“3 tại chỗ” và 30 ngày

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thực tế đã cho thấy, tại những nơi, những địa phương giãn cách xã hội phòng chống COVID-19, một trong những vấn đề gây khó khăn cho mọi người là mua thực phẩm, nhu yếu phẩm. Để mua được đồ ăn, nơi phải có phiếu, nơi tính ngày chẵn lẻ, xếp hàng dài dằng dặc mới tới lượt mua…
Người dân ngồi chờ đến lượt mua hàng.
Người dân ngồi chờ đến lượt mua hàng.

Thế nhưng, dù có tiền mua hàng thì việc xếp hàng mua đồ vẫn còn là may mắn. Thử tưởng tượng, nếu DN sản xuất bị “dính” COVID-19, nhà máy ngừng hoạt động, không còn hàng cung ứng, đó mới là điều đáng sợ.

Tại một số địa phương, từ giữa tháng 7/2021, doanh nghiệp chỉ được phép hoạt động khi đáp ứng một trong hai điều kiện: Đảm bảo vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ); hoặc đảm bảo thực hiện “1 cung đường - 2 địa điểm”, chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở (có thể là ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung).

Tại TP HCM, Cty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), một đơn vị cung ứng thịt heo lớn cho TP, cuối tháng 7 phát hiện hàng chục ca nhiễm SARS-CoV-2 sau gần một tháng áp dụng mô hình “3 tại chỗ” (từ 24/6 tới 19/7). Ngày 29/7, Cty chính thức thông báo dừng thực hiện mô hình này, ngưng sản xuất nhiều bộ phận. Nhiều siêu thị đã phải lao đao tìm nguồn cung khác thay thế Vissan. “Chúng tôi đã đứt gãy chuỗi lao động trong các khâu sản xuất”, đại diện Cty báo cáo khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra đơn vị này hôm qua (6/8).

Đại diện Cty cho rằng mô hình “3 tại chỗ” khó duy trì hơn một tháng bởi tâm lý người lao động và điều kiện cơ sở vật chất của đơn vị không thể đảm bảo. Cty kiến nghị được hoạt động sản xuất lại với mô hình như bình thường và test nhanh cho người lao động 1 lần/tuần. Nếu phát hiện ca F0 thì địa phương hỗ trợ cách ly, phân loại để tiếp tục sản xuất.

Cty cũng cho rằng việc giết mổ heo thường vào ban đêm, 2-3h sáng chuyển đến các điểm bán, việc hạn chế ra ngoài từ 18h đến 6h rất khó cho DN thực phẩm phục vụ mặt hàng tươi sống.

Về phía Hiệp hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA), cũng lo ngại đứt gãy sản xuất chuỗi mì ăn liền. Mì ăn liền buộc phải có gia vị hành, ớt, tiêu, tỏi. Nhiều đơn vị gia công lấy nguyên liệu hành lá ở Ninh Bình; hành tím ở Hậu Giang; củ, quả ở Tiền Giang. Nếu chuỗi lưu thông có vấn đề sẽ thiếu các mặt hàng gia vị để làm nguyên liệu phụ.

Đại diện FFA chia sẻ trước đây chỉ nghĩ sản xuất “3 tại chỗ” trong một tháng, nếu kéo dài thì không làm nổi; nên kiến nghị TP nghiên cứu không tiếp tục mô hình sản xuất này.

Trước những kiến nghị trên, Phó Thủ tướng khẳng định cuộc chiến chống dịch tại TP HCM không tính bằng tuần mà bằng tháng, nên các giải pháp phải được tính toán dài hạn, cần linh hoạt phương pháp theo thực tiễn tại địa phương. Phó Thủ tướng đề nghị TP phân loại các nhà máy theo 3 nhóm: Buộc phải duy trì sản xuất; cần duy trì sản xuất; và khuyến khích duy trì sản xuất; thống kê nơi ở công nhân theo “vùng xanh, vùng đỏ” rồi phân ca theo chỗ ở; hoặc thuê trọ cho công nhân trong “vùng đỏ” để đảm bảo sản xuất an toàn…

“Không bao giờ nên mặc áo chung cho cả TP, không “mặc đồng phục” cho các ngành sản xuất”, phát biểu của Phó Thủ tướng cũng là điều các địa phương cần lưu ý, khi xác định cuộc chiến chống COVID-19 còn chưa thể chấm dứt ngày một, ngày hai.

Đọc thêm