Mỗi người đều thừa hưởng nhiều đặc điểm, tính cách của cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình, do ADN quy định. Tương tự như vậy, một số rối loạn và các bệnh có thể di truyền từ cha mẹ sang con cái.
Cholesterol cao
Theo Prevention, chế độ ăn uống là nguyên nhân chủ yếu khiến cholesterol cao. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đó lại là vấn đề di truyền. Theo thống kê, 1/500 người gặp phải gen đột biến từ cha mẹ, dẫn đến tình trạng tăng cholesterol máu do di truyền, và có nguy cơ bị các cơn đau tim và đột quỵ sớm.
Ở những người này, đột biến gen ngăn cản lượng cholesterol cao do di truyền chuyển hóa thành cholesterol bình thường, do đó, nó tích tụ trong máu của họ. Dù ăn chay và tập thể dục tích cực, họ vẫn có mức cholesterol cao hơn bình thường.
Ung thư vú từ cha
Khi nói về tiền sử gia đình về bệnh ung thư vú, mọi người đều nghĩ nguyên nhân là do người phụ nữ. Tuy nhiên, những loại gen đột biến như BRCA1 hoặc BRCA2 làm tăng nguy cơ ung thư vú và buồng trứng lại di truyền từ cả cha và mẹ.
Nam giới có BRCA1 hoặc BRCA2 đột biến ít khi phát triển thành bệnh ung thư vú. Nhưng các loại gen này vẫn tồn tại trong cơ thể của họ và di truyền sang con gái, tăng nguy cơ phát triển ung thư vú ở thế hệ này.
Con gái có khả năng bị bệnh ung thư vú di truyền từ người cha. Ảnh: Boldsky |
Chứng hói đầu từ mẹ
Shivani Nazareth, nhân viên tư vấn di truyền gen, kiêm Giám đốc phụ trách y tế tại Công ty sàng lọc ADN, Counsyl (Mỹ), cho biết loại gen gây chứng hói đầu nằm trên nhiễm sắc thể X, trong khi nam giới thường thừa hưởng gen từ mẹ. Do vậy, nam giới dễ bị chứng hói đầu hơn nữ giới.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên xem xét yếu tố môi trường. Đây cũng có thể là nguyên nhân gây hói đầu.
Bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường chủ yếu xảy ra ở những người lớn tuổi, nhưng khoảng 5% trường hợp là trẻ em, thiếu niên hoặc người trẻ tuổi phát triển các triệu chứng giống như bệnh tiểu đường loại 2, như béo phì hay lười vận động.
Bệnh tiểu đường xuất hiện khi còn trẻ thực sự là do đột biến gen di truyền. Nếu không xét nghiệm gen, những người này thường được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường loại 2, khiến việc điều trị ít hiệu quả hơn.
Không dung nạp lactose
Khoảng 65% người trưởng thành mắc chứng bệnh do gen, gọi là thiếu hụt gen chịu trách nhiệm cho quá trình tiêu hóa lactose, loại đường thường gặp nhất trong sữa. Đây là chứng bệnh cha mẹ có thể di truyền cho con cái.
Chuyên gia Nazareth cho biết trẻ sơ sinh ít gặp triệu chứng này hơn, vì lúc này chúng còn phụ thuộc vào sữa mẹ, không cần phải tiêu thụ các sản phẩm từ sữa. Tuy nhiên, khi chúng ta lớn lên, việc tiêu thụ sữa càng nhiều khiến cơ thể ít loại gen này dễ bị dị ứng sữa hơn.