4 ý nghĩa lớn khi sữa Việt xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc

(PLVN) - Sữa tươi là một trong những mặt hàng xuất khẩu có điều kiện khắt khe nhất. Việc xuất khẩu lô sữa tươi tiệt trùng đầu tiên sang thị trường Trung Quốc không chỉ mở ra cơ hội cho riêng tập đoàn TH- doanh nghiệp đầu tiên được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sữa tươi theo Nghị định thư- mà nó còn có ý nghĩa to lớn đối với ngành chăn nuôi bò sữa và sản xuất, chế biến sữa của Việt Nam.

Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy: Việc Việt Nam đã xuất khẩu được sữa tươi vào Trung Quốc, cụ thể là sữa tươi TH true MILK, theo Nghị định thư  về yêu cầu thú y và sức khỏe cộng đồng đối với các sản phẩm sữa có 4 ý nghĩa:

Tái cơ cấu nông nghiệp đi đúng hướng

Một là, khẳng định tái cơ cấu nông nghiệp, ưu tiên trục xuất khẩu nông sản là đúng hướng. Khi đã ưu tiên cho trục nông sản xuất khẩu thì đây vừa là mục tiêu vừa là giải pháp để tổ chức lại sản xuất. Thành công của TH true MILK cho thấy sự chuyên nghiệp của đội ngũ nhân lực và lao động đã đạt đến mức đi xa vào thị trường khó tính. Ở đó, doanh nghiệp, nông dân, và nhà khoa học dẫn dắt được chuỗi giá trị của Việt Nam.

Chuyên gia Hoàng Trọng Thủy nhấn mạnh, hàng Trung Quốc có nhiều ở Việt Nam nhưng hàng Việt Nam ở Trung Quốc lại chiếm số lượng khá khiêm tốn, đặc biệt là các mặt hàng nông sản. Theo Bộ NNPTNT tính đến nay chỉ có 9 sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu vào đất nước tỷ dân. Điều đó cho thấy tiêu chuẩn khắt khe trong nhập khẩu hàng hóa của thị trường này.

Việc tập đoàn TH trở thành doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam được phía Trung Quốc cấp phép xuất khẩu chính ngạch sữa tươi sang thị trường 1,4 tỷ dân cho thấy vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp- mà trong trường hợp này là vai trò dẫn dắt ngành hàng của tập đoàn TH.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhận định việc sữa Việt xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc có 4 ý nghĩa lớn
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhận định việc sữa Việt xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc có 4 ý nghĩa lớn

Mở đường cho xuất khẩu nông sản

Hai là, sự kiện này mở đường cho nông sản xuất khẩu, vừa giúp gia tăng về mặt khối lượng, giá trị, vừa giúp tạo cơ hội cho nông sản của vùng miền để tham gia vào chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu. Lô sữa xuất khẩu này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực, khả năng để đáp ứng với các tiêu chuẩn theo hợp đồng của bên khách hàng đặt.

Xét từ góc độ doanh nghiệp, tính chủ động được đặt lên hàng đầu và tập đoàn TH đã làm việc đó rất bài bản. Từ trước khi Nghị định thư về xuất khẩu sữa tươi chính ngạch sang Trung Quốc được ký kết, từ năm 2015, Tập đoàn TH đã chủ động tham gia các diễn đàn, hội nghị, hội chợ xúc tiến thương mại Việt- Trung, tích cực đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm dưới 80% sữa (chủ yếu là sữa chua) sang thị trường Trung Quốc từ sớm và đã được cấp phép xuất khẩu chính ngạch năm 2017. Cũng trong năm 2017, Tập đoàn TH đã có công ty chi nhánh thực hiện việc phân phối sản phẩm tại Quảng Châu.

“Để có thành quả là doanh nghiệp Việt đầu tiên được cấp phép nhập khẩu sữa tươi sạch vào Trung Quốc hôm nay, Tập đoàn TH chúng tôi đã miệt mài theo đuổi một chiến lược từ năm 2008, chứ không phải mới chuẩn bị trong thời gian gần đây” – Bà Thái Hương, Nhà sáng lập Tập đoàn TH đã chia sẻ tại Lễ công bố xuất khẩu lô sản phẩm sữa đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc ngày 22.10 vừa qua.

Lễ công bố xuất khẩu lô sản phẩm sữa đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc ngày 22.10
  Lễ công bố xuất khẩu lô sản phẩm sữa đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc ngày 22.10

Thúc đẩy liên kết trong chuỗi sản xuất

Thứ ba, theo chuyên gia Hoàng Trọng Thủy, sự kiện này thúc đẩy liên kết ngang giữa doanh nghiệp với nông dân, doanh nghiệp với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và cùng thúc đẩy liên kết dọc theo đường đi của nông sản; đồng thời thúc đẩy cả liên kết giữa địa phương và trung ương.

Mở rộng vấn đề này, một số chuyên gia nhấn mạnh về bài học dồn ứ hàng ngàn tấn mực khô, cá nục khô ở một số tỉnh miền Trung xuất khẩu đi Trung Quốc khi không kịp cập nhật thông tin thị trường này yêu cầu phải có mã vạch thông tin về nguồn gốc xuất xứ. “Nếu bài học của TH được nhân rộng, nông dân và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng nông sản khác đã có sự liên kết, thông tin để chủ động chuẩn bị các yêu cầu phù hợp với xuất khẩu”- ông Thủy nói.

Thúc đẩy đổi mới chính sách

Thứ 4, xuất khẩu nông sản chính ngạch sẽ là hoạt động đòi hỏi sự cách tân của nhà nước, đòi hỏi sự cách tân của những người làm chính sách, đòi hỏi sự cách tân của người làm giao thương, làm thương mại. Nếu không cách tân thì không thể nói là sự mở đường cho sự phát triển.

Ở đây chúng ta thấy bài học cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Trung Quốc là nếu không nghiên cứu thị trường một cách bài bản, nếu không có khoa học công nghệ để áp dụng từ khâu đầu và chứng minh sản phẩm bảo đảm chất lượng trong chuỗi sản xuất thì tính cạnh tranh và khả năng vượt qua hàng rào kỹ thuật mà các nước đang xây dựng là rất khó. Việc “khó” này, tập đoàn TH đã làm được, thể hiện năng lực và tư duy vượt trội trong việc đón đầu “đưa ly sữa Việt Nam ra thế giới” một cách quy chuẩn, bài bản.

Sử dụng các thiết bị máy móc, công nghệ hiện đại trong chăn nuôi, sản xuất, tập đoàn TH cho thấy cách làm bài bản để tạo ra ly sữa Việt chất lượng.
Sử dụng các thiết bị máy móc, công nghệ hiện đại trong chăn nuôi, sản xuất, tập đoàn TH cho thấy cách làm bài bản để tạo ra ly sữa Việt chất lượng. 

Ngày 16/10/2019, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã có Thông báo số 156/2019 chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm sữa từ Việt Nam vào thị trường Trung Quốc; đồng thời, công bố Công ty Cổ phần sữa TH (thuộc tập đoàn TH) là doanh nghiệp đầu tiên đủ điều kiện được cấp mã số xuất khẩu 2 nhóm sản phẩm sữa. Cho tới thời điểm này, TH vẫn là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất đáp ứng được các tiêu chuẩn của Nghị định thư về yêu cầu thú y và sức khỏe cộng đồng đối với các sản phẩm sữa.

“Trước hết chúng ta thấy Tập đoàn TH không đơn thuần là một doanh nghiệp xuất khẩu, mà là một nhà sản xuất, đồng thời gắn với vùng nguyên liệu. Như vậy bản thân trong Tập đoàn TH đã hình thành một chuỗi sản xuất hàng hóa từ khâu trồng trọng, chăn nuôi cho đến khâu sản xuất chế biến đến tìm hiểu thị trường và bán ra thị trường”.

(Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội)

“TH true MILK là thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam, họ đã làm rất tốt vấn đề thị trường, vấn đề giám sát an toàn thực phẩm. Vì vậy, sản phẩm sữa xuất khẩu theo con đường chính ngạch để vào Trung Quốc, không chỉ có ý nghĩa đơn thuần xuất khẩu một sản phẩm sữa, mà nó còn có ý nghĩa lớn lao hơn đó là cơ hội để chúng ta cũng mở ra hướng đi lớn hơn về việc xuất khẩu các sản phẩm khác, các thị trường khác nữa”.

(Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT)

Đọc thêm