25 tác giả góp tiếng nói về ký ức COVID-19 trong "Sài Gòn chọn nhớ những điều thương".

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nguyễn Ngọc Tư, Dương Thụy, Đàm Hà Phú... chia sẻ về ký ức đại dịch trong cuốn "Sài Gòn chọn nhớ những điều thương" - ấn phẩm đầu tiên ra mắt trong năm mới của Nhà xuất bản Trẻ.
Sách "Sài Gòn chọn nhớ những điều thương" sẽ ra mắt ngày 4/1. Ảnh: Trung Nghĩa.
Sách "Sài Gòn chọn nhớ những điều thương" sẽ ra mắt ngày 4/1. Ảnh: Trung Nghĩa.

Các tác giả gồm nhà văn, nhà báo, y bác sĩ, doanh nhân, nhà nghiên cứu, vận động viên, nhiếp ảnh gia... Họ viết về những trải nghiệm từ bệnh viện tuyến đầu, những điều nhân văn chứng kiến trong mùa cao điểm dịch, suy nghĩ cho giai đoạn bình thường mới...

Trong sách, nhà văn Dương Thụy cho biết lúc dịch bùng phát, độc giả từng email cho chị nhắc đến chi tiết nhân vật Tuấn bị COVID -19 ở nước ngoài và xuống tinh thần, nhân vật Phương phải nhắn tin mỗi ngày động viên, đàn cho anh nghe, cầu nguyện anh khỏi bệnh. Họ hỏi khi chị viết về chi tiết đó trong truyện liệu có tưởng tượng nổi tới một ngày Sài Gòn phải gồng mình chống dịch như lúc đó không. Chị viết: "Thật sự, chắc không chỉ mình tôi, mà hầu hết người Sài Gòn đều không thể ngờ có lúc mình phải trải qua một giai đoạn đại dịch thảm khốc".

Còn Nguyễn Ngọc Tư định nghĩa lại những khái niệm đã thay đổi trong đại dịch. Chị viết: "Công viên là nơi tụ tập của gió, của thảm lá ngày càng dày. Hẹn hò đồng nghĩa với bất định, bỏ lỡ. Trong ngữ lưu tháng Bảy, nếu ta nói hẹn cuối năm gặp nhau, người bạn sẽ hiểu rằng có thể tháng Chạp năm sau. Hoặc chỉ là một kiểu giao đãi bâng quơ thuận miệng, cuộc gặp đó không bao giờ xảy ra... Sẽ có người đơn giản hơn, hạnh phúc là món trứng chiên có ít lá hành, là được tặng một đòn bánh tét, được về quê cách chỗ trọ năm chục cây số...".

Nhiều tác giả viết về lòng tốt giữa đại dịch. Tác giả Đàm Hà Phú kể có những người bạn không giàu có, dư dả nhưng vẫn sẵn lòng góp mười tấn gạo để nhóm anh đi phát cho bà con. Nhiều người hễ khi có chút tiền thì gửi vài trăm kg rau xanh, mấy gói đồ khô... Khi đi phát, anh chứng kiến những người nhận quà tiếp tục san sẻ phần đó cho hàng xóm khó khăn hơn mình. Anh viết: "Dịch bệnh càng kéo dài tôi mới nhận ra người mình giàu có quá, họ giàu lòng thương, họ giàu sẻ chia, họ giàu nhơn ái".

Bác sĩ Nguyễn Minh Hảo Hớn (trưởng khoa Mũi Xoang, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM) nhớ tình người ấm áp những ngày ở khu điều trị COVID-19. Anh cho biết có những người sẵn sàng nấu hàng trăm suất cơm ngon lành, nóng hổi mỗi ngày dành tặng tuyến đầu; đóng góp những ngày lương để mua khẩu trang, mua máy trợ thở, tặng cho bệnh viện để cấp cứu bệnh nhân. Có người dành số tiền tích cóp xây nhà để mua rau củ, thịt trứng hỗ trợ người nghèo tại khu cách ly. Trong bài Sài Gòn đang giãn cách, lòng người không giăng dây, nhà báo Cù Mai Công viết:

"Chị ơi, bịch gạo ngon

Anh ơi, ổ bánh nóng

Sài Gòn cùng nhau sống

Cứ lấy nhé, rồi đi

Cứ lấy nhé, rồi về

Gởi trái tim ở lại

Để Sài Gòn mãi mãi,

Không của ai, riêng ai!".

Đại diện đơn vị phát hành cho biết toàn bộ lợi nhuận từ sách được góp vào Quỹ phòng, chống COVID-19. Với tấm lòng vàng, nhiều tác giả cũng dành tặng nhuận bút của mình để đóng góp vào quỹ này.

Đọc thêm