5 hộ dân phường Nghĩa Đô sẽ khởi kiện Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy

5 hộ dân là chủ sở hữu hợp pháp khu đất 1.263,5m2 trước Trường Tiểu học Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, từ khi khu đất bị thanh tra đến nay vẫn có những nhà đầu tư đề nghị cả 5 hộ dân bán lại khu đất này. Việc các nhà đầu tư chấp nhận mua khu đất cho dù sổ đỏ bị thu hồi khiến các hộ dân đặt nghi vấn phải chăng có người đứng sau sự việc nhằm “cướp đất” của họ?.

[links()]5 hộ dân là chủ sở hữu hợp pháp khu đất 1.263,5m2 trước Trường Tiểu học Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, từ khi khu đất bị thanh tra đến nay vẫn có những nhà đầu tư đề nghị cả 5 hộ dân bán lại khu đất này. Việc các nhà đầu tư chấp nhận mua khu đất cho dù sổ đỏ bị thu hồi khiến các hộ dân đặt nghi vấn phải chăng có người đứng sau sự việc nhằm “cướp đất” của họ?.

PLVN đã thông tin việc 5 hộ dân bỗng dưng bị thu hồi sổ đỏ. Tìm hiểu của nhóm phóng viên mới đây cho thấy, nguyên do sổ đỏ bị thu hồi là bởi kết luận thanh tra của Quận và TP Hà Nội đều cho rằng khu đất này thuộc diện đất giao khoán. Song, theo hồ sơ và xác nhận của HTX Nông nghiệp An Phú thì thực tế tại thời điểm năm 1993, khu đất nông nghiệp này đã được giao cho người dân sử dụng ổn định, lâu dài theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, các hộ dân đều được cấp sổ thuế nông nghiệp gia đình, không có tranh chấp với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

“Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị chính quyền cung cấp hồ sơ, tài liệu chứng minh về việc đây là đất giao khoán nhưng chính quyền vẫn trả lời lòng vòng và không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào. Các hộ dân khác được giao đất như chúng tôi cũng đều được cấp sổ đỏ, không có tranh chấp gì và chính quyền cũng không thu hồi”, bà Thủy khẳng định.

Về vấn đề kết luận thanh tra cho rằng khu đất của 5 hộ dân là “đất trống xen kẽ”, bà Thủy cho rằng: “Không có văn bản pháp luật nào định nghĩa “đất trống” và quy định loại đất này sẽ phải bị thu hồi. Khu đất này là đất nông nghiệp được giao cho các hộ từ năm 1993, đến năm 2005 đã được Thành phố quy hoạch là đất ở thấp tầng, nhà vườn, biệt thự theo Quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Tây Hồ Tây, tỷ lệ 1/2000 được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 13/2005/QĐ-UB ngày 01/02/2005, trên đất có cả nhà cấp bốn, chính quyền không thể gọi khu đất trên thành “đất trống” để rồi thu hồi của chúng tôi”.

“Chính Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy là người đã ký quyết định cấp sổ đỏ cho chúng tôi, chúng tôi đã thực hiện theo đúng hướng dẫn của các đồng chí cán bộ có trách nhiệm, vậy tại sao bây giờ chính quyền lại nói thủ tục,hồ sơ sai sót và đổ hết trách nhiệm lên đầu người dân chúng tôi”, cả 5 hộ dân bức xúc cho biết.

Sau khi được cấp sổ đỏ, bà Nguyễn Thị Hùy đã chuyển nhượng khu đất của mình cho ông Lê Văn Thân từ năm 2010 và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng đã được sang tên cho ông Thân. Hiện nay, sổ đỏ đã được ông Thân làm tài sản thế chấp vay tiền ngân hàng để có tiền trả bà Hùy. “ Nếu không được cấp sổ đỏ hợp pháp thì làm sao tôi có thể chuyển nhượng được cho ông Thân và làm sao ông thân có thể vay thế chấp ngân hàng?”, bà Hùy nói.

Đặc biệt, theo bà Quyên phản ánh thì các cuộc họp của hộ dân với chính quyền rất mang tính hình thức, người dân cứ nói, cứ trình bày nhưng đại diện Phường thì trả lời: “Quận đã chỉ đạo rồi không làm khác được”, Quận cũng trả lời: “Thành phố đã chỉ đạo rồi không làm khác được”. Rõ ràng, các cơ quan này đang đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, mặc dù chính quyền biết sai nhưng vẫn làm, ý kiến của người dân chỉ như "nước đổ lá khoai"?.

Không những thế, cả 5 hộ dân mới đây tá hỏa khi UBND Quận Cầu Giấy thông báo: Đã ban hành Quyết định số 744/QĐ-UBND từ ngày 01/02/2013 về việc thu hồi sổ đỏ của các hộ dân. “Hơn 6 tháng qua, chúng tôi, những người phải thi hành không hề hay biết gì về Quyết định này. Chúng tôi chưa một ai nhìn thấy và chưa hề biết đến nội dung của quyết định trên”, cả 5 hộ dân khẳng định.

Trước quyết định “từ trên trời rơi xuống”, người dân hết sức bức xúc cho rằng UBND quận Cầu Giấy thiếu minh bạch, làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện quyền khiếu nại, khiếu kiện của các hộ dân do thời gian khiếu nại, khiếu kiện của người dân đang có nguy cơ bị thu ngắn lại.

Trao đổi với PLVN, luật sư đại diện cho 5 hộ dân cho biết hệ quả pháp lý của việc thu hồi giấy chứng nhận đã cấp cho các hộ dân có thể sẽ rất phức tạp và nặng nề. Nếu các hộ dân bị thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho những lợi ích mà số tiền hơn 14 tỷ đồng sẽ mang lại cho các hộ dân nếu họ không dùng để nộp vào ngân sách nhà nước từ năm 2009 để xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?. Ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường phần lãi suất mà ông Thân đã phải trả để vay tiền ngân hàng?.

Những câu hỏi lớn này đang được người dân đặt ra với các cấp chính quyền. Trong khi đó, các hộ dân cho biết, từ khi khu đất bị thanh tra đến nay vẫn có những nhà đầu tư đề nghị 5 hộ dân bán lại khu đất này. “Họ chấp nhận mua đất kể cả trường hợp bị thu hồi sổ đỏ. Phải chăng có ai đứng đằng sau vụ việc để “thâu tóm” khu đất với mục đích tư lợi”, bà Thủy đặt câu hỏi.

Các hộ dân cho biết, họ sẽ khởi kiện Quyết định của Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy ra Tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. “Chính Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy là người ký Quyết định cấp sổ đỏ cho chúng tôi, giờ lại thu hồi sổ đỏ của chúng tôi; Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy là người chịu trách nhiệm chính trong vụ việc này”, các hộ dân chia sẻ.

Nhóm PVĐT

Đọc thêm