“3 trong 1” = 200 tỷ đồng/năm

(PLO) - Ngày 15/1, tại Long An, Cục Công tác phía Nam  Bộ Tư pháp phối hợp với Sở Tư pháp Long An tổ chức hội thảo khoa học đề tài cấp Bộ về mô hình một cửa liên thông trong đăng ký khai sinh, đăng ký hộ khẩu, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Ông Đỗ Hữu Lâm - Chủ tịch UBND tỉnh Long An và đại diện Tư pháp, Công an, Bảo hiểm của 25 tỉnh, thành phía Nam cùng tham dự Hội nghị. 
3 trong 1 “ích nước, lợi nhà”
Chia sẻ về “mối tơ duyên” của mô hình này, đại diện Tư pháp huyện Bến Lức, tỉnh Long An cho hay: Trước đây khi có nhu cầu đi khai sinh cho con, cho cháu, người dân thường chưa quan tâm đến nhập hộ khẩu, khi đến tuổi đi học thì mới biết chưa nhập hộ khẩu. Có khi đi đăng ký khai sinh thì các bậc phụ huynh cũng chưa quan tâm đến việc đăng ký cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), đến khi con, cháu họ bị bệnh cần điều trị theo yêu cầu của cơ quan y tế thì họ mới đi làm thẻ. Cũng có trường hợp người đã chết mà người thân không khai tử theo quy định, do đó vẫn còn tình trạng gọi mời người đã chết đi đóng thuế, đi bầu cử, đi nghĩa vụ quân sự, hoặc gọi trẻ nhập học... 
Cục trưởng Lê Tiến Châu phát biểu về mô hình “3 trong 1”
Cục trưởng Lê Tiến Châu phát biểu về mô hình “3 trong 1”
Từ năm 2007, Tư pháp huyện Bến Lức, tỉnh Long An đã nảy sinh một sáng kiến là mô hình “3 trong 1”  (đăng ký khai sinh - thường trú và cấp thẻ BHYT) cho trẻ em dưới 6 tuổi nhằm giải quyết những vấn đề bức thiết phát sinh từ thực tiễn gắn liền với lợi ích của người dân, đồng thời góp phần thiết thực vào việc thực hiện chủ trương lớn của Nhà nước là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.  
Theo đó, ba thủ tục riêng biệt về hồ sơ, trình tự, thủ tục, lệ phí được kết hợp trong một quy trình tiếp nhận và trả kết quả liên thông với nhau. Đến nay Long An đã giải quyết hơn 6 ngàn trường hợp thuộc nhóm khai sinh- hộ khẩu và BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi; đồng thời giải quyết hơn 1 ngàn trường hợp khai tử - xóa đăng ký thường trú.
Tiếp theo Long An, TP.Hồ Chí Minh cũng đã bắt đầu triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất trên địa bàn TP và đã đem lại lợi ích thiết thực cho người dân cũng như cơ quan nhà nước. Trong bốn tháng đầu triển khai thực hiện, có khoảng gần 6 ngàn hồ sơ đã được giải quyết, thời gian chỉ còn 11 ngày. Hiện nay, ở khu vực phía Nam còn các địa phương khác như Tiền Giang, Đồng Tháp, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận… cũng đã nghiên cứu vận dụng sáng tạo mô hình này cho phù hợp tại địa phương mình.     
Ông Lê Tiến Châu - Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp khẳng định: Qua thời gian triển khai mô hình, mặc dù còn những khó khăn, hạn chế nhất định nhưng mô hình mới đã mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, đặc biệt đã tạo được bước chuyển biến cơ bản trong quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân, hạn chế tình trạng trẻ em sinh ra không có đầy đủ giấy tờ cần thiết như: giấy khai sinh, hộ khẩu và thẻ BHYT. 
Muốn nhân rộng, cần khắc phục nhiều bất cập
Bên cạnh việc mang lại những thuận tiện cho cả người dân lẫn chính quyền thì việc thí điểm ở các địa phương cũng xuất hiện một số bất cập, như các địa phương tự xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện, dẫn đến tốn kém chi phí, không thống nhất trong việc thực hiện. Quy trình thủ tục liên thông chưa hình thành để áp dụng thống nhất, chỉ ghép lại giữa các thủ tục đang có. 
Đặc biệt, mới chỉ có một bộ phận nhỏ người dân được hưởng lợi ích từ việc tổ chức mô hình liên thông; cách luân chuyển hồ sơ còn khó khăn, một số địa phương khi thực hiện còn kéo dài thời gian do luân chuyển hồ sơ chậm; chưa có kinh phí hỗ trợ đội ngũ cán bộ một cửa ở cấp xã. Ngoài ra, sự liên kết giữa các cơ quan có liên quan trong giải quyết thủ tục hành chính vẫn chưa tạo thành một chuỗi thống nhất, chặt chẽ trong giải quyết thủ tục hành chính. Trình độ của đội ngũ cán bộ tư pháp xã còn là câu chuyện đáng quan tâm...
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc nhằm nhân rộng mô hình này trong phạm vi cả nước, các đại biểu đề nghị cần xây dựng đề án “một cửa liên thông” giải quyết các thủ tục đăng ký hộ tịch, đăng ký cư trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi. Đặc biệt là cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, có sự thống nhất giữa các  văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm thực hiện đồng bộ giữa các địa phương, đơn vị. 
Các Bộ, ngành liên quan phải ngồi lại để bàn bạc, tính toán kỹ càng nhằm thống nhất xuyên suốt trong quá trình thực hiện. Cùng với đó, phải có quy trình chuẩn rõ ràng đối với từng cơ quan, thời hạn giải quyết cũng như chế tài xử lý sai phạm để tránh tình trạng liên thông nhưng vẫn bị ách tắc vì tùy vào đặc điểm tình hình địa phương mà họ có thể làm nhanh hay chậm.

Đọc thêm