2012, một năm nhiều hứa hẹn với ngành Tư pháp

Năm 2011, kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn với những diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy vậy với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, Việt Nam đã đạt được những thành tựu cơ bản trong phát triển kinh tế xã hội; trong đó, ngành Tư pháp cũng có những đóng góp quan trọng.

Năm 2011, kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn với những diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy vậy với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, Việt Nam đã đạt được những thành tựu cơ bản trong phát triển kinh tế xã hội; trong đó, ngành Tư pháp cũng có những đóng góp quan trọng.

Ưu tiên những vấn đề "nóng”

Năm 2011, ngành Tư pháp xác định phải bám sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là những vấn đề “nóng” phát sinh trong đời sống. Thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Ngành Tư pháp đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành và địa phương đề xuất, tham mưu giúp Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Việc tham gia xây dựng và thẩm định VBQPPL được chú trọng và ưu tiên đối với những văn bản phục vụ thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, nhất là trong việc rút ngắn thời gian thẩm định và tập trung nguồn lực cán bộ, công chức có kinh nghiệm, có năng lực về chuyên môn tham gia thẩm định.

Bên cạnh đó, Bộ đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng các luật, pháp lệnh, các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến các chủ trương nêu trên, bảo đảm chất lượng, tiến độ đã được quy định, đặc biệt trong việc đẩy nhanh việc soạn thảo và trình ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực.

Công tác Tư pháp tiếp tục phương châm  hướng về cơ sở với dày đặc các chuyến đi của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị về địa phương, cùng với cấp ủy, chính quyền tháo gỡ khó khăn cho tư pháp. Tính đến ngày 31/10/2011, Lãnh đạo Bộ đã tổ chức 54 đoàn công tác tại 29 tỉnh, thành phố. Công tác kiểm tra, giám sát cũng được tăng cường. Công tác hướng dẫn nghiệp vụ, trả lời kiến nghị địa phương tiếp tục được cải tiến.

Nhờ những giải pháp quyết liệt, năm 2011 các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành đều được hoàn thành một cách xuất sắc. Công tác xây dựng thể chế của Ngành được tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội, góp phần đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, tăng cường hội nhập quốc tế. Ngành cũng khẩn trương triển khai các hoạt động theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, trong đó Bộ Tư pháp là thường trực, giúp Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 của Chính phủ.

Công tác quản lý nhà nước về hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, Quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, báo chí, xuất bản, Hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật, thanh tra, kiểm tra, tài chính... được tăng cường. Đặc biệt những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân như hộ tịch, công chứng, chứng thực, trợ giúp pháp lý...được ngành quan tâm đầu tư nhân lực, vật lực, với phương châm không để người dân phải chờ đợi, khi có khó khăn, phối hợp giải quyết ngay trên tinh thần phục vụ dân tốt nhất.

Công tác Thi hành án dân sự năm 2011 vượt chỉ tiêu đề ra cả về việc và tiền; số việc còn phải thi hành chuyển kỳ sau giảm đáng kể. Kết quả thi hành án dân sự nhiệm kỳ 2007 - 2011 liên tục tăng về tiền, năm 2011 đạt kết quả cao nhất (88% về việc).

Một số địa phương kết quả thi hành án có những chuyển biến tích cực, đạt tỷ lệ khá cao như: Hưng Yên (đạt 94% về việc và 90% về tiền), Quảng Ninh (đạt 87,77 % về việc và 89,16% về tiền)... Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tiếp tục đạt kết quả cao và đều vượt chỉ tiêu được giao, góp phần duy trì bền vững kết quả chung của toàn Ngành.

Đội ngũ ngày càng lớn mạnh

Công tác xây dựng ngành luôn được chú trọng. Ngoài việc kiện toàn, củng cố bộ máy ở Trung ương, ở địa phương, đây cũng được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Theo đánh giá, bước đầu các địa phương đã có sự quan tâm hơn trong việc bố trí cán bộ cho công tác tư pháp, kiện toàn tổ chức, góp phần đưa công tác tư pháp lên một tầm cao mới; nhiều địa phương đã tăng thêm 01 biên chế cán bộ Tư pháp - Hộ tịch cấp xã để đảm bảo thường xuyên có người trực giải quyết các việc về tư pháp, hộ tịch, chứng thực…

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã chủ động làm việc với Bộ Nội vụ về biên chế cho các cơ quan Tư pháp địa phương. Tính đến 30/9/2011, tổng số công chức Tư pháp hộ tịch cấp xã là 14.920 người, tương ứng với tỷ lệ 1,4 công chức/xã; 34,5% số xã trong cả nước có từ 02 công chức Tư pháp hộ tịch trở lên.

“Có được những thành công nêu trên trước hết là Ngành Tư pháp tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của các cấp Đảng, Nhà nước, Chính phủ; sự chỉ đạo, đôn đốc thực hiện kế hoạch công tác của Bộ và Ngành được thực hiện bài bản, khoa học hơn, bám sát trọng tâm, trọng điểm và có giải pháp thực hiện phù hợp; ưu tiên hợp lý trong việc thực hiện những nhiệm vụ chính trị, quan trọng” - Bộ Tư pháp đánh giá.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp thừa nhận công tác của Ngành vẫn còn một số hạn chế làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng thực hiện Chương trình công tác của Ngành, nhiều nhiệm vụ chưa được triển khai theo đúng kế hoạch. Ngành Tư pháp ở một số địa phương chưa được coi trọng, chưa tạo được sự tin tưởng cao của các cấp lãnh đạo chính quyền cũng như trong nhận thức của người dân; công tác chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ đối với cấp huyện, xã chưa sâu sát; chưa tranh thủ kịp thời sự quan tâm, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương trong một số nhiệm vụ...

Tập trung giúp Chính phủ sửa đổi Hiến pháp

Năm 2012, tình hình kinh tế thế giới dự báo sẽ tiếp tục có những biến động, tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng xấu đến sự ổn định và tăng tưởng kinh tế của nước ta. Trong bối cảnh chung của đất nước, Ngành Tư pháp xác định: tiếp tục bám sát Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2015, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, chính quyền địa phương, tập trung triển khai những nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm; thực hiện giải pháp cụ thể tháo gỡ những điểm “nghẽn”, ách tắc trong công tác tư pháp ở Trung ương và địa phương.

Nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2012 của ngành Tư pháp được xác định trong từng lĩnh vực cụ thể, trong đó ưu tiên tập trung giúp Chính phủ tổ chức tổng kết việc thi hành và nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, thẩm định VBQPPL và theo dõi thi hành pháp luật, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các DN phát triển sản xuất, kinh doanh.

Công tác THADS cũng là một trong những nhiệm vụ được xác định là trọng tâm của năm 2012 với mục tiêu tạo chuyển biến một cách bền vững, bảo đảm pháp luật được thực hiện nghiêm minh, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh đó là hoàn thiện thể chế cho sự phát triển ổn định và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, luật sư, công chứng, bán đấu giá tài sản, giám định tư pháp, trợ giúp pháp lý, phổ biến giáo dục pháp luật, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động công chứng, bán đấu giá tài sản.

Để làm tốt các nhiệm vụ chính trị của mình, ngành Tư pháp xác định năm 2012 tiếp tục kiện toàn tổ chức, cán bộ của Ngành; phát triển nguồn nhân lực...

Với những kết quả nổi bật trong năm 2011, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng, năm khởi đầu của một nhiệm kỳ mới, tin rằng đây sẽ là tiền đề quan trọng để ngành Tư pháp tiếp tục vững bước đi lên, khởi sắc rực rỡ hơn trong năm mới 2012.

Làm việc với ngành Tư pháp tháng 12 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao nỗ lực, kết qủa trong công tác của ngành Tư pháp nhiệm kỳ 2007-2011, đặc biệt trong năm 2011, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra 9 nhiệm vụ với ngành Tư pháp, trong đó có việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.    

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tư pháp cần có chủ trương, biện pháp đồng bộ để ngay từ đầu năm 2012 có các đề xuất, dự án luật có chất lượng, hoàn thành các dự án Luật trong nhiệm kỳ. Các nhiệm vụ còn lại được Phó Thủ tướng đặt ra trên các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, đào tạo cán bộ, phối hợp với bộ ngành, địa phương, thực hiện cải cách hành chính…

P.V

Đọc thêm