|
Tổng Biên tập Đào Văn Hội thay mặt những người làm báo Pháp luật Việt Nam cảm ơn sự quan tâm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng |
Chỉ với bộ khung vài người, tuần báo Pháp luật thường thức nhanh chóng trở thành tờ báo được dư luận trong và ngoài ngành quan tâm với việc thông tin kịp thời các vụ việc, vụ án xảy ra trên cả nước; tìm kiếm và biểu dương những sáng kiến, những gương điển hình tiên tiến trong công tác Tư pháp, chuyển tải nhanh những thông tin pháp lý đương đại làm cẩm nang cho cán bộ Tư pháp, Kiểm sát, Tòa án, Công an... khi tham gia xây dựng và thực thi pháp luật.
“Luồng gió” đổi mới không chỉ mang đến sức sống mới cho đất nước mà còn tạo sức bật mạnh mẽ cho nền báo chí nước nhà, trong đó có Pháp luật thường thức. Được đổi tên thành Báo Pháp luật với sự ủng hộ, tạo điều kiện tối đa của lãnh đạo Bộ Tư pháp, tờ báo nâng kỳ, nâng trang, từng bước trưởng thành và ngày một thêm chững chạc trong đội ngũ báo chí Cách mạng thời kỳ đổi mới.
Liên tục 20 năm sau đó, trên Báo Pháp luật thường xuất hiện liên tiếp các bài điều tra, câu chuyện vụ án, ký sự pháp đình... với những phân tích, bình luận pháp luật sâu sắc; là những kinh nghiệm pháp luật quý báu được chuyển ngữ, biên dịch từ báo chí nước ngoài; cả những câu chuyện nóng hổi từ thực tiễn đổi mới cơ chế, chính sách, pháp luật trên cả nước...
Không thể chỉ ngồi chờ bài của cộng tác viên gửi về, cũng không thể chậm trễ trong việc truyền tải thông tin, Báo Pháp luật thức thời với việc tăng lên 3 kỳ/tuần, xuất bản số cuối tuần và phụ trương, tìm chọn cán bộ và bắt đầu thi tuyển phóng viên, trong đó ưu tiên người tốt nghiệp ngành luật và báo chí...
Năng lượng được tích tụ, thiên thời - địa lợi – nhân hòa đã đủ, thời khắc kỷ niệm 20 năm ngày ra số báo đầu tiên cũng là lúc Báo Pháp luật một lần nữa chuyển mình lột xác, đổi tên thành Pháp luật Việt Nam, xốc lại hành trang đón vận hội mới cũng như sẵn sàng đương đầu mọi thử thách, cam go...
2. “Khi đặt bút ký phê duyệt Đề án Đổi mới về tổ chức và hoạt động của Báo Pháp luật Việt Nam giai đoạn 2008-2015, chính tôi cũng có rất nhiều cảm xúc. Lo không biết anh em có làm nổi không? Lo Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ phải tạo điều kiện thế nào đây, giúp được gì đây để tờ báo hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình, cũng là góp phần giúp hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Bộ Tư pháp” – Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, trong một lần xuống thăm Báo đã chia sẻ một cách rất chân tình như thế.
Không phụ lòng trông đợi của ngành Tư pháp, của Ban Cán sự Đảng và cá nhân Bộ trưởng – người luôn sâu sát, quan tâm và chỉ đạo gần như hàng ngày, hàng tuần, cuộc chuyển mình của Báo Pháp luật Việt Nam chính thức bắt đầu từ việc “định vị” lại nhiệm vụ chính trị của mình trong tình hình mới:
Nhìn nhận và phản ánh công tác Tư pháp dưới nhiều góc độ, từ nhiều vùng miền, khen ra khen, chê ra chê, thấu tình nhưng đạt lý, hướng đến sự nhân văn trong mục tiêu xây dựng một Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; Các vấn đề, sự kiện phản ánh trên Pháp luật Việt Nam phải đặt trong tổng thể bối cảnh chung của đất nước, của ngành Tư pháp; Giúp Đảng, Nhà nước, Chính phủ và ngành Tư pháp kịp thời phát hiện, tháo gỡ những chính sách, quy định pháp luật lỗi thời cũng như đề xuất những giải pháp, cách thức cụ thể; Những vụ việc, vụ án, sự kiện pháp luật cũng như mọi vấn đề xã hội khác cần được phản ánh khách quan, nhìn nhận dưới nhiều chiều cạnh, phân tích và làm rõ những bài học cần thiết để làm sao lan tỏa rộng nhất, sâu nhất kiến thức pháp luật đến người dân, giúp dư luận nhân dân hiểu đúng vấn đề, tự điều chỉnh nhận thức và hành vi của mình, góp phần hình thành một sự đồng thuận, đoàn kết và nhất trí cao trong toàn Đảng, toàn dân...
Sự định vị ấy đã là điểm đột phá, kích phát nguồn năng lượng mới từ tập thể và từng cá nhân làm báo Pháp luật Việt Nam. Một loạt ấn phẩm mới xuất hiện, nhanh chóng xây dựng thị trường và chiếm lĩnh thị phần riêng, đáp ứng đòi hỏi đa dạng, phong phú của nhiều đối tượng độc giả khác nhau:
Với đồng bào các dân tộc thiểu số, có ấn phẩm chuyên đề Dân tộc và Miền núi; Với giới doanh nhân, có ấn phẩm Doanh nhân & Pháp luật; Với bạn đọc thành thạo internet thì baophapluat.vn đã thực sự là địa chỉ truy cập nhanh chóng, đáng tin cậy; Báo Pháp luật Việt Nam hàng ngày bên cạnh việc đã quen thuộc với bạn đọc cả nước, nay còn là một trong 10 tờ báo có mặt đến cấp Đại đội trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, trở thành người bạn thân thiết của từ chiến sỹ cho đến những vị chỉ huy cao nhất trong lực lượng vũ trang; Cùng với nhật báo Pháp luật Việt Nam, Pháp luật Việt Nam điện tử (baophapluat.vn) thì trên các sạp, ai cũng có thể chọn cho mình một trong những ấn phẩm đặc sắc như Câu chuyện pháp luật, Xa lộ pháp luật, Pháp luật và Thời đại và mới nhất, Pháp luật 4 phương ra mắt bạn đọc – là ấn phẩm thứ 8 mà Pháp luật Việt Nam tổ chức xuất bản – dù chưa đầy 10 số, song đã sớm được đón nhận với tình cảm yêu thương, quý trọng của bạn đọc từ Bắc vào Nam; đón nhận những bài viết cộng tác gửi về từ nhiều nước trên thế giới như Anh, Mỹ, Australia...
Đa dạng, phong phú các ấn phẩm cũng đồng nghĩa với sự lan tỏa rộng rãi trong công chúng bạn đọc tư tưởng, triết lý mà những người làm báo Pháp luật Việt Nam đã lựa chọn: Tờ báo hay là tờ báo có nhiều độc giả; Có nhiều độc giả thì tất nhiên truyền tải được nhiều hơn định hướng về một Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và nhờ đó, củng cố uy tín, thế đứng của tờ báo, khẳng định uy tín, vị thế của ngành Tư pháp nước nhà.
Đội ngũ những người làm báo Pháp luật Việt Nam từng bước được trưởng thành và lớn mạnh, vững vàng về bản lĩnh chính trị và có nhiều sáng tạo, đột phá trong tư duy và phong cách làm báo mới, gắn bó với cuộc sống và đồng hành cùng bạn đọc. “Ngôi nhà” Pháp luật Việt Nam đã quy tụ được nhiều tên tuổi các nhà báo giàu lòng đam mê, bản lĩnh, sáng tạo trong việc tổ chức hoạt động nghiệp vụ và liên tục đổi mới nội dung các ấn phẩm, chuyên trang, chuyên mục tạo ra sức hấp dẫn liên tục của các ấn phẩm đối với bạn đọc.
Các phòng ban chuyên môn, cán bộ chủ chốt, các văn phòng đại diện trải dài khắp đất nước và cùng các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị từng bước được tăng cường đã tạo ra các nguồn lực, điều kiện thuận lợi để tờ báo hoàn thành nhiệm vụ chính trị và tiếp tục phát triển lên tầm cao mới.
3.Nhưng, cuộc sống thực tiễn không cho phép chúng ta sớm bằng lòng, thỏa mãn. Công cuộc đổi mới và phát triển đất nước đã và đang đặt ra nhiều đòi hỏi mới. Thực tế sự nghiệp cải cách Tư pháp, đổi mới năng lực hoạt động ngành Tư pháp đang có những yêu cầu khách quan, cụ thể nhưng khá nghiệt ngã.
Đời sống báo chí trước sức ép tự chủ tài chính, cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh bùng nổ của phương tiện kỹ thuật số, “bùng nổ” khả năng tác nghiệp báo chí của bất cứ công dân nào đang đặt báo chí – trong đó có Báo Pháp luật Việt Nam – trước những thách thức nghiệt ngã trên con đường phát triển.
Nếu như 20 năm đầu tiên kể từ 1985 xem như là giai đoạn “giải phóng mặt bằng”; “Đề án Đổi mới về tổ chức và hoạt động Báo Pháp luật Việt Nam giai đoạn 2008-2015” là việc mở đường băng đầu tiên thì có lẽ nên lấy mốc 30 năm làm xuất phát điểm để tăng tốc và cất cánh? Muốn trả lời cho được câu hỏi ngắn nhưng rất khó ấy, hẳn không nên chỉ ngoái nhìn lại mà còn phải biết dũng cảm từ bỏ nhiều thứ, kể cả những thứ tưởng chừng đã như thân thuộc, máu thịt.
Đó, phải chăng chính là biết tự hào nhưng dứt khoát không tự mãn; tự tin nhưng không chủ quan, duy ý chí; thận trọng nhưng phải quyết đoán, dám nghĩ, dám làm? Đó, phải chăng là tư duy, năng lực nhận biết, đón đầu xu thế thời cuộc, đường hướng đi lên của đất nước, tư duy và thói quen mới của độc giả để quyết liệt, dứt khoát tập trung cho mũi nhọn hay cùng tiến công trên mọi trận địa?
Đó phải chăng là bên cạnh việc giữ vững đoàn kết, thống nhất ý chí trong đội ngũ những người làm báo Pháp luật Việt Nam còn là nghiêm khắc, dứt khoát chia tay những cá nhân trì trệ, được chăng hay chớ, núp bóng mượn lời... để đón chào, tôn vinh những con người, những gương mặt làm báo giàu tâm huyết, giàu sức sáng tạo, bền bỉ và trung thành với sự nghiệp báo chí, sự nghiệp tư pháp Việt Nam?
Đó phải chăng còn là trăn trở tư duy và quyết tâm giải cho được bài toán kinh tế báo chí để vừa hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao vừa đảm bảo và từng bước nâng cao đời sống của cán bộ, phóng viên, biên tập viên để họ yên lòng, toàn tâm toàn ý với sự nghiệp chung?
Tam thập nhi lập – Pháp luật Việt Nam tuổi 30 trưởng thành và bước đi trên chính đôi chân của mình. Các thế hệ những người làm báo Pháp luật Việt Nam đang truyền cho nhau ngọn lửa đam mê và nhiệt tình cống hiến sức lực, trí tuệ của mình cho sự nghiệp báo chí cách mạng, sự nghiệp tư pháp, vì một Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
"Ba mươi năm, bấy nhiêu ngày/ Ngắm xem trời đất đổi thay còn nhiều." Làm báo là nhạy cảm với cái mới, đón bắt được cái mới và chỉ có thể làm được điều đó khi mỗi người cũng như tập thể làm Báo Pháp luật Việt Nam biết trân trọng nhưng không lệ thuộc vào những gì đã qua, tự hào nhưng không thỏa mãn với những gì đã có, ráng sức, dấn bước trong sáng tạo, đam mê sứ mệnh truyền thông pháp luật, miệt mài “chở luật” vào đời, phúc đáp nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc, của cuộc sống.
Khoảnh khắc sinh nhật tuổi 30 ngoái nhìn lại chặng đường đã qua rồi xốc lại hành trang, Pháp luật Việt Nam tự tin sải bước, hướng về tương lai. Nơi ấy, chân trời đang rạng ánh mai hồng...