Vừa qua, TP HCM tổ chức công bố, vinh danh và giao lưu 50 công trình, cụm công trình xây dựng tiêu biểu của thành phố, gồm 8 công trình nhóm y tế, 5 công trình nhóm dân dụng - công nghiệp, 17 công trình nhóm văn hóa - giáo dục, 15 công trình nhóm hạ tầng - giao thông; 5 công trình nhóm khu đô thị - nhà ở.
Tại buổi lễ, trước câu hỏi về định hướng phát triển các công trình tiêu biểu của thành phố để tăng giá trị bản sắc đô thị, nhằm phát triển kinh tế xã hội, và văn hóa du lịch, Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu cho biết: "Chủ trương của thành phố, hay tất cả các đô thị đều phải có bản sắc riêng. Ở đây chúng ta có thể nhìn rất rõ, thành phố đang tiến hành làm.
Như trong đất nước chúng ta, nói về TP Hà Nội, mọi người sẽ nói đó là đô thị hồ, nói về TP HCM, sẽ nói về đô thị sông, kênh, rạch. Nhiều năm nay, thành phố đã có chủ trương khơi dậy những con sông, những bờ kênh - đó là bản sắc tạo ra không gian của TP HCM".
![]() |
50 năm sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TP HCM ngày một phát triển, trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa hàng đầu của cả nước. |
Kiến trúc sư Lưu nói thêm, trước đó Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Hội Kiến trúc sư TP HCM đã tổ chức hội thảo để đánh giá lại kiến trúc của TP HCM trong 50 năm qua để có hướng phát triển phù hợp.
Trong khi đó, Kiến trúc sư Khương Văn Mười - Nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhấn mạnh, TP HCM là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa hàng đầu của cả nước, đã trải qua quá trình phát triển mạnh mẽ với sự hình thành của nhiều công trình có ý nghĩa chiến lược trên các lĩnh vực y tế, hạ tầng, dân dụng, văn hóa, giáo dục, nhà ở...
Các công trình này đóng vai trò then chốt, từng bước giúp thành phố trong việc thay đổi diện mạo đô thị, đồng thời nâng cao chất lượng sống, dân trí của người dân, tạo công ăn việc làm, từ đó làm động lực cho sự tăng trưởng kinh tế bền vững.