Đây là lần thứ 4 việc xếp hạng doanh nghiệp được tiến hành dựa trên kết quả đánh giá việc triển khai thực hiện Bộ quy tắc ứng xử dành cho các doanh nghiệp đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được xây dựng vào năm 2010 và giám sát đánh giá với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Trong số 86 doanh nghiệp được xếp hạng năm 2016, có 37 doanh nghiệp được xếp hạng 5 sao; 41 doanh nghiệp được xếp hạng 4 sao và số còn lại được xếp hạng 3 sao. Những doanh nghiệp được xếp hạng này đã đưa trên 60% tổng số người lao động đi làm việc tại nước ngoài trong năm 2016. Trong năm tới, số lượng doanh nghiệp tham gia đánh giá, xếp hạng này sẽ tăng lên 106 doanh nghiệp.
Số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã tăng lên đáng kể trong vòng 2 thập kỷ qua. Trong năm 2016, có 278 doanh nghiệp được cấp giấy phép đang hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, phái cử được 126.000 lao động đi làm việc ngoài nước – số lượng hàng năm cao nhất cho đến nay.
Nói thêm về Bộ quy tắc ứng xử dành cho các doanh nghiệp đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Bộ quy tắc này là một công cụ tự nguyện được áp dụng đối với các doanh nghiệp đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nhằm cải thiện mức độ tuân thủ với luật pháp Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế, thúc đẩy quản lý doanh nghiệp tốt hơn và bảo vệ người lao động làm việc ở nước ngoài khỏi việc bị bóc lột, kể cả lao động cưỡng bức và mua bán người.
Ông Nguyễn Lương Trào - Chủ tịch VAMAS cho biết: “Ngày càng nhiều doanh nghiệp áp dụng Bộ quy tắc ứng xử đã có những tiến bộ” trên nhiều lĩnh vực như chọn đối tác và đơn hàng tốt, tuyển chọn, đào tạo cho người lao động, hỗ trợ người lao động ở nước ngoài và chắp nối việc làm cho người lao động trở về.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Lương Trào cũng cho biết, các vi phạm của doanh nghiệp khi thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong năm 2016 bao gồm không báo cáo theo định kỳ, đào tạo không đầy đủ, thu phí cao hơn quy định và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài khi chưa được phép.