2,4 tỷ đồng tiền ủng hộ bao giờ đến tay nạn nhân vụ hỏa hoạn tại Tân Dân?

Như PLVN đã phản ánh, sau trận hỏa hoạn kinh hoàng xảy ra tại xã Tân Dân (huyện An Lão, Hải Phòng) khiến 13 người bị thiệt mạng, 25 người bỏng nặng. Gần 4 tháng qua đi, có rất nhiều nhà hảo tâm đã ủng hộ cho các nạn nhân với số tiền gần 2,4 tỷ đồng, không hiểu sao số tiền này hiện vẫn nằm ở kho bạc Nhà  nước huyện An Lão?…

Như PLVN đã phản ánh, sau trận hỏa hoạn kinh hoàng xảy ra tại xã Tân Dân (huyện An Lão, Hải Phòng) khiến 13 người bị thiệt mạng, 25 người bỏng nặng. Gần 4 tháng qua đi, có rất nhiều nhà hảo tâm đã ủng hộ cho các nạn nhân với số tiền gần 2,4 tỷ đồng, không hiểu sao số tiền này hiện vẫn nằm ở kho bạc Nhà  nước huyện An Lão?…

“Treo” tiền ủng hộ các nạn nhân

Dường như không khí làng quê nghèo Tân Dân vẫn còn ảm đạm, mặc dù không còn cảnh đâu đâu cũng nhìn thấy vành tang trắng nhưng nỗi đau vẫn ngày đêm hiển hiện trên gương mặt khắc khoải của những người ở lại.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà ở nhờ người anh, bà Vũ Thị Nga (54 tuổi) nạn nhân trong vụ hỏa hoạn, không nén nổi những giọt nước mắt chua chát. Nhìn cảnh tượng người phụ nữ lúc nào cũng phải đeo găng tay, băng gạc quấn kín người, khuôn mặt chỗ đỏ vì lên da non, chỗ vàng vì bôi nghệ; người ta không khỏi xót thương.

Bà Vũ Thị Nga lo lắng liệu rằng có đủ tiền để trang trải thuốc men hay không!
Bà Vũ Thị Nga lo lắng liệu rằng có đủ tiền để trang trải thuốc men hay không!

Thều thào trong từng hơi thở khó khăn, bà than thở: “Cuộc đời tôi lắm nỗi chuân chuyên nhưng có lẽ đây là vết thương đau đớn nhất. Muốn khóc cũng không dám khóc vì nước mắt tràn ra xót da, xót thịt. Cái cảm tưởng như từng mảng da thịt trên cơ thể mình như bị xé ra trong những ngày nằm viện vẫn còn âm ỉ. Đều đặn hai ngày, tôi bôi hết lọ thuốc trị bỏng giá 480 ngàn đồng. Con trai nghỉ làm để chăm sóc mẹ, tôi thì không làm được bất cứ việc gì, tay còn bất động, giờ không biết lấy đâu ra tiền để chữa trị tiếp đây?”

Mới 19 tuổi, em Đỗ Thị Ngọc Hà phải chịu đựng nỗi đau quá lớn, cả về thể xác lẫn tinh thần. Ánh mắt em lúc nào cũng buồn rười rượi, bạn bè cùng tuổi thi đỗ đại học, cao đẳng và theo đuổi con đường sự nghiệp của riêng mình, riêng em, ngày ngày làm bạn với chiếc tivi và… bệnh viện. Em tâm sự: “Có những lúc chán chường, em chỉ muốn đập hết những thứ trong phòng nhưng tay chân băng kín. Cuộc sống đối với em bây giờ nặng nề như địa ngục. Cả ngày quanh đi, quẩn lại mấy chương trình tivi. Chưa đầy 20 tuổi mà ngày ngày bố mẹ phải thay băng, cơm bưng nước rót, vệ sinh cá nhân cho, em nản chí. Mối tình đầu trong trắng của em cũng tan tành theo mây khói kể từ ngày cuối tháng 7 định mệnh ấy. Nhiều đêm nằm trằn trọc, em chỉ ước giá như mình nằm trong số 13 nạn nhân xấu số kia, có lẽ thanh thản hơn nhiều”.

Là bệnh nhân nặng nhất trong 24 ca được điều trị trên Viện bỏng Quốc Gia, riêng số tiền thuốc mà gia đình em Hoàng Hải Quỳnh (19 tuổi) phải thanh toán là 123 triệu. Ngước nhìn chúng tôi bằng ánh mắt trong veo, Quỳnh khẽ cất lời chào lí nhí. Thân thể em rộp lên những mảng sẹo lớn, tóc mọc được vài sợi lơ thơ.

Ông Hoàng Việt Hùng, bố Quỳnh cho biết: “Mỗi đêm đến là những cơn ác mộng tai nạn ấy lại hành hạ đứa bé. Nhiều đêm thấy con gái gào thét, hoảng hốt, người đầm đìa mồ hôi, tôi chỉ biết ôm xiết đứa con tội nghiệp  và nuốt nước mắt vào trong. Gia đình tôi thuộc diện nghèo nên trong lúc chờ kết quả thi đại học, Quỳnh mới xin đi làm.

Ngày vụ cháy xảy ra, tôi chạy vạy khắp nơi được 700 ngàn để lên viện. Vợ tôi đi xuất khẩu lao động bên Trung Quốc chưa về, chứ nếu nhìn thấy cháu, chắc cô ấy không sống nổi. Bác sỹ bảo rằng phải mất ít nhất 2 năm nữa, việc chữa trị mới tạm gọi là ổn thỏa, sức khỏe tạm phục hồi”.

Cứ thế, ngày qua ngày, người đàn ông này vẫn đang phải chạy vạy từng bữa ăn, chạy từng lọ thuốc để chữa trị cho con gái. Cứ thế, 25 mảnh đời, 25 gia đình nạn nhân xấu số phải “gồng mình” vượt qua thực tại khắc nghiệt.

Chính quyền xã trả lại đơn đề nghị của dân

Được biết, hầu hết những gia đình có nạn nhân bị bỏng thuộc diện khó khăn, không có bảo hiểm y tế; họ phải tìm đủ thứ nghề để duy trì cuộc sống hàng ngày.

Kể từ khi xuất viện, số tiền thuốc men và chi phí khám chữa bệnh tại bệnh viện địa phương là quá sức với họ.

Đại diện gia đình những nạn nhân cho biết, qua phương tiện thông tin đại chúng của xã, số tiền các nhà hảo tâm ủng hộ vẫn còn 2,4 tỷ.

Ngày 28/9/2011, 25 nạn nhân đã đồng ký đơn đề nghị đến chính quyền xin được tiếp tục hỗ trợ trang trải cho việc chữa bệnh nhưng không rõ vì lý do gì, đơn kiến nghị được UBND xã Tân Dân trả lại không có văn bản trả lời?.

Theo tìm hiểu của phóng viên, chính quyền xã Tân Dân và huyện An Lão đã đón tiếp 590 đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và quyên góp được 5 tỷ đồng hỗ trợ cho các nạn nhân.

Trong đó, các đoàn thể trực tiếp đến tận gia đình thăm hỏi, động viên nạn nhân với tổng số tiền 1,4 tỷ đồng. Lượng tiền mặt chính quyền xã và huyện tiếp nhận là 3,6 tỷ đồng.

Trao đổi với PLVN, ông Đỗ Văn Sóng, Chủ tịch UBND xã Tân Dân cho biết: “Ngay sau khi các nạn nhân xuất viện, lãnh đạo địa phương đến thăm hỏi và dùng 1,91 tỷ đồng để hỗ trợ cho gia đình nạn nhân thanh toán tiền viện phí. Số tiền 2,4 tỷ đồng còn lại hiện đang nằm ở Kho bạc Nhà nước An Lão. Chờ khi phương án tiếp tục hỗ trợ người dân được UBND huyện An Lão thông qua, địa phương sẽ xúc tiến tức thì”?!.

Tuy nhiên, điều khó hiểu ở đây, phải đến ngày 14/11/2011 sau gần 4 tháng xảy ra vụ cháy, phương án tiếp tục hỗ trợ các nạn nhân mà chính quyền xây dựng mới được gửi đến UBND huyện An Lão.

Giải thích cho sự chậm trễ trên, ông Đỗ Văn Sóng cho rằng, Viện bỏng Quốc gia “vòng vo”, không cung cấp số liệu liên quan đến tiền viện phí nên việc xây dựng phương án gặp ít nhiều khó khăn.

“Thực chất, đó là phương án thứ 2 mà xã xây dựng. Trước đó vài ngày, chính quyền đã gửi phương án 1 nhưng không khả thi vì không dựa trên phiếu thanh toán viện phí của nạn nhân bị bỏng”. Đồng thời ông Sóng còn khẳng định: “Thông tin đồng chí Phó chủ tịch UBND xã trả lại đơn đề nghị của người dân là đúng. Tôi cũng thấy cách giải quyết này chưa kín nhẽ, nhưng cũng phải thừa nhận nội dung đơn không đủ chuẩn mực”, ông Sóng cho biết.

 Tuy nhiên, tận mắt chứng kiến lá đơn gửi chính quyền, ai ai cũng cho rằng, lá đơn này hợp tình, hợp lý, không có điều gì thiếu chuẩn mực!

 Nỗi đau mà nạn nhân phải gánh chịu không có thứ gì có thể khỏa lấp ngay cả khi nhận đầy đủ số tiền hỗ trợ. Thiết nghĩ, việc trình bày ý kiến của dân bất luận đúng sai, chính quyền xã Tân Dân cũng cần đưa ra cách giải quyết một cách thấu tình đạt lý.

UBND huyện An Lão cũng cần nhanh chóng xem xét và thông qua phương án tiếp tục hỗ trợ cho gia đình nạn nhân để những mảnh đời lay lắt còn lại có cơ hội tiếp tục chữa trị và bắt nhịp cuộc sống.

Phương Thanh
 

Đọc thêm