5 bộ phận cơ thể người bẩn không ngờ

(PLO) - Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa thì bồn cầu còn… sạch hơn nếu so với một số bộ phận cơ thể người. Dưới đây là 5 bộ phận cơ thể chứa nhiều vi khuẩn nhất mà không mấy ai ngờ tới:

Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Bàn tay
Sự xuất hiện của bàn tay trong bảng xếp hạng này là điều không quá ngạc nhiên bởi hàng ngày, chúng ta sử dụng tay để làm hầu hết mọi việc và tiếp xúc với mọi thứ trên đời, từ tay nắm cửa, điện thoại, tiền bạc, nút gạt nước bồn cầu, cho đến bàn phím máy tính, nút bấm ATM... Trong số những vật dụng này thì máy ATM được coi là sạch sẽ nhất, vì số lượng vi khuẩn chỉ tương đương… bồn cầu mà thôi. 
Đặc biệt, theo Tiến sĩ Val Curtis – chuyên gia dịch tễ và sức khỏe cộng đồng tại London - rất nhiều người có vi khuẩn E.coli – một loại vi khuẩn có trong phân người – trú ngụ trên tay. Chỉ tính riêng tại Anh, tỉ lệ người có E.coli trên tay đã là 28%. Một số chủng E.coli là nguyên nhân gây tiêu chảy cấp và nhiều bệnh đường ruột nguy hiểm khác hoặc thậm chí là suy thận, rối loạn máu, dẫn đến tử vong. Mặc dù tay là nơi bẩn kinh khủng nhưng chúng ta cũng không cần quá lo lắng nếu bạn chịu khó rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh bằng xà phòng diệt khuẩn.
Râu
Chị em phụ nữ nên cảm thấy hạnh phúc khi trên mặt mình không tồn tại một trong những bộ phận bẩn hơn cả bồn cầu, đó là râu. Theo kết quả nghiên cứu mới đây của Tiến sĩ John Golobic - nhà vi sinh vật học người Mỹ, nhiều mẫu râu của nam giới... bẩn hơn phần lớn bồn cầu trong các hộ gia đình. Thủ phạm gây ra tình trạng này lại chính là… bàn tay. Nhiều nam giới có thói quen vân vê râu nên những vi khuẩn trên tay người có thể truyền sang râu của họ.
Gương mặt
Chắc chắn sẽ có không ít người thắc mắc tại sao gương mặt - một bộ phận chẳng va chạm với thứ gì bao giờ - lại là một trong những nơi chứa nhiều vi khuẩn nhất. Nhưng bạn sẽ không ngạc nhiên khi biết rằng nguyên nhân đến từ chính... chiếc điện thoại di động của chúng ta. Theo một nghiên cứu vào năm 2012, điện thoại di động chứa số lượng vi khuẩn gây bệnh nhiều gấp 10 lần bồn cầu. 
Thậm chí theo một số báo cáo, đã từng có một người đàn ông bị nhiễm Ebola (virus gây bệnh có thể lây qua đường bài tiết) sau khi... ăn trộm một chiếc điện thoại trong vùng dịch. Những vi khuẩn khủng khiếp này sẽ “bò” lên mặt bạn trong quá trình nghe điện thoại. Kết hợp cùng với ô nhiễm không khí, mặt bạn sẽ trở thành cả một ổ vi khuẩn. Vì vậy, nếu bạn bị mụn mà chữa mãi không khỏi, rất có thể là do thói nghe áp điện thoại vào má để nghe, gọi.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là kể từ giờ bạn sẽ phải kè kè chai sữa rửa mặt bên người mỗi ngày mà bạn chỉ cần hạn chế sờ tay lên mặt hoặc áp điện thoại vào má.
Miệng
Các khoa học thuộc Khoa Y dược Đại học Harvard (Mỹ) đã tìm ra tới 615 loại vi khuẩn khác nhau sống ngay trong miệng chúng ta, trong đó có cả vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại. Nếu vi khuẩn có hại phát triển mạnh vì một lý do nào đó, bạn sẽ bị mắc các bệnh về răng miệng như sâu răng, hôi miệng, viêm lợi… 
Các bác sỹ thường khuyên bạn đánh răng đều đặn 3 lần mỗi ngày để giữ vệ sinh răng miệng. Thế nhưng, thực tế là ngay cả khi bạn đánh răng nhiều, chưa chắc các loại vi khuẩn này đã được dọn sạch. Nguyên nhân là do… chính chiếc bàn chải của chúng ta. Bàn chải đánh răng là vật dụng bẩn hơn gấp nhiều lần bồn cầu. 
Theo các nhà khoa học, khi xả nước bồn cầu, những vi trùng từ đây có thể nhảy xa gần 2m, tức là những vật dụng khác trong nhà vệ sinh như giấy vệ sinh, khăn tắm, khăn mặt và cả bàn chải đánh răng đương nhiên sẽ hứng trọn toàn bộ các loại vi khuẩn từ bồn cầu. Nấm mốc sẽ tấn công bàn chải đánh răng chỉ trong vòng 2 tiếng sau đó. 
Để ngăn cản chuyện này hãy để bàn chải đánh răng, cũng như các vật dụng tiếp xúc trực tiếp với chúng ta ở một vị trí khác an toàn hơn. Ngoài ra, bạn có thể ngâm bàn chải đánh răng trong nước súc miệng có chứa cetylpyridinium chloride - một chất diệt khuẩn vô hại với con người.
Lỗ rốn
Lỗ rốn là bộ phận thường bị lãng quên khi chúng ta tắm rửa nên đương nhiên nó cũng trở thành một ổ vi trùng. Các nhà khoa họ đã tìm ra tới... hơn 2.000 loại vi khuẩn khác nhau có trong 60 mẫu lỗ rốn, trong đó có tới quá nửa là vi khuẩn hoàn toàn mới. Tuy nhiên, rốn là một bộ phận khá nhạy cảm, nếu không vệ sinh đúng cách bạn sẽ có nguy cơ mắc các bệnh như nhiễm trùng rốn, nang niệu rốn, tạo thành áp xe rốn, ổ áp xe to, mưng mủ… 
Vì vậy, trước khi vệ sinh rốn bạn hãy chú ý rửa sạch tay và nhẹ nhàng làm sạch rốn bằng xà phòng diệt khuẩn với tăm bông hoặc khăn mềm để tránh làm rốn bị trầy xước.
Tất nhiên, bạn không cần quá lo lắng khi biết trên người mình có nhiều vi khuẩn bởi con người có cơ thể tự bảo vệ rất đặc biệt. Bằng cách giữ gìn vệ sinh cơ thể theo những lời khuyên trên, bạn sẽ giúp cơ thể mình đỡ “vất vả” hơn trong việc chống chọi với các loại vi khuẩn có hại.

Đọc thêm