5 hộ dân yêu cầu hủy bỏ các quyết định cưỡng chế của Chủ tịch phường Nghĩa Đô

Hôm qua, 22/8, trả lời phóng viên PLVN về vụ 5 hộ dân bỗng dưng bị thu hồi sổ đỏ khiếu nại UBND phường Nghĩa Đô, bà Trần Thị Yến, Phó chủ tịch UBND Phường cho biết đã nhận đủ 5 đơn khiếu nại và đang giải quyết theo đúng trình tự của pháp luật.

[links()]Hôm qua, 22/8, trả lời phóng viên PLVN về vụ 5 hộ dân bỗng dưng bị thu hồi sổ đỏ khiếu nại UBND phường Nghĩa Đô, bà Trần Thị Yến, Phó chủ tịch UBND Phường cho biết đã nhận đủ 5 đơn khiếu nại và đang giải quyết theo đúng trình tự của pháp luật.

Trước đó, như PLVN đã thông tin, 5 hộ dân đã tiến hành khởi kiện Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy ra Tòa. Các hộ dân cho biết UBND Quận Cầu Giấy đã “âm thầm” ra quyết định thu hồi sổ đỏ của các hộ dân từ ngày 01/02/2013 nhưng các hộ dân hoàn toàn không biết và không được nhận quyết định thu hồi sổ đỏ  này.

Mãi tới ngày 13/8/2013, khi báo chí đã lên tiếng về sự việc và 5 hộ dân mời luật sư bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình thì UBND Quận mới “đột ngột” đưa ra thông báo đã có quyết định thu hồi cách đây 6 tháng. “UBND quận né tránh người dân, không tổ chức bất cứ cuộc đối thoại nào với dân, “ém” quyết định hơn 6 tháng qua là có dụng ý gì?”, các hộ dân bức xúc đặt câu hỏi.

Một góc khu đất của 5 hộ dân đã được cấp sổ đỏ bỗng dưng có nguy cơ bị thu hồi
Một góc khu đất của 5 hộ dân đã được cấp sổ đỏ bỗng dưng có nguy cơ bị thu hồi

Người dân càng bức xúc hơn khi ngày 13/8/2013 quận thông báo thu hồi sổ đỏ thì ngày 14/8/2013, chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô lại ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ dãy nhà cấp 4 của 5 hộ dân với lý do không có giấy phép xây dựng. “Dãy nhà cấp 4 nằm trên khu đất đã được xây dựng từ trước khi chúng tôi mua đất, đến năm 2011, do dãy nhà xuống cấp, các hộ dân chúng tôi chỉ tiến hành sửa chữa và lợp lại mái tôn. Chúng tôi đã được ký hợp đồng cấp điện, nước, sinh sống ổn định từ bao năm nay, phường không thể vin vào “cớ” không có giấy phép xây dựng để cưỡng chế phá dỡ. Việc sửa chữa nhà của chúng tôi không thuộc diện phải xin giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật”, bà Thủy, đại diện các hộ dân cho biết.

Theo phân tích của luật sư đại diện cho các hộ dân thì tại khoản 4 Điều 7 Quyết định số 04/2010/QĐ-UBND ngày 20/01/2010 của UBND thành phố Hà Nội đã có quy định: đối với các công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực và an toàn của công trình, thì không phải xin giấy phép xây dựng. Trường hợp các hộ dân chỉ sửa chữa lại mái và tu bổ lại dãy nhà cấp 4 thì không phải xin cấp phép xây dựng. Hơn nữa, người dân đã có ý thức tuân thủ pháp luật, đã nhiều lần làm các thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng nhưng UBND quận Cầu Giấy không cấp phép với lý do khu đất đang bị thanh tra.

Ngày 22/8/2013 các hộ dân cho biết đã gửi đơn khiếu nại yêu cầu hủy bỏ các quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng của Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô.

Cùng ngày 22/8/2013, tại buổi làm việc với phóng viên bà Trần Thị Yến, Phó chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô cho biết phường đã nhận được đơn khiếu nại của các hộ dân và đang thụ lý theo đúng quy trình, phường sẽ có một cuộc gặp gỡ với các hộ dân.

Cũng tại buổi làm việc này, ông Nguyễn Thế Cường, thanh tra xây phường Nghĩa Đô khẳng định việc chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô cưỡng chế công trình không được cấp phép là đúng thẩm quyền. Theo kế hoạch của UBND Quận, lẽ ra việc cưỡng chế đã được thực hiện vào ngày 15/8 nhưng vì công trình này đang phải xây dựng phương án tháo dỡ theo đúng quy định nên bị chậm vài ngày. UBND Phường đang xây dựng phương án để trình ban quản lý đô thị. "Vì đây là công trình cao trên 3,5m nên phải có kế hoạch tháo dỡ. Chúng tôi đang hoàn thiện thủ tục và kế hoạch để trình UBND quận”, ông Cường khẳng định.

Nếu đúng như những thông tin ông Cường cung cấp thì rõ ràng quận Cầu Giấy và phường Nghĩa Đô sẽ cương quyết tiến hành cưỡng chế, bỏ mặc những câu hỏi treo lơ lửng về tính pháp lý của quyết định cưỡng chế cũng như quyết định thu hồi sổ đỏ và bức xúc của người dân và hệ lụy của việc sổ đỏ thu hồi trong khi khu đất đã được chuyển nhượng, thậm chí đã được cầm cố để vay vốn ngân hàng?

Cần thông tin lại rằng, sở dĩ người dân không “tâm phục khẩu phục” là bởi họ đã được cấp sổ đỏ từ năm 2009 dưới sự hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền của quận Cầu Giấy và chính Chủ tịch quận này đã ký sổ đỏ cấp cho họ. 4 năm sau, do xuất hiện đơn thư tố cáo nên khu đất này mới bị thanh tra.

Tuy nhiên, người dân không chấp nhận kết luận thanh tra của cả Quận và Thành phố và đã có đơn khiếu nại nói rõ các nội dung bất hợp lý của các quyết định này. Cụ thể: theo kết luận số 3535/KL-UBND ngày 21/8/2012 của UBND Quận Cầu Giấy và Kết luận Kết luận số 1018/KL-TTTP-P4 ngày 3/5/2013 của Thanh tra thành phố Hà Nội thì khu đất của 5 hộ dân thuộc diện đất giao khoán. Nhưng theo hồ sơ và xác nhận của HTX Nông nghiệp An Phú trước đây quản lý khu đất này thì thực tế tại thời điểm năm 1993, khu đất nông nghiệp này đã được giao cho người dân sử dụng ổn định, lâu dài theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, các hộ dân đều được cấp sổ thuế nông nghiệp gia đình, không có tranh chấp với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

Mặt khác, chính kết luận của Thanh tra Thành phố Hà Nội cũng khẳng định đây không phải là đất 5% (đất công ích) của UBND cấp xã vậy thì UBND phường Nghĩa Đô không thể có đất nông nghiệp để giao khoán như kết luận thanh tra đã nêu.

Theo điều tra của nhóm phóng viên thì tại địa phận phường Nghĩa Đô nói riêng và quận Cầu Giấy nói chung, có nhiều thửa đất nông nghiệp xen kẽ khu dân cư - với những điều kiện và tính chất tương tự như khu đất nói trên đã được cấp GCNQSD đất ở theo một quy trình áp dụng như đối với các thửa đất của 5 hộ gia đình nhưng lại không bị thu hồi.

“Chúng tôi sẽ đấu tranh đến cùng để đòi lại công lý”, bà Thủy chia sẻ với PLVN.

Nhóm PVĐT

Đọc thêm