Nhiều giáo viên mầm non ở huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) đã cống hiến cho ngành hàng chục năm và dạy dỗ biết bao thế hệ học sinh, thế nhưng, khi tuổi về hưu cận kề thì việc được vào biên chế, được hưởng chế độ tiền lương khi về hưu vẫn còn xa vời.
38 năm dạy học, không được vào biên chế
Trao đổi với PV PLVN Online, cô giáo Trần Thị Hương (SN 1958), giáo viên Trường Mầm non xã Phúc Trạch buồn bã tâm sự:"Sau khi tốt nghiệp cấp 2, tôi được Hợp tác xã giao nhiệm vụ đi học sơ cấp mẫu giáo và về quê dạy mầm non một năm sau đó. Đến nay, tôi đã cống hiến được hơn 38 năm trong nghề. Thế nhưng sau rất nhiều lần đấu tranh, tôi vẫn bị xếp ngoài biên chế"
|
Cũng theo lời cô Hương, năm 2007, cô được lãnh đạo Phòng GDĐT huyện Hương Khê vận động ra khỏi ngành với mức trợ cấp một lần duy nhất nhưng cô không chấp nhận. Lý do cô Hương đưa ra là vì nếu phải "về hưu" như thế thì khi tuổi già sức yếu chẳng biết làm gì để có thu nhập và sống tiếp quãng đời còn lại.
Theo lý giải của cô Hương, vì mới chỉ được đào tạo chuyên môn sơ cấp nên ngay quyền được đóng bảo hiểm của cô cũng rất khó khăn. Mãi nên đến năm 2007 (sau 31 năm trong nghề) cô mới "đòi” được quyền lợi chính đáng đó. Hiện tại, cô Hương còn hai năm công tác nữa, và lúc về hưu, cô mới được đóng bảo hiểm 6 năm và còn thiếu 14 năm mới được hưởng lương hưu theo luật.
Cô Phan Thị Dân (SN 1964), cùng trường với cô Hương cũng đang bức xúc vì việc bị xếp ngoài biên chế của mình. Cô Dân được chủ nhiệm hợp tác xã cử dạy học mẫu giáo với một điều kiện phải lấy chồng trong xã. Năm 1981, cô vào dạy lớp mẫu giáo. Đến năm 1999, mặc dù tuổi đã 35, cô vẫn theo học lớp Cao đẳng sư phạm mầm non tại chức nhưng đến nay cô vẫn ngoài biên chế nhà nước.
Tâm sự với PV, cô Phan Thị Mậu (SN 1966) cho biết:"Từ năm 1983, tôi đứng lớp thay cô giáo mẫu giáo trước đây chuyển lên dạy lớp một. Sau đó tôi được cử đi học sư phạm Mầm non. 28 năm trong nghề là 28 năm phấn đấu để học tập với hy vọng được vào biên chế. Hết sơ cấp, đến trung cấp rồi cao đẳng. Bên cạnh học tập là phấn đấu về chuyên môn, bốn năm liên tục từ 2003-2008 tôi luôn được công nhận giáo viên giỏi huyện nhưng vào biên chế thì vẫn chỉ là hi vọng xa vời".
Long đong cuộc sống ngoài biên chế
Theo các giáo viên mầm non chưa được vào biên chế ở huyện miền núi Hương Khê, ban đầu, họ được hợp tác xã trả lương theo định mức xã viên hợp tác xã nông nghiệp với mức thu nhập trả bằng thóc 40kg /vụ, nghĩa là một tháng được hơn 6 kg nhưng trả bằng cách giao ruộng tự sản xuất lấy sản phẩm, không thu sản lượng. Đến năm 1980, họ mới được hưởng tiền trợ cấp 20đ/tháng (khoảng 20kg thóc thời bấy giờ).
Năm 1982, khi ngành học mẫu giáo được chuyển cho Phòng Giáo dục quản lý, họ được cấp 80đ/tháng (từ ngân sách nhà nước 50đ, từ ngân sách xã 30đ). Mãi đến năm 2002, thì mới được trả lương 250 ngàn đồng /tháng từ 3 nguồn: ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương và từ nguồn thu học phí. Hiện nay, các giáo viên mầm non nơi đây được nhận 852 ngàn đồng/ tháng (chưa trừ bảo hiểm).
|
Với đồng lương ít ỏi như thế, cuộc sống của những giáo viên mầm non chưa được vào biên chế của huyện miền núi Hương Khê luôn khó khăn.
Cô Hương sớm mồ côi mẹ, phải 1 thân 1 mình nuôi 7 đứa em ăn học và dựng vợ gả chồng. Tuổi xuân đi qua, mãi năm 34 tuổi cô mới lấy một người đàn ông tật nguyền. Cuộc sống của gia đình vợ chồng cùng với đứa con vẫn chỉ phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi của cô Hương.
Với cô Mậu thì việc được vào biên chế là hy vọng của cả gia đình nên ưu tiên hết sức. Chồng cô đã bỏ việc ở một xí nghiệp đá về chăm lo việc nhà để vợ phấn đấu. Cô đi học, đi thao giảng đều có chồng đi theo giúp đỡ. Sinh 4 người con, hai con gái đã lấy chồng, con trai gần tốt nghiệp đại học mà biên chế của mẹ chỉ vẫn là mong mỏi.
Tâm sự với chúng tôi, những cô giáo ở trường mần non Phúc Trạch không dấu được những giọt nước mắt:"Nhiều em là học trò ngày xưa của mình, mới vào nghề vài ba năm, nếu dạy ở trường công lập đã được biên chế. Còn chúng tôi đến bây giờ vẫn phải chờ đợi trong vô vọng".
Về việc các giáo viên mầm non ở đây vẫn chưa được xét biên chế, cán bộ phòng GDĐT Hương Khê không dấu nổi bức xúc: "Chuyện các cô giáo mầm non ngoài biên chế chẳng khác gì chuyện "đem con bỏ chợ”. Khi cần thì họ tuyển nhưng đến khi không cần nữa thì thải họ ra một cách không thương tiếc. Đây là lỗi cơ chế, là sự bất cập của cả ngành học mầm non hiện nay”.
Đại diện phòng GDĐT huyện Hương Khê cho biết: "Lý do các cô giáo này không được vào biên chế là do trường Mầm non Phúc Trạch không được chuyển thành trường mầm non công lập, mà vẫn là trường mầm non dân lập. Phòng đã nhiều lần đề xuất với Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, thậm chí với HĐND tỉnh rồi mà vẫn chưa được”. |
Thiên Ân