298 dự án, 234 mô hình giúp dân phát triển kinh tế
Cùng với Luật Biên phòng Việt Nam, Luật BGQG, các hiệp định, thỏa thuận về biên giới, lãnh thổ, vùng biển, quản lý biên giới, khu vực biên giới, cửa khẩu giữa Việt Nam và các nước láng giềng, hệ thống pháp luật về BGQG, biên phòng được ban hành kịp thời, đồng bộ, khép kín đã phát triển tiềm lực quốc phòng - an ninh (QP-AN) ở khu vực biên giới, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để Nhà nước, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực hiện xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, khu vực biên giới, vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Luật BGQG đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đầy đủ để các cấp, các ngành, các lực lượng huy động nguồn lực của Nhà nước, xã hội trong xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, khu vực biên giới ngày càng vững mạnh góp phần củng cố QP-AN, đối ngoại và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) ở KVBG.
Luật BGQG cũng tạo động lực phát triển mới trong sự nghiệp đổi mới đất nước, làm cho biên giới giàu mạnh, bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân ở khu vực biên giới ngày càng được cải thiện; tạo tiềm lực về chính trị, tinh thần, quân sự, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ biên phòng trong tình hình mới.
Trên cơ sở Luật BGQG, Nhà nước đã tập trung đầu tư và huy động các nguồn lực, sức mạnh để phát triển kinh tế, thương mại, an sinh xã hội, thực hiện nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền; qua đó tạo điều kiện cho kinh tế phát triển.
Đến nay cả nước đã thành lập 15 khu kinh tế ven biển, 26 khu kinh tế cửa khẩu trên biên giới đất liền; có 267 cụm công nghiệp hoạt động ở khu vực biên giới, chiếm 36,6% cụm công nghiệp đang hoạt động trên cả nước; các nhà máy thủy điện, nhiệt điện và năng lượng tái tạo tại các khu vực biên giới đã đóng góp đến 44% tổng sản lượng điện toàn quốc, góp phần củng cố an ninh năng lượng, bảo đảm sản xuất và nâng cao đời sống cho người dân; QP-AN và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn biên giới được củng cố giữ vững.
Cùng với việc đầu tư phát triển công nghiệp, Đảng, Nhà nước, địa phương biên giới triển khai 298 dự án, chương trình phát triển kinh tế ở khu vực biên giới, xây dựng 234 mô hình giúp dân phát triển kinh tế; phát triển nông thôn mới, xóa nghèo bền vững; thu hẹp chênh lệch vùng miền. Đến nay, với hơn 2 triệu hộ/hơn 9 triệu khẩu, đã có 100% các xã, phường, thị trấn biên giới có đường ô tô đến trung tâm và có điện lưới quốc gia, 95% thôn bản được phủ sóng điện thoại di động 94% số hộ thoát nghèo; 95% số hộ thoát cận nghèo.
|
Bộ đội Biên phòng tuần tra biên giới. (Ảnh: Thanh Giang) |
Quản lý, bảo vệ BGQG gắn với xóa đói, giảm nghèo
Luật BGQG là căn cứ pháp lý để phân giới cắm mốc với các nước láng giềng. Trên tuyến biên giới đất liền, Việt Nam và các nước lân cận đã ký kết 7 văn kiện pháp lý về biên giới, phân giới cắm mốc được 5.019 cột mốc, cọc dấu.
Luật là cơ sở pháp lý để BĐBP và các lực lượng chức năng tổ chức duy trì kiểm tra, kiểm soát 206 cửa khẩu, lối mở, đường qua lại trên biên giới đất liền và cảng biển; kiểm tra, kiểm soát gần 800 triệu tấn hàng hóa xuất, nhập khẩu; kiểm soát hơn 15 triệu lượt người xuất, nhập cảnh. BĐBP và các lực lượng chức năng tổ chức nắm chắc tình hình chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG, vùng biển, tình hình nội, ngoại biên, âm mưu ý đồ, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, các loại đối tượng, tội phạm; qua đó kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra chủ trương, đối sách đấu tranh ngăn chặn làm thất bại âm mưu, phương thức hoạt động, ý đồ chống phá cách mạng Việt Nam, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, góp phần giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh trật tự ở KVBG, vùng biển.
Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng BĐBP cho biết, sau hơn 20 năm thi hành Luật BGQG, BĐBP đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý gần 60 nghìn vụ/hơn 100 nghìn đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia; hơn 115 nghìn vụ/hơn 200 nghìn đối tượng hình sự; xử lý vi phạm hành chính hơn 140 nghìn vụ/hơn 250 nghìn đối tượng với tổng số tiền phạt hơn 200 tỷ đồng.
Để phát huy kết quả đạt được trong 20 năm thi hành Luật BGQG, bảo đảm giữ vững chủ quyền, lãnh thổ, BGQG, theo Thiếu tướng Chiến, BĐBP cần tiếp tục thực hiện nhiệm vụ: Tiếp tục tổ chức xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG gắn với các chương trình, mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, xây dựng, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở khu vực biên giới, thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu tiên, ưu đãi tạo điều kiện cho biên giới, khu vực biên giới phát triển; quan tâm xây dựng KVBG vững mạnh toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, QP-AN; gắn phát triển KT-XH với củng cố quốc phòng an ninh, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở KVBG.
Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại Biên phòng và đối ngoại nhân dân, phối hợp với các lực lượng, các cấp, các ngành tăng cường quản lý nhà nước về BGQG, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về quốc phòng, biên phòng với các nước láng giềng; nhân rộng mô hình kết nghĩa giữa các địa phương, đơn vị và nhân dân hai bên biên giới; triển khai có hiệu quả mô hình hợp tác giữa các lực lượng bảo vệ biên giới Việt Nam với lực lượng hữu quan của các nước láng giềng.
Tiếp tục thể chế hóa và triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về BGQG, KVBG; hoàn thiện hệ thống pháp luật về biên phòng, BGQG tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đầy đủ, đồng bộ để nâng cao năng lực quản lý, điều hành trong bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ BGQG, xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, KVBG của các cấp, các ngành, lực lượng chức năng.