Chuyên khỏa thân lang thang
Từ nhiều năm qua, báo chí thế giới đã tốn nhiều giấy mực cho người mang biệt danh “kẻ đi rong khỏa thân” Stephen Rough (54 tuổi, quê ở Hampshire, Anh). Chỉ khoác “bộ y phục trời cho” từ thưở lọt lòng mẹ, mang một đôi vớ, một đôi giày ống, đeo chiếc ba lô và thỉnh thoảng đội một chiếc nón, Gough đã hai lần đi bộ dọc theo chiều dài nước Anh, từ Land’s End đến John O’ Groat.
Chuyến đi lần thứ nhất vào năm 2003 - 2004. Chuyến đi thứ hai, vào năm 2005 - 2006, Gough được cô bạn gái Melanie Roberts tháp tùng. Một người đi bộ xuyên nước Anh mất từ hai tới ba tháng cho khoảng 1.900km đường, nhưng Gough phải tốn thời gian lâu hơn vì nhiều lần bị cảnh sát “hỏi thăm” và “mời” nghỉ chân tạm trong nhà tù làm chuyến đi bị ngắt quảng.
Sau khi kết thúc chuyến đi xuyên nước Anh lần thứ hai, Gough liên tục khỏa thân nơi công cộng, tiếp tục bị bắt, bị tù. Tính ra từ năm 2003 đến nay, Gough bị bắt hơn 30 lần ở Scotland và thời gian bị giam tổng cộng tới 7 năm.
Những lần bị bắt, bị giam của Gough lặp đi lặp lại theo một trình tự không đổi: Cảnh sát yêu cầu Gough mặc quần áo, Gough từ chối nên bị bắt giam. Ra tòa, Gough chẳng mặc gì, lại đi tù. Ra tù Gough khỏa thân nơi công cộng... Khoảng cách giữa các lần ra tù và vào tù của Gough rất ngắn, có khi chưa tới 30 giây, vì vừa được trả tự do, Gough trần truồng bước ra khỏi cửa nhà giam, bị bắt vào ngay.
Bản án tù dành cho hành vi khỏa thân của Gough trước nhẹ sau nặng, cứ dài thêm ra, từ vài ngày tới vài tháng rồi vài năm. Lần bị kêu án tù mới nhất vào tháng 10/2014, Gough lãnh 2 năm 6 tháng tù, hiện vẫn đang ngồi trong nhà giam.
|
Gough có điên hay không? |
Gough có điên hay không khi liên tục lặp đi lặp lại hành động mà ông ta biết chắc sẽ bị bắt? Qua những câu trả lời phỏng vấn với báo chí, Gough tỏ ra là một người có đầu óc bình thường, ý thức rất rõ những gì mình đang làm. Ông dùng lời lẽ văn hoa bóng bẩy để biện minh cho hành động của mình và cho rằng cách thể hiện chính mình nơi công cộng của ông ta được Hiến pháp bảo vệ.
Luật Anh không cấm khỏa thân. Luật các tội phạm hình sự năm 2003 không xem khỏa thân nơi công cộng là một tội. Trong một số trường hợp, khỏa thân nơi công cộng được công nhận hợp pháp, ví dụ khỏa thân tại những bãi biển dành riêng cho người “tắm tiên”.
Nhưng hành động khỏa thân nơi công cộng bị hạn chế bởi vài luật khác: Luật trật tự công cộng xử phạt người khỏa thân xuất hiện nơi công cộng với ý định xúc phạm hay gây hoảng sợ, lo lắng cho người khác; Luật Xúc phạm tòa năm 1981 của Scotland phạt người khỏa thân xuất hiện trước tòa tối đa hai năm tù, hoặc phạt tiền hoặc cả hai.
Tòa án Scotland dùng hai luật nói trên để xử lý hành vi khỏa thân nơi công cộng của Gough.
Không được nhân danh quyền tự do ngôn luận
Sau khi bị tòa án Scotland phạt 330 ngày tù vì đã khỏa thân trong chuyến bay, Gough đã đưa đơn kiện lênTòa Nhân quyền châu Âu (ECHR), khiếu nại rằng quyền của ông ta theo điều 8 (quyền được tôn trọng cuộc sống riêng tư và gia đình) và điều 10 (quyền tự do tự do ngôn luận) của Công ước nhân quyền châu Âu bị vi phạm.
|
Gough trong một chuyến đi |
Ngày 28/10/2014, ECHR kết luận chính quyền Scotland không vi phạm nhân quyền và Gough phải chịu trách nhiệm về việc bị đối xử bằng “các biện pháp đàn áp” vì ông ta từ chối tuân thủ luật pháp nhiều lần trong nhiều năm. Tòa giải thích rõ quan điểm của tòa khi xử Gough thua kiện.
ECHR nói rằng Gough có trách nhiệm chấp nhận quan điểm của người khác, chứ không chỉ đòi người khác tôn trọng sự riêng tư của mình. Gough đòi quyền xuất hiện trần truồng mọi lúc, mọi nơi, kể cả tại tòa án, nhà giam, máy bay, khu vực công cộng mà chẳng đếm xỉa tới sự kinh tởm, ghê sợ, hoảng loạn của người khác khi thấy ông ta trần truồng trước mặt mình.
ECHR khẳng định các biện pháp của tòa Scotland không vi phạm quyền riêng tư của Gough
Sau phán quyết của ECHR, Gough đối diện với khả năng cả đời đi theo cái vòng lẩn quẩn: Bị bắt, được thả, bị bắt lại… nếu không chịu thôi cởi truồng đi rong./.