5 người sốc phản vệ sau ăn canh chua bạc hà

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sau khi ăn canh chua bạc hà, nhiều người bị ngứa, khó thở, được cấp cứu tại BVĐK Tâm Anh TP HCM.
Bạc hà (còn gọi rọc mùng, dọc mùng) là cây thân xốp, thường dùng chế biến món ăn.. Ảnh: BVCC
Bạc hà (còn gọi rọc mùng, dọc mùng) là cây thân xốp, thường dùng chế biến món ăn.. Ảnh: BVCC

5 người bỗng sưng môi, khó thở… sau ăn canh bạc hà

Thông tin từ bác sĩ Đoàn Quốc Anh, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP HCM), bệnh viện vừa tiếp nhận 5 người bị sốc phản vệ độ 2 sau khi ăn canh gà lá giang bạc hà.

Những bệnh nhân này làm chung công ty tại TP HCM, gồm chị C.T.L 21 tuổi, Tr.T.T.N 22 tuổi, H.T.T.H 24 tuổi, L.T.P.T 32 tuổi và anh Tr.T.V 27 tuổi. Cả 5 bệnh nhân đều bị ngứa lưỡi, đau họng, khó thở. Riêng chị L.T.P.T và anh Tr.T.V thêm khó thở, chị H.T.T.H sưng môi.

Tình trạng dị ứng, khó thở mỗi lúc nặng hơn nên các bệnh nhân được đưa đến khoa cấp cứu tại bệnh viện.

Tiếp nhận các ca bệnh trong tình trạng ngứa họng, môi đỏ, sưng phù, thở rít, bác sĩ Quốc Anh nhận định các bệnh nhân bị sốc phản vệ độ 2 với dọc mùng khiến thanh quản phù nề gây tắt nghẽn đường thở.

Ngay lập tức, người bệnh được tiêm bắp adrenaline chống sốc theo phác đồ của Bộ Y tế và theo dõi sát các chỉ số huyết áp, mạch, nhịp thở, SpO2 (nồng độ bão hòa oxy trong máu), tri giác và thể tích nước tiểu…

Sau 3 tiếng cấp cứu, các bệnh nhân hết ngứa, giảm sưng môi, không còn khó thở. Các bệnh nhân được theo dõi tiếp trong 24 giờ, phòng trường hợp các triệu chứng sốc phản vệ tái diễn, nguy hiểm đến tính mạng. Hiện các bệnh nhân khỏe, được xuất viện.

Theo bác sĩ Quốc Anh, 5 trường hợp trên đến bệnh viện nhanh chóng, được điều trị kịp thời nên tình trạng sốc cải thiện ngay lập tức. Nếu chần chừ nhập viện, các bệnh nhân có thể rơi vào sốc phản vệ độ 3, nguy kịch tính mạng vì đường thở bị tắt nghẽn dẫn đến ngừng hô hấp nhanh chóng.

Ăn bạc hà sao cho đúng cách?

Bác sĩ Quốc Anh cho biết, bạc hà (miền Bắc gọi dọc mùng), đây là cây thuộc họ ráy, thường được dùng để nấu canh chua, chứ không phải bạc hà cho tinh dầu. Trong Đông y, bạc hà (tên khoa học Alocasia odora) chứa photpho, kali, canxi, magie, sắt và đặc biệt nhiều chất xơ cản trở sự hấp thụ cholesterol. Bạc hà có vị nhạt, tính mát, không độc với tác dụng giảm đờm, chữa mụn nhọt, ghẻ, sưng bàn tay, bàn chân.

Một số người có cơ địa dị ứng khi ăn bạc hà dễ bị ngứa lưỡi, ngứa ran trong cổ họng, phát ban, sưng môi, thậm chí khó thở, tắc thở, ngất xỉu. Thậm chí, bạc hà gây sốc phản vệ nhanh chóng từ khoảng vài phút đến 1 tiếng sau khi ăn. Những người có cơ địa dị ứng mạnh với bạc hà sẽ trở nặng nhanh chóng, thậm chí tử vong nếu không cấp cứu kịp

Các mức độ sốc phản vệ do bạc hà diễn ra từ nhẹ đến nặng: nổi mề đay, ngứa, da đỏ ửng, phù mạch, khó thở, nhịp tim nhanh, tím tái, rối loạn nhịp thở, phù nề hô hấp, tắt đường thở, ngừng tuần hoàn, ngừng hô hấp, tử vong.

Thông thường, các triệu chứng đầu tiên của sốc phản vệ thường thể hiện qua da. Tuy nhiên, sau khi ăn bạc hà, các biểu hiện thường xảy ra bên trong cổ họng nên người bệnh ít nhận ra. Cho đến khi người bệnh khó thở hoặc các dấu hiệu nặng hơn như rối loạn nhịp thở, tắt đường thở, ngừng tuần hoàn mới đưa đến cấp cứu.

Bác sĩ Quốc Anh khuyến cáo những người từng dị ứng, sốc phản vệ với bạc hà không nên sử dụng. Với người không biết cơ thể bị dị ứng nếu ăn bạc hà cần lưu ý các biểu hiện ngứa họng, ngứa lưỡi và đến bệnh viện kịp thời.

Ngoài ra, việc chế biến bạc hà không đúng cách cũng khiến người ăn dễ bị dị ứng, sốc phản vệ. Cụ thể, khi sơ chế bạc hà cần mang bao tay, rửa kỹ và lột sạch lớp vỏ xanh bên ngoài bởi đây là bộ phận dễ gây ngứa, dị ứng. Sau đó, cắt lát và bóp nhẹ với muối để loại bỏ chất ngứa trong dọc mùng rồi rửa lại nhiều lần với nước sạch. Khi nấu cần nấu chín kỹ để loại bỏ chất gây ngứa./.

Đọc thêm