15 phút bi tráng ở New Caledonia

(PLO) -Trong lịch sử các cuộc chiến đấu chống khủng bố, GIGN đã có những trận đánh giành chiến thắng vang dội với tỷ lệ thương vong rất hãn hữu. Trong đó, trận chiến tiêu diệt khủng bố tháng 5/1988 trên đảo New Caledonia trong 15 phút lại là cuộc chiến bi tráng, rung động lòng người. 
Lực lượng GIGN triển khai hành động
Lực lượng GIGN triển khai hành động

Người Kanaka tập kích hiến binh

Trước lúc bình minh ngày 22/4/1988, trên đảo New Caledonia xảy ra sự kiện bất ngờ. Trong tĩnh lặng, một loạt súng nổ xé toang sự bình yên, đánh thức những cư dân đang ngủ say. Ngay sau đó, 30 tên bịt mặt xông vào trong doanh trại phân đội hiến binh số 1 của Pháp đồn trú ở Ouvea. Chúng nhả đạn vào số hiến binh Pháp còn đang mơ ngủ không hề thương tiếc.

Doanh trại trở nên rối loạn, hầu hết các hiến binh Pháp bị bắt, bị trói và dồn vào một góc. Đội trưởng Adeson quờ tay chụp lấy máy điện thoại gào lên: "Hỏng rồi, chúng tôi ở đây đã có chuyện, nhanh...".

Chưa hết câu anh đã bị bọn khủng bố kề mã tấu sắc lạnh sau gáy. Khoảng nửa tiếng sau, khi lực lượng tiếp viện của hiến binh Pháp từ sở chỉ huy ở đảo New Caledonia kéo sang thì trong doanh trại trống rỗng, ngoài 4 xác chết thì 27 người của lực lượng hiến binh đã mất tích. 

Quần đảo New Caledonia là một trong những lãnh thổ thuộc địa của Pháp ở Thái Bình Dương. Trên đảo có khoảng 150.000 cư dân, trong đó có 7 vạn người Kanaka bản địa. Số người di cư, người gốc Pháp và châu Âu khoảng 6 vạn còn lại là người châu Á, người Balevey và người Hoa.

Từ lâu, người Kanaka đã kiên cường tiến hành cuộc đấu tranh nhằm giành độc lập cho New Caledonia. Họ thành lập "Mặt trận giải phóng dân tộc xã hội chủ nghĩa Kanaka" với nhiều phần tử cấp tiến đấu tranh quyết liệt với chính quyền thủy Pháp. Họ tập kích và bắt cóc hiến binh Pháp nhằm cảnh cáo chính phủ Pháp để nhanh chóng giành quyền độc lập.

Nhận được tin dữ, 6 giờ 30 phút sáng, Tổng thống Pháp Mitterrand triệu tập họp nội các khẩn cấp tại phủ Tổng thống. Sau khi bàn luận, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Bernard Pons, người am hiểu tình hình tại đảo New Caledonia, đề xuất: "Hãy giao nhiệm vụ này cho "Đội áo đen" của chúng ta lo liệu?" và Tổng thống Mitterrand đồng ý.  

Đội của Larers, một trong những lực lượng tinh nhuệ của GIGN, được nhận nhiệm vụ đặc biệt này. Sau vài giờ chuẩn bị, họ bay đến đảo New Caledonia, triển khai truy tìm tung tích của 27 hiến binh bị bắt cóc Đảo Ouvea.

Nhưng trong 3 ngày 3 đêm, họ không tìm thấy bóng dáng của con tin nào cả. Đúng lúc lâm vào thế bí, thì ngày 2/4, người Kanaka bất ngờ thả tự do cho 12 con tin. Nhờ lực lượng được thả này mà đặc nhiệm đã xác định được địa điểm các con tin bị giam giữ trong hang đá lớn ở khu rừng rậm, phía Bắc của đảo Ouvea.

Đàm phán và hành động

Larers thuyết phục quan chức Tòa án trên đảo tên là Beakeni, một người quen với Kanaka, dẫn đội đặc nhiệm vào hang đàm phán. Hơn 8 giờ ngày 27/4, nhóm Larers với 6 người cải trang thành vệ sĩ riêng của Beakeni tiến vào khu vực gần hang núi, nơi các con tin bị giam giữ.

Hang nằm ở sườn một vực núi dốc, xung quanh đều là những vách đá dựng đứng lởm chởm, có duy nhất một lối mòn dẫn đến cửa hang. Cửa hang bị cây cối che khuất bởi những khối đá, rất thuận lợi cho ẩn nấp, tấn công. 

Khi đến gần cửa hang thì bất ngờ có mấy kẻ lạ mặt bước ra đánh ngã Beakeni và Larers, 5 người đi cùng cũng bị bắt. Họ bị giải vào trong hang tối, nơi có khoảng 50 người Kanaka. Trên nóc hang có trạm gác canh gác, bố trí lưới hỏa lực dày đặc, có thể hạ gục người bên trong chạy ra và lực lượng bên ngoài cũng khó có thể xâm nhập.

Sau một hồi mềm mỏng thuyết phục lẫn đe dọa, người Kanaka đồng ý để Beakeni đóng vai trò trung gian đàm phán với Chính phủ Pháp. Beakeni nói với Larers: "Thủ lĩnh của họ đồng ý để anh quay về nói lại rằng họ đồng ý đàm phán. Trước 10 giờ sáng mai anh phải trở lại, nếu không các con tin sẽ bị bắn chết". 

Larers về báo cáo lên Bộ trưởng thuộc địa những điều kiện của người Kanaka: Thứ nhất, rút toàn bộ quân Pháp ra khỏi New Caledonia; thứ hai, hủy bỏ cuộc bầu cử địa phương; thứ ba, nhanh chóng xúc tiến đàm phán về vấn đề New Caledonia độc lập.

GIGN có mặt ở nhiều sự kiện quan trọng do nước Pháp tổ chức.
GIGN có mặt ở nhiều sự kiện quan trọng do nước Pháp tổ chức.

Tất nhiên, Chính phủ Pháp không chấp nhận những điều kiện do người Kanaka đưa ra, nhưng đồng ý tiếp tục đàm phán. Do khác biệt quá lớn trong quan điểm, lập trường của hai bên, nên cuộc đàm phán sau đó đi vào ngõ cụt. Nhờ quá trình đi đi về về chuyển thông tin giữa các bên, Larers ghi nhận được địa hình và tình hình trong hang, bí mật đưa vào 2 khẩu súng ngắn và dụng cụ mở còng tay. 

Gần sáng ngày 5/5, khi sương mù còn chưa tan hàng trăm hiến binh Pháp đã vây kín xung quanh khu vực hang núi. Mọi công tác chuẩn bị đã xong, lực lượng đột kích ở trong và ngoài hang đã sẵn sàng. Sau khi nhận được lệnh của Thủ tướng Jacques Chirac, chiến dịch giải cứu mang tên "Chiến dịch thắng lợi" mở màn. 

15 phút giải cứu

Lúc 5 giờ 15 phút sáng, 12 lính đặc nhiệm đầu đội mũ nồi đỏ, mặc quân phục rằn ri, mang súng tiểu liên tiến công, lưng giắt lựu đạn, dao găm, trèo lên ba chiếc trực thăng "Pettit Bouquetin” cơ động đến hang núi.

Dưới sự yểm trợ của trực thăng, hiến binh Pháp mở cuộc tấn công. Người Kanaka dựa vào địa thế hiểm yếu đánh lui nhiều đợt tấn công của quân Pháp. Lúc này, các con tin lợi dụng sự hỗn loạn, sử dụng dụng cụ mở khóa, tự giải phóng cho nhau.

Hai tên lính canh giữ họ bị đánh gục, hai khẩu súng trường tự động rơi vào tay các con tin. Những người khác cũng vơ lấy tất cả những thứ có thể sử dụng làm vũ khí. Người Kanaka phát hiện biến động tại khu vực giam giữ con tin, vội cho lực lượng đến ngăn cản, nhưng lập tức bị hỏa lực súng trường và súng ngắn chặn lại. Hai bên ở trong thế giằng co, người Kanaka không tiến lên được, con tin cũng không thoát được ra ngoài.

Trong giây phút nguy cấp, ba chiếc trực thăng "Pettit Bouquetin" trong màu sơn loang lổ lao đến. Một chiếc nhằm thẳng phía cửa hang, hai chiếc quần đảo xả súng bắn quanh khu cửa hang, pháo trên máy bay bắn như vãi đạn làm cửa hang phút chốc tan hoang.

Balarc hướng kính ngắm laser vào một tảng đá nhô lên gần cửa hang, ấn nút phóng. 60 phát đạn bay như mưa vào tảng đá gây ra những tiếng nổ đinh tai nhức óc. Những hỏa điểm người Kanaka bố trí gần cửa hang lần lượt bị tiêu diệt. 

Lúc này, Larers phát hiện mấy tên từ trong hang nhảy ra ngoài, lẩn sau các lùm cây, từ đó tỏa ra một làn khói trắng đang di chuyển rất nhanh. Đoán người Kanaka định cho nổ phá hang, Larers vội vã gào lên với Balarc:

"Bay đến gần cửa hang, tôi sẽ nhảy xuống". "Xuống nữa, thấp chút nữaa!”. Lúc này máy bay chỉ còn cách cửa hang khoảng 5 - 6 mét, Balarc dựa vào khả năng điều khiển điêu luyện vẫn rèn luyện hàng ngày, cho máy bay treo cố định trên cửa hang. 

"Nhảy xuống!" - Larers gào lên và lao xuống phía dưới, hai lính khác cũng nhanh nhẹn nhảy xuống theo. Khi tiếp đất, Larers chồm dậy chạy vào cửa hang, hai lính đặc nhiệm kê súng bắn yểm trợ, gìm đầu bọn khủng bố. Larers tranh thủ cơ hội này lao vào phía trong, dùng dao cắt đứt sợi dây cháy chậm đang tỏa khói.

Bỗng phía sau vang lên một tiếng nổ kinh hồn, chiếc "Pettit Bouquetin" của Balarc điều khiển bùng cháy như một ngọn đuốc xoay tròn và rơi xuống miệng vực. Để yểm trợ cho nhóm Larers, Balarc đã cho máy bay bay quá thấp, đạn của người Kanaka bắn thủng thùng xăng máy bay bắt lửa bùng cháy.

Trong cơn cuồng nộ, Larers vừa chạy vừa nã đạn về hướng những kẻ khủng bố nhưng một trái lựu đạn bất thần bùng nổ gần người Larers, khiến anh ta bị thương nặng, máu nhuộm đỏ mặt đất. 

Sau 15 phút chiến đấu quyết liệt, 18 người Kanaka bị tiêu diệt, 6 người bị thương, tên cầm đầu đã chết trên đường chuyển đến bệnh viện gần đó. "Đội áo đen" hy sinh hai người, một trực thăng "Pettit Bouquetin" bị rơi. Thượng úy, Đội trưởng Larers bị thương nặng, nằm mê man suốt 2 ngày mới thoát khỏi nguy hiểm, giữ được mạng sống. 

Chiến thắng trở về Paris, đội đặc nhiệm được chào đón nồng nhiệt. Trong buổi lễ mừng công long trọng, Thượng uý Larers được tặng thưởng Huân chương Vinh dự và 500.000 phrăng để biểu dương những cống hiến xuất sắc của anh.

Hai lính đặc nhiệm hy sinh, ngoài danh hiệu cao quí "Anh hùng nước Pháp" được truy tặng, mỗi gia đình của người hy sinh còn được nhận 1 triệu phrăng. Tổng thống Pháp Mitterrand còn trực tiếp gọi điện chia buồn với thân nhân họ. 

Chiến dịch giải cứu con tin trên đảo New Caledonia không chỉ là chiến dịch quân sự có quy mô lớn nhất của Chính phủ Pháp tại hải ngoại kể từ sau năm 1962 mà còn là một ví dụ đặc sắc trong lịch sử đấu tranh chống khủng bố trên thế giới, được dư luận quốc tế đánh giá rất cao.

Đọc thêm