứu hàng không Endau Analytics có trụ sở tại Malaysia – cho rằng, Malaysia và Singapore đã bắt kịp với tốc độ gia tăng của các chuyến bay nhưng các nước khác, đặc biệt là Indonesia, lại không được như vậy. “Indonesia cần phải dành thêm thời gian và nỗ lực để cải thiện khả năng đối phó với vấn đề này” – ông Yusof nói, đồng thời cho biết các lĩnh vực cần chú ý gồm đào tạo, cơ sở hạ tầng và an toàn.
Một số nhà phân tích lo ngại về năng lực xử lý tình huống của hệ thống kiểm soát không lưu tại Đông Nam Á, dù vẫn chưa có chỉ dẫn cho thấy đây là nguyên nhân khiến máy bay của AirAsia bị rơi hôm 28/12 khi đang trên đường từ Surabaya của Indonesia tới
Singapore. “Câu hỏi thực sự là tính chuyên nghiệp của các bộ phận điều khiển không lưu” – ông Greg Waldron, Biên tập viên mảng châu Á của Tạp chí hàng không Flightglobal, nhận định.
Áp lực kiểm soát không lưu được phát hiện là một phần nguyên nhân dẫn đến vụ máy bay chở khách Sukhoi của Nga rơi xuống một ngọn núi ở đảo chính Java của Indonesia hồi tháng 5/2012 khiến 45 người trên máy bay thiệt mạng. Cụ thể, theo một báo cáo của các nhà điều tra, nguyên nhân chính của vụ việc được cho là do phi cơ đã phớt lờ các báo động từ hệ thống cảnh báo của máy bay. Tuy nhiên, nhân viên kiểm soát không lưu tại Jakarta cũng được ghi nhận đã quá tải khi phải liên lạc với 14 máy bay ở cùng thời gian đó. Hệ thống radar không phù hợp cũng không cảnh báo máy bay rằng nó đang bay quá chậm theo đúng chức năng của bộ phận này.
Những người khác cũng bày tỏ lo ngại về sự lỏng lẻo trong khâu an toàn, như vụ việc 2 máy bay suýt đâm phải nhau tại sân bay ở Đà Nẵng của Việt Nam hồi năm ngoái do thực tập sinh trẻ được giao nhiệm vụ điều khiển một đường băng đông đúc. Một vấn đề đáng lo ngại khác là việc thiếu các phi công được đào tạo bài bản khi các hãng hàng không mở rộng nhanh chóng. Ví dụ, Hãng hàng không giá rẻ của Indonesia Lion Air trong những năm gần đây đã có 2 đơn hàng lớn nhất thế giới, trị giá đến 46 tỉ USD. Ông Waldron cho hay, mỗi máy bay cần 5 đến 6 phi công, do đó tình hình trên là một thách thức thực sự.
Ngoài ra, các nhà quan sát cho rằng, chỉ các phi công và nhân viên kiểm soát không lưu giỏi là chưa đủ mà các hãng hàng không còn cần thêm nhiều nhân viên có kinh nghiệm trong cả ngành, từ các công nhân bảo dưỡng cho đến các thanh tra an toàn./.