Ngày 19/6, Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) có báo cáo về kết quả thi tốt nghiệp THPT 2014.
Theo đó, với 64 đơn vị tổ chức thi và 910.756 thí sinh đăng ký dự thi năm nay tỉ lệ tốt nghiệp của cả nước hệ giáo dục THPT là 99,02% (năm 2013 là 98,97%); giáo dục thường xuyên là 89,01% (năm 2013 là 78,08%).
Phản ánh khách quan kết quả đổi mới
Theo Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng, kết quả này phản ánh những điều chỉnh, đổi mới của kỳ thi năm nay đã có tác động tích cực, nâng cao chất lượng đánh giá công nhận tốt nghiệp THPT.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, học sinh thi 4 môn gồm 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ. Điều này vừa giảm áp lực thi cử, vừa phát huy hứng thú và định hướng nghề nghiệp của các em học sinh.
Ảnh minh họa. |
Tất cả các môn học đều được tham gia để xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp. Trong đó, có 4 môn được đánh giá thông qua kỳ thi cấp quốc gia, các môn còn lại được đánh giá ở cấp trường; sử dụng kết quả thi 4 môn với kết quả học tập tất cả các môn của lớp 12 để xét tốt nghiệp.
Đề thi môn Ngữ văn có phần đọc hiểu và làm văn, đề thi môn Ngoại ngữ có phần viết và trắc nghiệm. Phần đọc hiểu trong đề thi môn Ngữ văn sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa; đề thi các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí đã gắn với thực tiễn đời sống chính trị xã hội và yêu cầu kiến thức liên bộ môn, đồng thời có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm công dân, phát huy tính tích cực, độc lập, sáng tạo và tình cảm, đạo đức của thí sinh. Đề thi như vậy đã yêu cầu sát hơn năng lực của người học.
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, mặc dù còn một bộ phận thí sinh chưa tiếp cận được với yêu cầu của đề thi nhưng đề thi năm nay đã đặt ra yêu cầu thay đổi cách dạy, cách học trong những năm sau. Hiệu quả này cũng là tiền đề để tiếp tục đổi mới thi theo hướng tiếp cận đánh giá năng lực của học sinh những năm tới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Đối với giáo viên, kỳ thi đã làm thay đổi nhận thức về dạy học, thi, kiểm tra đánh giá. Việc đổi mới đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, cũng như việc chấm bài theo hướng mở đã đặt ra yêu cầu đối với mỗi giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra, đánh giá một cách thực chất hơn.
Giáo viên phải tự bồi dưỡng, tham gia bồi dưỡng nâng cao dần năng lực giảng dạy, kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; khắc phục dần tình trạng dạy học đối phó, truyền thụ một chiều, học thuộc lòng máy móc, tiêu cực trong dạy thêm, học thêm.
Đốvới học sinh, kết quả thi cũng tác động mạnh vào nhận thức, phát huy hứng thú học tập, hình thành, phát triển năng lực và phẩm chất của người học, giúp các em định hướng nghề nghiệp sau THPT; khắc phục tình trạng học đối phó và sử dụng “phao thi”.i
Đối với xã hội, kỳ thi đã bước đầu giảm áp lực và tốn kém cho xã hội, trở nên nhẹ nhàng, bình thường hơn, do đó đã nhận được sự đồng thuận chung của xã hội.
Bộ GD-ĐT đánh giá, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 trên cả nước đã được tổ chức đúng kế hoạch, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, đáp ứng yêu cầu đổi mới thi.
Những đổi mới của kỳ thi năm nay là sự khởi đầu cho lộ trình đổi mới theo hướng sẽ có kỳ thi chung bảo đảm độ tin cậy, vừa làm căn cứ để xét công nhận tốt nghiệp, vừa cung cấp dữ liệu để các cơ sở giáo dục đại học sử dụng vào tuyển sinh phù hợp với các ngành đào tạo của các trường đại học, cao đẳng.
Nhận đơn phúc khảo của thí sinh
Bộ GD-ĐT cũng cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương, đơn vị thu nhận đơn xin phúc khảo và tổ chức phúc khảo bài thi cho thí sinh và thông báo kết quả sau phúc khảo để các đối tượng thí sinh kịp dự kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng vào đầu tháng 7 năm 2014; Tổ chức chấm thẩm định và xử lý các vấn đề có liên quan sau kỳ thi nhằm rút kinh nghiệm các khâu tổ chức thi nhất là coi thi, chấm thi.
Bên cạnh đó, Bộ cũng tổ chức rút kinh nghiệm trong quá trình chỉ đạo thực hiện dạy học, kiểm tra đánh giá, thi và xét công nhận tốt nghiệp để phát huy các nhân tố tích cực, khắc phục những yếu kém, tiêu cực.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT chủ động nghiên cứu, đề xuất phương án, tham khảo ý kiến của các cơ sở giáo dục, các chuyên gia trong và ngoài ngành để có phương án thi hợp lý nhất trong những năm sau./.