Đã có 150 trường, cơ sở giáo dục ngoài công lập cùng gửi cầu khẩn tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19).
Trong thư, các đơn vị trình bày, khẩn cầu hỗ trợ quan trọng liên quan đến sinh mệnh của các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Theo các cơ sở này, nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, 80% số cơ sở giáo dục ngoài công lập được khảo sát bị sụt giảm doanh số trên 50%, và 90% số cơ sở này có nguy cơ phá sản do không cân đối được thu chi,...
Các chủ trường cho rằng, nếu không có sự can thiệp mạnh thì mọi thành quả hơn 20 năm đầu tư vào giáo dục tư nhân sẽ bị đẩy lùi và mất trắng. Hiện tại, những cơ sở này đang phải dùng đủ mọi cách tự xoay sở nguồn vốn, kể cả dùng tiết kiệm của gia đình.
Trong thư kiến nghị nêu dẫn chứng “Trung bình chi phí đầu tư một cơ sở ngoại ngữ vừa phải tốn từ 2-5 tỷ đồng và sử dụng ít nhất là 30 lao động. Nếu chỉ cần 1.000 trung tâm ngoại ngữ đóng cửa thì hàng nghìn tỷ đồng sẽ bị mất trắng và hơn 30,000 lao động, trong đó có các thầy cô giáo, nhân viên, các bảo vệ, lao công, sẽ mất việc”.
Vì vậy, các trường khẩn thiết đề nghị các cơ quan Đảng và Nhà nước xem xét và thông qua một gói các phương án hỗ trợ thiết thực cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Trong thư cũng nêu 5 phương án hỗ trợ như: trong tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, cho phép các cơ sở đào tạo ngoài công lập được nhanh chóng hoạt động trở lại để phục vụ học sinh, chương trình học tập đúng tiến độ, có doanh thu đảm bảo đời sống cho giáo viên; Ngân hàng Nhà nước cần xem xét giảm lãi suất cơ bản; Miễn, giảm, giãn, hoãn, chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí, trong đó có việc giảm thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất và mặt bằng cơ sở giáo dục, bảo hiểm xã hội; Công nhận tính pháp lý của việc dạy và học trực tuyến cũng như kết quả các chương trình học trực tuyến...
Đề xuất trên "vấp" phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận cũng như phụ huynh học sinh.
Có phụ huynh thông cảm với các trường tư thục. Phụ huynh tên Thủy ở TP HCM viết: “Mầm non tư thục số lượng các bé ít. Thiết nghĩ nên linh động để các trường mầm non tư thục hoạt động lại. Bố mẹ nào thu xếp được hoặc không an tâm thì có thể cho con nghỉ ở nhà. Còn không thu xếp được thì có thể linh động gửi con. Chứ cứ để nghỉ hoài thế này cũng tội cho trường và các cô...
Chị Nguyễn Hồng Nhung (Nghĩa Tân, Cầu Giấy) hàng ngày phải đi làm, cậu "quý tử" học lớp 6 đành “nhốt” ở trong nhà. Con "tự học thì ít, xem tivi và game thì nhiều" nên chị cho rằng, việc cho con đi học trở lại sẽ giúp con “cai” game, ti vi. “Ai cũng thương con nhưng không cho con đi học 1 năm là kiến thức về số 0, chưa kể gia đình mới là nguồn lây chính”, chị Nhung nêu ý kiến.
Đang đau đầu khi liên tục phải là “hòa giải viên” cho hai con trai, anh Hà Quang Huy (quận 1, TP HCM) đồng tình với quan điểm trên. “Trường mở lại để phụ huynh nào có nhu cầu về người trông nom thì gửi. Tôi ủng hộ đi học lại càng sớm càng tốt. Mình hiểu rõ cơ chế của bệnh này, phòng tránh đầy đủ thì không sao hết”.
Tuy nhiên, phần lớn ý kiến không đồng tình, tỏ ra lo lắng nếu các trường tư hoạt động trở lại khi dịch Covid - 19 còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Theo chị Nguyễn Thị Hường (Ba Đình, Hà Nội), tình hình dịch Covid- 19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới Trong nước dịch cũng có diễn biến mới. "Học sinh nhỏ tuổi, đặc biệt là nhóm mầm non, sức đề kháng yếu, các con hiếu động, chưa biết tự bảo vệ bản thân, nguy cơ lây nhiễm cao. Nhà trường sẽ kiểm soát thế nào nếu có một học sinh bị nhiễm? Trong trường hợp cả lớp và gia đình học sinh bị cách ly thì sẽ thế nào? Trường hợp đồng nghiệp của phụ huynh học sinh đó cũng bị cách ly thì không chỉ trường mà đơn vị khác cũng ảnh hưởng”, chị đặt câu hỏi.
Nhiều phụ huynh cũng trăn trở nếu chuẩn bị cho con tới trường. “Ngoài việc cam kết vệ sinh phòng dịch với cấp quản lý, chủ trường cũng phải cam kết với tất cả phụ huynh chúng tôi, rằng nếu có trường hợp nhiễm bệnh sau khi đi học lại, phía trường sẽ chịu trách nhiệm thì phụ huynh mới yên tâm”, chị Hoàng Thị Liên (Hà Nội) cho biết.
Chị Nguyễn Thị Trang (32 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) không đồng tình với đề xuất cho con trở lại trường ở thời điểm hiện tại. “Con trai tôi đang học lớp 4 ở một trường tư thục trên địa bàn Hà Nội. Không biết mọi người ý kiến ra sao nhưng cá nhân tôi quyết định khi chưa hết dịch thì vẫn cho con nghỉ học”.
Phụ huynh khác, cũng ở Hà Nội, còn kiên quyết: “Tôi sẽ xin chuyển con về trường công, nếu trường tư cố tình mở lớp trong thời gian còn dịch bệnh như thế này”.
Chị Hoàng Thị Hoa (30 tuổi, Đà Nẵng) cho rằng, khó khăn không chỉ có các cơ sở giáo dục mà những ngành như du lịch, khách sạn, nông nghiệp... cũng đang phải gồng mình để trụ qua đợt khủng hoảng này. "Tuy nhiên, việc đi học lại rồi dịch bùng phát thì cái mất nhiều hơn cái được", chị Hoa nhận định.
“Các trường đề xuất cho đi học lại là vì tiền hay vì học sinh?". Độc giả Nguyễn Hạnh (Hải Dương) nêu ý kiến. "Mới nghỉ hơn tháng chứ mấy mà đã cạn kiệt. Lúc làm ăn lời nhuận cả trăm, cả tỷ thì sao mà giờ có chút đã không chịu nổi?. Thiệt hại ở đây là cả nền kinh tế chứ có riêng trường tư đâu. Thế đi học rồi lây dịch cả trường rồi có còn dạy và học được nữa không? Lúc đó ngay cả bạn cũng không đi làm được, chăm con cũng không”.
Làm chủ 3 trung tâm Anh ngữ, anh Phạm Mạnh Cường (TP HCM) thừa nhận dịch Covid- 19 khiến anh gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên, anh ủng hộ việc tạm thời cho học sinh nghỉ học. Theo anh Cường, thiệt hại là điều tất yếu và không ai mong muốn, nhưng anh cho rằng hậu quả sẽ khó lường nếu một học sinh không may bị bệnh. “Hãy cùng nghĩ tới những người xung quanh và hệ lụy của nó đối với xã hội chứ đừng chỉ nghĩ tới bản thân doanh nghiệp mình...”, anh Cường chia sẻ.
Cũng có người đưa ra phương án bằng cách kết quả khảo sát ý kiến phụ huynh: ‘Trường nào đưa ra được bảng kết quả khảo sát có chữ ký của 80% tổng số phụ huynh trở lên đồng ý cho con đi học lại thì trường đó được hoạt động lại. Phụ huynh là nhân tố quyết định chứ không phải trường”, chị Bùi Hồng Thu (Vạn Bảo, Ba Đình, Hà Nội) nói.