5 lần trả hồ sơ vẫn chưa xử được một vụ án?

Theo luật thì Tòa có quyền tuyên bố bị cáo không có tội khi những chứng cứ mà Cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát thu thập không đầy đủ để chứng minh cho lời buộc tội. Thế nhưng, thực tế thì Tòa đã không thể quyết định theo luật, đâu là lý do?.

Theo luật thì Tòa có quyền tuyên bố bị cáo không có tội khi những chứng cứ mà Cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát thu thập không đầy đủ để chứng minh cho lời buộc tội. Thế nhưng, thực tế thì Tòa đã không thể quyết định theo luật, đâu là lý do?

 

Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Cty Cổ phần chứng khoán Bảo Việt do CQĐT Bộ Công an khởi tố từ tháng 4/2009. Sau hơn 1 năm điều tra và điều tra bổ sung lần 1, tháng 8/2010, VKSND tối cao có cáo trạng truy tố bị can Trần Minh Anh và chuyển hồ sơ cho TAND TP Hà Nội để xét xử. Tuy nhiên, chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là tròn 2 năm vụ án rơi vào thế bế tắc với 5 lần Tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhưng CQĐT không thực hiện được các yêu cầu cung cấp chứng cứ buộc tội.

Lần trả hồ sơ đầu tiên, ngày 22/9/2010, Tòa yêu cầu làm rõ nhiều nội dung mà CQĐT “để lọt”, đặc biệt là mối quan hệ hôn nhân giữa bị can Trần Minh Anh và “người liên quan” Trần Kim Ngân vì có căn cứ cho thấy họ đang tồn tại quan hệ vợ chồng hợp pháp. Vì chưa làm rõ điều này nên có thể bị can đang bị quy kết là chiếm đoạt tiền của… chính mình.

Trong quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung, Tòa yêu cầu phải đối chất tay ba giữa bị can Trần Minh Anh và hai mẹ con bà Bùi Thị Minh, Trần Kim Ngân. Song CQĐT không thực hiện việc đối chất theo yêu cầu của Tòa mà vẫn kết thúc điều tra, đồng thời “trả” hồ sơ cho Tòa.

Trong lần trả hồ sơ thứ 2, thứ 3 diễn ra trong năm 2011 và lần thứ 4 vào đầu năm 2012, Tòa tiếp tục nhắc lại yêu cầu này. Thế nhưng, CQĐT vẫn không thực hiện. Ngày 7/2/2012, khi CQĐT có kết luận điều tra bổ sung lần thứ 4 theo yêu cầu của Tòa, Vụ 1, VKSND tối cao đã ngay lập tức trả lại hồ sơ cho CQĐT để tiếp tục thực hiện yêu cầu của Tòa. Được biết, trong văn bản trả hồ sơ để tiếp tục điều tra bổ sung, Vụ 1 đã đề nghị CQĐT tổ chức cuộc họp liên ngành trung ương để “giải quyết dứt điểm vụ án”.

Tuy nhiên, yêu cầu này tiếp tục không được thực hiện vì sau đó, CQĐT đã không có kết luận điều tra bổ sung nào khác mà vẫn chuyển hồ sơ cho VKS để “đẩy” sang Tòa án. Nhưng, ngày 13/6/2012, TAND TP Hà Nội lại trả hồ sơ để “điều tra bổ sung” và đây là lần trả hồ sơ thứ 5 của Tòa án trong vụ án này. Số lần trả hồ sơ điều tra bổ sung của Tòa án trong vụ án này đã bắt kịp “kỷ lục” về số lần trả hồ sơ bổ sung của Tòa án trong vụ án oan Mai Thị Khánh mà TAND TP Hà Nội vừa mới “giải quyết hậu quả” hồi tháng 10/2011. Trong kết luận điều tra gần đây nhất, ngày 12/7/2012, CQĐT tiếp tục “từ chối” thực hiện yêu cầu của Tòa.

Qua số lần trả hồ sơ lập “kỷ lục” như vậy cũng có thể thấy sự độc lập của Tòa án đối với CQĐT và VKS. Vì rõ ràng đến thời điểm này, TAND TP Hà Nội vẫn không chấp buộc tội ông Trần Minh Anh bằng những chứng cứ thiếu thuyết phục mà VKSND tối cao đưa ra. Nhưng vấn đề khiến nhiều người dân không thể hiểu được là với những chứng cứ buộc tội thiếu thuyết phục như vậy, vì sao Tòa án không mở ngay phiên tòa rồi tuyên bố bị cáo không phạm tội hoặc tuyên bố không đủ chứng cứ buộc tội đối với bị cáo như quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự?.

Tại sao cứ trả hồ sơ đi trả hồ sơ lại để điều tra, trong khi pháp luật không cho phép VKS và Tòa án trả hồ sơ quá 2 lần?. Phải chăng, các cơ quan này buộc phải tìm thấy tội cho bị can mới kết thúc vụ án?.

Những vấn đề được đặt ra trong những câu hỏi trên lại không phải là vấn đề nóng của riêng vụ án này mà là vấn đề của nhiều vụ án thời…bồi thường oan sai. Việc Tòa án thấy không có đủ chứng cứ buộc tội nhưng không tuyên vô tội ngày càng nhiều khi pháp luật buộc CQĐT, VKS phải có trách nhiệm đối với oan sai do họ gây ra.

Vụ việc TAND TP Hà Nội tuyên bố bà Mai Thị Khánh không phạm tội như VKSND tối cao truy tố nhưng phải “gán” tội khác cho bà Khánh là một minh chứng rất rõ ràng. Với vụ án Trần Minh Anh, thêm một lần nữa TAND TP Hà Nội rơi vào thế khó. Liệu Tòa án sẽ bảo vệ pháp luật và công lý, bảo vệ uy tín của ngành Tòa hay bảo vệ VKS và CQĐT?.                                                           

Để hiểu thêm cái “khó” của ngành Tòa trong những vụ án có dấu hiệu oan sai, chúng tôi đã trao đổi với Luật sư Lê Văn Kiên, Trưởng Văn phòng luật sư Ánh Sáng Công lý về vấn đề này.

Thưa Luật sư, pháp luật quy định như thế nào về sự độc lập giữa Tòa án và các cơ quan tiến hành tố tụng khác?

Trong Bộ luật Tố tụng hình sự có nhiều quy định về sự độc lập của Tòa án đối với CQĐT và VKS. Điều 12 của Luật này quy định, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải nghiêm chỉnh thực hiện những quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về những hành vi, quyết định của mình.

Đối với Tòa án, là cơ quan xét xử nên càng phải độc lập. Người trực tiếp xét xử các vụ án là thẩm phán phải tuân theo nguyên tắc “độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Với nguyên tắc này thì ngay cả Chánh án cũng không có quyền chỉ đạo hay áp đặt ý kiến đối với thẩm phán. Như vậy, sự độc lập của Tòa án được pháp luật quy định rất rõ ràng.

Khi pháp luật quy định như vậy, tại sao vẫn xảy ra tình trạng Tòa án phải “giải quyết hậu quả” thay cho các cơ quan tiến hành tố tụng khác, thưa ông?

Theo nguyên lý chung thì Tòa án có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận lời buộc tội của VKS đối với bị cáo. Nhưng khi Tòa nói “không” với lời buộc tội thì đồng nghĩa với việc VKS phải bồi thường oan sai. Trách nhiệm của cá nhân nào đó trong cơ quan truy tố sai sẽ không nhỏ.

Vì lý do này, nhiều vụ án khi chuyển sang Tòa án, thì Tòa trả hồ sơ lại và vụ án đã được VKS đình chỉ vụ án (thường là áp dụng hình thức miễn trách nhiệm hình sự để tránh bồi thường oan sai). Điển hình là vụ án Vũ Đắc Lý xảy ra năm 2005 tại Hà Tây (cũ). TAND huyện Hoài Đức lúc đó đã có văn bản nói rõ quan điểm của Tòa về vụ án nên đã khiến VKS phải rút lại hồ sơ vụ án, sau đó VKSND tối cao đã “miễn trách nhiệm hình sự” cho bị can cho dù không có bằng chứng về việc ông này phạm tội. Qua các vụ án trên thì thấy rõ nguyên nhân của những quyết định của Tòa án.

Theo ông, làm thế nào giải quyết “vấn đề” này để bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa?

Pháp chế xã hội chủ nghĩa đòi hỏi mọi công dân và tổ chức, đặc biệt là cơ quan nhà nước phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Theo tôi, Tòa án là cơ quan tài phán càng phải nêu cao tinh thần pháp chế bằng việc thực hiện nghiêm chỉnh quy định của pháp luật từ chối tất cả những lời buộc tội thiếu căn cứ để tạo “tiền lệ” cho tương lai. Nếu cứ giải quyết theo kiểu “gán tội” khác cho bị cáo như trong vụ bà Mai Thị Khánh, tôi nghĩ Tòa sẽ còn “gặp lại” nhiều những vụ án kiểu như thế trong tương lai.

Xin cảm ơn ông!

Bình Minh

Đọc thêm