400 'ông lớn' ngành lúa gạo thế giới hội tụ tại Đà Nẵng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hội nghị lúa gạo toàn cầu - SS Rice News Convention 2024 mới khai mạc tại Trung tâm hội nghị quốc tế Ariyana Đà Nẵng, với sự tham dự của hàng trăm nhà xuất nhập khẩu, cung cấp các dịch vụ phụ trợ, các chuyên gia tại 30 quốc gia.
Lần đầu tiên hội nghị lúa gạo toàn cầu tổ chức tại Việt Nam.
Lần đầu tiên hội nghị lúa gạo toàn cầu tổ chức tại Việt Nam.

Đây là sự kiện quan trọng lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, thu hút sự tham gia của hơn 400 nhà nhập khẩu, xuất khẩu và cung cấp các dịch vụ phụ trợ trong ngành lúa gạo trên thế giới; cùng nhiều chuyên gia và nhà nghiên cứu hàng đầu trong ngành từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Sự kiện có sự tham gia của lãnh đạo các hiệp hội lúa gạo lớn như Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Pakistan, Myanmar và lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT Việt Nam.

Sự kiện diễn ra trong 2 ngày 6 và 7/3, tập trung vào việc phân tích và thảo luận về các xu hướng thị trường, cập nhật về chính sách xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong bối cảnh nước này áp dụng các hạn chế xuất khẩu, cũng như tìm hiểu các nguồn cung cấp gạo thay thế toàn cầu, đặc biệt từ khu vực Đông Nam Á. Các vấn đề về thị trường vận tải biển, ảnh hưởng của thời tiết và chính trị đến ngành lúa gạo cũng được đưa ra thảo luận sâu rộng.

Trong khuôn khổ hội nghị còn có khu vực triển lãm để trưng bày các sản phẩm, dịch vụ thuộc chuỗi thương mại gạo đến từ các quốc gia sản xuất lúa gạo.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hiện tình hình thương mại gạo toàn cầu đang chịu tác động bởi nhiều yếu tố đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo của nhiều quốc gia.

Việt Nam là một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, nên tất cả sự thay đổi về chính sách, biến động về cung cầu và khuynh hướng giá cả của các quốc gia tiêu thụ gạo trên thế giới đều ảnh hưởng trực tiếp đến ngành gạo Việt Nam.

Thời gian qua, với các chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành cùng các giải pháp khơi thông thị trường, lưu thông hàng hóa, việc thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu đối với mặt hàng gạo đã ghi nhận được một số kết quả tích cực, góp phần tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân.

Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam cũng luôn tích cực thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp, tìm kiếm thị trường, hỗ trợ và đề xuất các giải pháp về vốn, đầu tư khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng lúa gạo tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội nghị.

Ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội nghị.

Theo Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, năm 2024, trong bối cảnh theo nhiều chuyên gia dự báo tình hình thế giới vẫn sẽ có nhiều khó khăn thì xuất khẩu gạo Việt Nam đã có những tín hiệu lạc quan ngay từ những tháng đầu năm. Kim ngạch xuất khẩu gạo tháng 1 đã đạt 362 triệu USD, tăng 7% so với cùng kì năm trước.

Bên cạnh đó, theo nhiều dự báo, giá gạo sẽ còn tăng trong năm 2024 do nguồn cung bị thắt chặt do các hạn chế xuất khẩu đang diễn ra của Ấn Độ. Sự khởi đầu của El Nino và tác động tiềm tàng của hiện tượng thời tiết này đối với các khu vực trồng lúa chính cũng đã làm tăng thêm mối lo ngại về nguồn cung.

"Đây là cơ hội rất lớn cho ngành lúa gạo và doanh nghiệp Việt Nam, song cơ hội luôn song hành cùng thách thức. Tại hội nghị lần này, với sự tham gia của đông đảo cộng đồng các chuyên gia, các doanh nghiệp, thương nhân sản xuất, kinh doanh xuất khẩu gạo của Việt Nam và các đối tác quốc tế thể hiện sự chủ động của cộng đồng doanh nghiệp gạo trong hoạt động nghiên cứu, bám sát thị trường, tổ chức kinh doanh hiệu quả, bền vững. Chúng ta sẽ cùng bàn luận, đưa ra đề xuất, kiến nghị thực tiễn từ nhu cầu xúc tiến xuất khẩu của các doanh nghiệp; để từ đó đề ra các giải pháp, kế hoạch cụ thể hỗ trợ phát triển thị trường gạo trong năm 2024", ông Sơn nói.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung vào việc phân tích và thảo luận về các xu hướng thị trường, cập nhật về chính sách xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong bối cảnh nước này áp dụng các hạn chế xuất khẩu, cũng như tìm hiểu các nguồn cung cấp gạo thay thế toàn cầu, đặc biệt từ khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, các vấn đề về thị trường vận tải biển, ảnh hưởng của thời tiết và chính trị đến ngành lúa gạo cũng được đưa ra thảo luận sâu rộng.

Dịp này, các đại biểu cũng đã chia sẻ những thông tin hữu ích, đề xuất các giải pháp thiết thực trong công tác phát triển thị trường, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ngành gạo khai thác đa dạng các thị trường xuất khẩu cũng như xây dựng, nâng cao vị thế thương hiệu ngành gạo Việt Nam.

Đọc thêm