Tín hiệu đáng mừng
Báo cáo của Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp cho biết, trong năm 2014 công tác tư pháp của các tỉnh, thành phố trong khu vực vẫn tiếp tục khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương và phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao; trong đó có nhiều nhiệm vụ mới khá nặng nề như: Công tác lý lịch tư pháp, kiểm soát thủ tục hành chính, quản lý công tác theo dõi thi hành pháp luật và xử lý vi phạm hành chính…
Xác định công tác triển khai thi hành Hiến pháp 2013 là nhiệm vụ trọng tâm nên Sở Tư pháp đã đồng loạt ban hành kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp. Ngoài việc tham dự hội nghị trực tuyến do Chính phủ và Bộ Tư pháp tổ chức, Sở Tư pháp các tỉnh Đồng Nai, Tiền Giang còn năng động tổ chức hội nghị triển khai tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp dưới hình thức trực tiếp trên sóng truyền hình; các tỉnh Đồng Tháp, Tây Ninh thì tổ chức trực tuyến từ tỉnh đến cơ sở.
Bên cạnh đó, nhiều Sở Tư pháp trong khu vực đã phổ biến Hiến pháp đến người dân bằng cách biên soạn tài liệu, phát hành băng đĩa CD, tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc tuyên truyền miệng về những nội dung cơ bản, ý nghĩa các nội dung sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp 2013.
Công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, kiểm soát thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức pháp chế,… cũng được các Sở Tư pháp quan tâm thực hiện. Đến nay, đã có 22/25 tỉnh, thành ban hành Đề án “Kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức pháp chế ” theo từng giai đoạn, phù hợp với tình hình phát triển của địa phương.
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc của ngành Tư pháp các tỉnh phía Nam hiện nay, đó là: Sở Tư pháp các tỉnh được giao thêm nhiều nhiệm vụ mới khá nặng nề như công tác lý lịch tư pháp, kiểm soát thủ tục hành chính, quản lý công tác theo dõi thi hành pháp luật và xử lý vi phạm hành chính nhưng lại không được giao thêm biên chế dẫn đến lúng túng, khó khăn.
Đó là chưa kể mặc dù đã có Nghị định của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tư pháp đối với những công tác mới được giao cho các Sở Tư pháp nhưng chính quyền một vài nơi vẫn chưa cho triển khai thực hiện. Trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), nhiều sở, ngành chưa nắm vững các nội dung có liên quan, chưa nhận dạng một cách chính xác TTHC trong việc xây dựng dự thảo văn bản có quy định TTHC.
Bên cạnh đó, công tác pháp chế ở các tỉnh phía Nam được thực hiện rất chậm. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị định số 55 của Chính phủ, vẫn còn 3 địa phương là Phú Yên, Đồng Tháp và Bạc Liêu chưa có Đề án triển khai thực hiện công tác này.
Một số địa phương khác tuy đã được UBND tỉnh phê duyệt Đề án và ban hành Quyết định thành lập Phòng Pháp chế nhưng chưa thể đi vào hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả. Nguyên nhân là do chưa có văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định 55 liên quan đến tổ chức bộ máy, biên chế, kinh phí, chế độ phụ cấp, cán bộ làm pháp chế đa số là kiêm nhiệm.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đã đánh giá cao những nỗ lực và thành quả mà Sở Tư pháp 25 tỉnh, thành phố phía Nam đã đạt được trong năm 2014 và ghi nhận những ý kiến góp ý, những khó khăn, vướng mắc mà ngành Tư pháp các tỉnh phía Nam hiện nay đang phải đối mặt. Lãnh đạo Bộ Tư pháp cho biết sẽ phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và chính quyền các địa phương tìm cách tháo gỡ trong thời gian sớm nhất.
Chiều 20/11, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng và đoàn công tác của Bộ Tư pháp đã làm việc với Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lâm Đồng. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng đã ghi nhận những thành tích mà cán bộ công chức hai cơ quan đã đạt được trong thời gian qua và chỉ ra những tồn tại, yếu kém để giúp ngành Tư pháp, Thi hành án địa phương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng bộ và chính quyền địa phương giao phó.